Sau gần 2 tháng công chiếu, bộ phim truyền hình dài tập Hai người vợ khép lại những thước phim cuối cùng, để lại nhiều nuối tiếc trong lòng khán giả. Cuộc hành trình tìm kiếm hạnh phúc của hai người phụ nữ Dạ Thảo và Trinh Trinh cuối cùng cũng chẳng có một kết cục viên mãn, dù cho họ đã, dù cách này hay cách khác, nỗ lực đến tận cùng. Dạ Thảo hóa điên vì đau khổ, Trinh Trinh mất tích với đứa con trong bụng, để lại Thế Khải với bao nhiêu chua xót, hối hận. Cái kết thương đau không hợp lòng người xem, nhưng lại rất đúng với hiện thực tàn nhẫn của số phận.
Cuối tập 28, trước sức ép của Dạ Thảo, cuối cùng thì Thế Khải và Trinh Trinh cũng đành chấp nhận cho cô đến chung sống trong ngôi nhà của hai người, thực sự bắt đầu một kiếp chồng chung. Những tưởng như vậy là yên chuyện, nhưng sự thực chẳng như mong đợi, cuộc sống chung chạ thà khuất mắt trông coi, chứ cứ diễn ra sờ sờ trước mắt thì chẳng ai có thể chịu nổi. Điều này làm khoét sâu thêm nỗi hờn ghen của Dạ Thảo, nỗi đau lòng của Trinh Trinh, khiến cho những mâu thuẫn sâu thẳm trong họ ngày càng thêm nhức nhối.
Quyết tâm tống cổ Trinh Trinh ra khỏi nhà, Dạ Thảo bày đủ trò gây chuyện với Trinh Trinh, lôi kéo người làm kẻ ở về phe mình, đặt chuyện gài bẫy để Trinh Trinh bị Thế Khải nghi ngờ, mất dần tình cảm với Trinh Trinh. Lại có thêm sự giúp đỡ của Quang Huy nhiều mưu hèn kế bẩn, Dạ Thảo bày đặt một vở kịch lừa Trinh Trinh đến gặp Quang Huy để giải quyết chuyện nợ nần của mình. Vốn bản tính ngây thơ, tin người, Trinh Trinh vội vàng chạy đến gặp Quang Huy, và tất cả đều lọt vào mắt Thế Khải, theo sự sắp đặt sẵn của Dạ Thảo.
Vốn bản tính hay ghen tuông vô lối, Thế Khải lập tức mất hết niềm tin với Trinh Trinh và từ hôn với Trinh Trinh, đuổi cô ra khỏi nhà, mà không buồn nghe bất cứ lời giải thích nào. Trinh Trinh đã quá tuyệt vọng nên cũng chẳng buồn níu kéo, gửi lại đơn ly hôn cho Thế Khải rồi trở về nhà ba má, kể lại hết mọi chuyện. Gia đình ông Phát quá giận dữ khi nghe nỗi khổ của con gái yêu, định đòi lại công bằng cho con gái, nhưng Trinh Trinh thuyết phục ông bà không gây chuyện gì với Thế Khải, bởi bản thân cô đã có quyết định của riêng mình.
Trong khi đó Dạ Thảo vẫn đang sung sướng với chiến thắng bất ngờ, cô tưởng như đã nắm cả thế giới trong tay. Sự sung sướng đó khiến cho Dạ Thảo lơ là, và phạm nhiều sai lầm không đáng có. Cô cư xử không ra gì với người ở đã từng giúp đỡ cô gài bẫy Trinh Trinh thủa trước, bỏ bê việc nhà, con cái để vui vầy với Quang Huy. Từng bước từng bước, cô đánh mất những thiện cảm tốt đẹp cô đang có được, và đến lúc nhân quả đã giáng xuống. Nhờ sự giúp đỡ của Thiên Ân,và sự thú nhận của cô giúp việc, Thế Khải đã tìm hiểu được mọi chuyện, và bắt quả tang được đôi gian phu dâm phụ tại trận. Anh đuổi cô ra khỏi nhà.
Dạ Thảo tìm đến Quang Huy để cầu sự che chở, nhưng cô chỉ nhận được sự phụ tình bạc bẽo. Quang Huy không buồn giấu diếm sự đê tiện khốn nạn khi thẳng thắn nói rằng chính bản thân hắn cũng chẳng coi Dạ Thảo ra gì, và tất cả những gì trước đến nay hắn làm, chẳng qua cũng vì thú vui nhất thời mà thôi. Ngay cả số tiền thế chấp căn nhà của Dạ Thảo, hắn cũng đã ăn tiêu sạch sẽ. Tiền hết tình tan, hắn đã tìm được niềm vui thú bên người đẹp khác. Dạ Thảo quá uất ức và tuyệt vọng, giờ đây cô chẳng còn chốn để đi về. Đang lang thang giữa đường, cô bị gặp tai nạn và được đưa về quê với mẹ, nhưng cũng từ đây, Dạ Thảo điên điên tỉnh tỉnh, khóc khóc cười cười trong vô thức.
Khi chỉ còn lại một mình, Thế Khải hoàn toàn nhận ra những điều sai lầm của bản thân. Chợt nghĩ còn Trinh Trinh đang oan ức buồn khổ, anh vội vã đi tìm. Nhưng đã quá muộn, người nhà Trinh Trinh chỉ nói rằng cô đã tự vẫn, và yêu cầu Thế Khải đừng bao giờ tìm đến nữa. Thế Khải trở về trong đau đớn và day dứt, vì anh còn biết rằng, không những mất đi người vợ hiền thảo, thương yêu, anh còn mất nốt đứa con trong bụng cô.
Thực ra Trinh Trinh không chết, cô vẫn còn sống và tất cả đều là vở kịch do cô dàn dựng để Thế Khải không bao giờ còn tìm được mình. Sau tất cả đau thương, buồn khổ, cô đã không còn lòng tin vào hạnh phúc và chỉ muốn được yên thân nuôi nấng đứa con của mình.
Cái kết của Hai người vợ khiến cho những người hâm mộ vẫn đang mong mỏi một happy ending cho Trinh Trinh phải đau lòng. Nhiều người còn giận dữ cho rằng cái kết của Hai người vợ đã quá nương tay với Dạ Thảo và phũ phàng với Trinh Trinh, khi mà sau tất cả, Dạ Thảo lại được về với vòng tay của mẹ yêu, của Tỉn, còn Trinh Trinh lại chỉ có một mình cùng vết thương lòng.
Nhưng nếu nhìn theo cách khác, đây là một cái kết mang tính hiện thực rất cao. Bởi chăng trong một xã hội coi khinh giá trị của người phụ nữ như thế, thì làm sao Trinh Trinh, một người hiền lành nhu mì đến mức còn không biết đấu tranh cho chính mình, lại có thể có được hạnh phúc. Đối với một số khán giả, hai người phụ nữ thực ra đều có được hạnh phúc của mình khi đều được giải thoát khỏi cuộc đời của người đàn ông gia trưởng ích kỷ như Thế Khải. Và ngược lại, với Thế Khải, sự mất mát và sống quãng đời còn lại trong hối hận của anh ta chính là cái giá phải trả cho những gì đã gây ra.
Cao trào phim nằm ở đoạn đối thoại của Thế Khải và Dạ Thảo, khi Dạ Thảo lên án Thế Khải rằng sự ích kỷ của anh mới chính là tiền đề của mọi tội lỗi. Cô hờn trách giá như ngày đi lấy vợ, anh cứ để yên cho cô với nỗi buồn khổ, thì rồi cô cũng vượt qua, và có được hạnh phúc với Tỉn. Nhưng chỉ vì sự ích kỷ của anh, đã khiến cho cô lâm vào vòng xoáy giành giật tình yêu hạnh phúc, khiến cô sa ngã và phải bán linh hồn cho quỷ dữ. Sau tất cả, cô cũng chỉ là nạn nhân của Thế Khải, và của cả xã hội phong kiến thời bấy giờ.
Kết thúc mở của phim, dù không hoàn toàn được lòng người xem, tuy vậy cũng có giá trị riêng. Nhưng biên kịch dường như hơi vội nên vẫn chưa giải quyết khá nhiều chi tiết, ví dụ như mối quan hệ của Dạ Thảo và đứa con gái thất lạc, hay Tuyết Ngân chưa kết được vai trò của mình trong phim, cuối cùng là tên đốn mạt Quang Huy, sau khi gây đủ mọi tội lỗi, thì lại chẳng nhận được kết cục gì. Nhiều khán giả cho rằng, cần phải có thêm một tập nữa để mạch phim không hẫng hụt, và xứng đáng hơn với một bộ phim hay và giá trị như Hai người vợ.