Cứ mỗi dịp hè về Doraemon lại “tái xuất” trên màn ảnh rộng. Năm nay, Doraemon mang đến chuỗi kỷ niệm đặc biệt, tri ân cố họa sĩ Fujiko F. Fujio với nhiều dự án nổi bật, trong đó phải kể đến phim điện ảnh Doraemon: Nobita Và Bản Giao Hưởng Địa Cầu.
Phần phim đầu tiên lấy âm nhạc làm chủ đề
Doraemon: Nobita Và Bản Giao Hưởng Địa Cầu có sự khác biệt nhất định so với các phần phim trước. Đây là bộ phim Doraemon chiếu rạp đầu tiên mang yếu tố chính là nhạc kịch, ca hát.
Phần phim thứ 43 của Doraemon kể về hành tinh nơi mà năng lượng chính để duy trì sự sống là âm nhạc. Tại đây, cung điện Farre đang bị hỏng hóc nặng nề do sự thiếu hụt về năng lượng âm nhạc. Chính vì vậy, cô công chúa Micca đã đi khắp nơi, tìm kiếm “bậc thầy âm nhạc” giúp phục dựng cung điện.
Khi đến Trái Đất, Micca đã mời Nobita, Doraemon và hội bạn đến để giúp xây lại cung điện. Thế nhưng từ đây, cả nhóm phát hiện ra có một thế lực bí ẩn đã rong ruổi khắp vũ trụ để xóa sổ âm nhạc, và chọn Trái Đất làm điểm đến tiếp theo. Liệu Doraemon, Nobita và nhóm bạn có thể bảo vệ hành tinh thân yêu khỏi hiểm họa này?
Thương hiệu “quốc dân”
Đối với khán giả Việt Nam, gần như không ai là không biết đến chú mèo máy đáng yêu Doraemon. Thương hiệu anime của Nhật Bản này đã gắn với tuổi thơ nhiều thế hệ khán giả Việt, và cả châu Á nói chung. Bằng chứng là mỗi năm khi chiếu phim tại rạp Việt, Doraemon đều thu về doanh thu khủng, tăng dần đều theo thời gian, thu hút hàng triệu lượt khán giả mua vé từ lớn đến nhỏ.
Món quà kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của cố tác giả
Không đơn thuần chỉ là một bộ phim hoạt hình, Doraemon: Nobita Và Bản Giao Hưởng Địa Cầu còn là món quà đặc biệt, tri ân đến “cha đẻ” quá cố của thương hiệu. Dự án phim Doraemon thứ 43 nằm trong khuôn khổ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của Fujiko F. Fujio, tác giả đã tạo nên thế giới tuyệt đẹp về Doraemon và Nobita.
Năm 1954 cái tên Fujiko Fujio bắt đầu nở rộ trên thị trường truyện tranh Nhật Bản. Song, không phải ai cũng biết rằng Fujiko Fujio vốn dĩ gồm 2 người, là Fujimoto Hiroshi và Abiko Motoo. Đến năm 1987, bộ đôi họa sĩ tách nhau ra để phát triển con đường riêng, trong đó Hiroshi lấy nghệ danh Fujiko F. Fujio và tiếp tục sáng tác Doraemon.
Đến năm 1996 tác giả qua đời vì ung thư gan. Nhưng di sản của ông vẫn được hậu duệ tiếp nối. Những phiên bản phim ảnh, trò chơi, đồ lưu niệm… được sản xuất và góp phần đưa Doraemon phát triển thành biểu tượng quốc dân của Nhật Bản, đồng thời giúp cái tên Fujiko F. Fujio sống mãi trong lòng khán giả.