Trong diễn biến của bộ phim Hai người vợ tập 23, 24, 25, Trinh Trinh vẫn luôn là người nhận về mình sự thiệt thòi, oan ức, dù cô vẫn một lòng không oán hận ai mà giữ được sự trung trinh, thảo hiền. Trong khi đó Dạ Thảo đã hoàn toàn đánh mất cảm tình ban đầu của người xem cũng như sự thương cảm vừa qua khi cô phải xa rời đứa con vừa sinh. Vào cuối tập 25, cuối cùng khán giả cũng đã có thể thở phào sung sướng khi lần đầu tiên, Thế Khải đã bị lên án về thái độ hà khắc, cổ hủ và cũng đã phải thay đổi cái nhìn của anh dành cho Trinh Trinh.
Vào đầu tập 23, chứng kiến nỗi đau mất con của Thế Khải, phải chứng kiến mỗi ngày anh say xỉn vì buồn bã, trách Dạ Thảo rồi lại tự dằn vặt bản thân mình, Trinh Trinh không thể nào yên lòng nên quyết tâm tìm lại đứa con thất lạc của Thế Khải về. May cho cô, được sự giúp đỡ của sư thầy, cô đã lần ra được tung tích người phụ nữ đã nhận con Dạ Thảo về. Thật may mắn thay đây lại là người có ơn với cô từ trước nên người phụ nữ này dù rất thương đứa bé nhưng vẫn dứt lòng trao lại đứa bé cho Trinh Trinh.
Trong khi Trinh Trinh thì chạy đôn chạy đáo tận Cà Mau tìm con, thì Dạ Thảo biết ngồi khóc lóc khổ đau, nhớ con chỉ một phần, mà sợ mất Thế Khải đến chín phần. Bị Thế Khải giận không buồn ỏ ê, Dạ Thảo dùng khổ nhục kế, uống nước dừa để khiến bệnh băng huyết nặng thêm, rồi lê đến ăn vạ Thế Khải. Hai người làm lành trở lại, cùng nhau nói dối là đứa con đã chết từ lúc mới sinh để qua mắt mẹ Thế Khải.
Đưa được con gái Thế Khải về, Trinh Trinh vui mừng khôn xiết, cô nhờ Thiên Trang, em gái Thế Khải giúp đỡ thuyết phục mẹ Thế Khải nhận nuôi đứa bé. Ban đầu, bà rất băn khoăn và không chấp nhận, nhưng về sau, Thiên Trang đành nói ra sự thật về việc dối trá của Dạ Thảo và Thế Khải, bà đã thay đổi hẳn thái độ, chuyển sang thương yêu đứa bé hết lòng. Quá giận hai đứa con trai - con dâu kia, bà dặn Trinh Trinh tuyệt đối không để cho Thế Khải biết chuyện.
Thế Khải vẫn không hề biết đứa con thất lạc của mình đã được tìm lại và đang cùng sống chung ngay trong một mái nhà. Những ngày này lòng anh luôn nặng nề khi nghĩ về con, và lại buồn thêm khi thấy Dạ Thảo ngày một đổi thay, phù phiếm hơn, vô tình hơn. Hai người thường xuyên khắc khẩu và cãi vã vì Thế Khải thì không thể quên được nỗi buồn mất con, còn Dạ Thảo thì đã gạt hoàn toàn chuyện đó ra khỏi đầu để hướng về cuộc sống tự do vui thú sắp chào đón mình khi hết cữ.
Những nỗi giận dữ, đau buồn đó, anh trút hết lên Trinh Trinh. Ngay khi thấy cô nhận nuôi một đứa trẻ, anh đã không cần biết trước sau, đánh mắng cô tàn nhẫn. Không thèm nhìn mặt đứa trẻ đến một lần, anh một mực cho rằng Trinh Trinh cố tình đem một đứa bé lạ về để chọc tức chuyện mất con của anh, và cho rằng đây chính là cách cô trả thù mình. Mãi đến khi, tình cờ, anh ghé mắt nhìn đứa bé và hoàn toàn choáng váng nhận ra đây chính là con mình, qua vết bớt trên má không lẫn đi đâu được.
Thiên Trang đã kể lại hết cho Thế Khải rằng Trinh Trinh đã vì anh ra sao, thương anh buồn đau mà đi kiếm đứa trẻ về, dù bị đánh mắng vẫn thương yêu chăm sóc đứa con anh, che chắn bảo vệ con anh ra sao. Lúc này đây Thế Khải mới nhận ra được thực sự tấm lòng của Trinh Trinh.
Như đã nói, cuộc nói chuyện của Thiên Trang và Thế Khải tuy ngắn ngủi, nhưng đây là một cuộc nói chuyện mang tính chất then chốt đối với bộ phim, và cũng mang trong mình một cách ngắn gọn toàn bộ thông điệp bộ phim muốn gửi gắm tới khán giả. Lâu nay, việc Trinh Trinh mất đi trinh tiết, và bị chồng đối xử bạc bẽo, gia đình chồng coi thường, chịu bao nhiêu khổ đau, hắt hủi, giống như một hình phạt đương nhiên cô phải nhận về vì đã đánh mất đi cái quý giá nhất đời con gái. Trước đến nay Thế Khải chưa bao giờ nghĩ rằng thái độ đó của anh có gì là sai lầm cả.
Vậy mà trong cuộc nói chuyện này, Thiên Trang đã thẳng thắn bày tỏ thái độ. Cô chê trách anh ích kỷ, cổ hủ khi quá đặt trọng chữ trinh mà quên đi những giá trị khác của Trinh Trinh. Cô đặt ra câu hỏi mà nếu giải quyết được nó, Thế Khải hẳn sẽ nhận ra được vấn đề của chính mình: Vợ chồng với nhau bao nhiêu lâu, đã bao giờ anh thực sự tìm hiểu tại sao một người phụ nữ với phẩm giá tốt, tư cách tốt như Trinh Trinh, lại bị mất đi chữ Trinh? Đây là một trong những phân đoạn giá trị nhất trong ba tập phim.
Cũng phải nói qua một chút về Thiên Trang, cô sinh ra trong một gia đình gia giáo, có nền nếp lâu đời, luôn được mẹ dạy về tam tòng tứ đức, nhưng cũng lại được đi học trường nữ học của Tây, từ nhỏ vừa được tiếp xúc song song với hai nền văn hóa Đông phương và Tây phương. Chính nhờ vậy, Thiên Trang trở thành một mẫu con gái trung hòa giữa phong cách hoàn toàn hiện đại, phóng khoáng tây phương kiểu Kiều Ngân, với phong cách quá sức cổ điển cũ kỹ của Trinh Trinh.
Riêng với chị dâu, cô vẫn ngưỡng mộ việc chị dâu là người đảm đang, khéo léo, chu toàn kiểu mẫu, nhưng bên cạnh đó, cô cũng uất giùm chị dâu khi chị phải chịu khổ, nhiều khi cũng chính bởi thái độ nhẫn nhịn, tư duy phong kiến của chị. Có thể nói, Thiên Trang là mẫu con gái gần nhất với mẫu phụ nữ hiện đại, vừa hướng về cái cổ điển, trân trọng những nét đẹp của người phụ nữ cổ truyền, nhưng cũng vừa phản đối những quan niệm cũ, hà khắc áp đặt vào người phụ nữ Á đông xưa.
Đến lúc này đây Thiên Trang đã hoàn toàn chinh phục được khán giả, cô thành công làm cầu nối giữa Trinh Trinh với mẹ Thế Khải, nhiều lần ra tay nghĩa hiệp bảo vệ chị dâu, làm chỗ dựa cho cô chị dâu yếu đuối. Và lần này, lần đầu tiên, cô làm thỏa lòng khán giả khi đứng ra để nói cho Thế Khải một chân lý thật giản đơn rằng: Chữ trinh kia tuy thật sự quý giá, nhưng không phải tất cả giá trị của người phụ nữ.