Tôn Ngộ Không là nhân vật huyền thoại xuất hiện trong tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. Cho đến nay đã có rất nhiều bộ phim được chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ Tây Du Ký và Tôn Ngộ Không.
Đông Hoa Đế Quân là nhân vật xuất hiện trong hệ liệt Tam sinh tam thế của Đường Thất Công Tử. Đến hiện tại, có hai bộ phim đã lên sóng có nhắc đến Đông Hoa Đế Quân đó là Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa và Tam sinh tam thế: Chẩm thượng thư. Trong đó, Đông Hoa Đế Quân chính là nhân vật chính trong Tam sinh tam thế: Chẩm thượng thư bộ phim hiện đang được phát sóng và nhận được khá nhiều sự quan tâm từ khán giả.
Hai nhân vật Tôn Ngộ Không và Đông Hoa Đế Quân tưởng rằng không có điểm gì chung nhưng thật bất ngờ, nếu để ý kỹ, khán giả sẽ thấy Tề Thiên Đại Thánh và Đế Quân lại có một số điểm chung khá hay ho.
Đầu tiên, Tôn Ngộ Không và Đông Hoa Đế Quân đều có nguyên thân là đá. Nếu Tôn Ngộ Không là một con thạch hầu, được hấp thụ tinh hoa từ đất trời sau đó phá đá chui ra ở Hoa Quả Sơn thì Đông Hoa Đế Quân lại có nguyên thân là một viên đá màu tím ở Đông Hoang Bích Hải Thương Linh. Tôn Ngộ Không là linh thạch nên không cha không mẹ, sống trên Hoa Quả Sơn với hầu tử hầu tôn. Đông Hoa Đế Quân cũng không cha không mẹ, được cha mẹ Công chúa Tri Hạc nhận về nuôi dưỡng.
Tôn Ngộ Không sinh ra đã có tư chất thông minh vượt trội. Ngộ Không được xem là đệ tử đứng đầu của Bồ Đề Tổ Sư. Tuy lúc học không chuyên tâm, hay quậy quá nhưng Ngộ Không lại luôn là người có khả năng vượt trội, học được nhiều phép biến hóa thần thông quảng đại. Thời gian theo học Bồ Đề Tổ Sư không lâu mà Tôn Ngộ Không đã học thành thạo được phép Cân Đẩu Vân cùng bảy mươi hai phép biến hóa, bản lĩnh thông thiên.
Đông Hoa Đế Quân khi đi học cũng là người vô cùng thông minh lại có tài thiên phú. Khi theo học ở Thủy Chiếu Trạch cùng Mặc Uyên, Chiết Nhan, Thiểu Quán, Bạch Chỉ, Dao Quang; Đế Quân có thành tích học tập vô cùng đáng nể. Đông Hoa Đế Quân giờ lên lớp đều không ngồi ngay ngắn nghe phu tử giảng bài, chủ yếu chỉ toàn ngủ nhưng mỗi khi đánh giá thành tích thì đều đứng đầu lớp, ngang với người học tập chăm chỉ, nghiêm túc nhất đó là Mặc Uyên.
Tới khi học thành tài, xuất sơn, tế thế cứu đời, cả Tôn Ngộ Không và Đông Hoa Đế Quân đều là những vị thần tiên vô cùng “chất” và tài giỏi.
Tôn Ngộ Không vì tài giỏi nên không kiêng nể ai, tính tình khó thuần hóa. Vì bất bình với cách cư xử của Ngọc Hoàng Đại Đế mà khỉ ta sẵn sàng vác gậy Như Ý đánh thẳng lên thiên đình, gây náo loạn một phen. Chỉ khi Như Lai Phật Tổ ra tay, Ngộ Không mới bị trấn áp, bị giam giữ năm trăm năm dưới Ngũ Chỉ Sơn của Phật Tổ.
Đến khi thoát ra, Ngộ Không phải thực hiện sứ mệnh bảo vệ Đường Tam Tạng đi thỉnh chân kinh về cứu giúp chúng sinh khỏi bể khổ. Trên đường đi, Mỹ Hầu Vương vừa phải tu tâm dưỡng tính, vừa phải ra sức tiêu diệt yêu quái hại người. Từ thiên đình đến địa phủ, nhắc đến cái tên Tôn Ngộ Không, không ai không nể sợ mà kêu một tiếng Đại Thánh. Đến cả Ngọc Hoàng Đại Đế cũng phải nể Tôn Ngộ Không một phần.
Đông Hoa Đế Quân cũng vì thiên địa, vì Tứ hải bát hoang mà dùng hết năng lực để phong ấn Ma Tôn Miểu Lạc, kiềm hãm ma tộc làm loạn, giúp thế giới tránh được một kiếp nạn. Đông Hoa Đế Quân từng là chủ thiên địa, nhưng sau khi phong ấn được Miểu Lạc, Đế Quân lại lui về ở ẩn trên Thái Thần cung, nhường ngôi cho Thiên Quân. Tuy đã là người không xen vào chính sự nhưng bất kỳ ai gặp Đế Quân cũng phải cung kính, nể sợ. Thiên Quân là người đứng đầu Cửu Trùng Thiên cũng phải nể Đế Quân vài phần, Đế Quân ít khi nói nhưng mỗi lời nói ra, mọi người đều không thể không nghe.
Tôn Ngộ Không và Đông Hoa Đế Quân về thân thế và bản lĩnh có một vài điểm khá tương đồng như thế. Nhưng điều giống nhau nhất giữa hai người, vừa bi vừa hài, vừa thông minh vừa ngốc nghếch đó chính là khả năng xóa tên mình trên mọi mặt trận.
Tôn Ngộ Không vì không muốn loài khỉ của mình bị chết nên đã gạch, đã xé, đã xóa hết tên của các loại khỉ trong sổ sinh tử dưới âm phủ. Điểm tốt là hầu tử hầu tôn của Đại Thánh từ đó không ai dò xét được sinh tử nhưng đến khi có sự xuất hiện của Lục Nhĩ Mỹ Hầu thì đó lại chính là điều cản trở việc phân biệt thật giả.
Tôn Ngộ Không xích mích với sư phụ bị sư phụ đuổi về Hoa Quả Sơn. Tôn Ngộ Không đi thì Lục Nhĩ Mỹ Hầu tới, hóa thành Tôn Ngộ Không bay về chỗ thầy trò Đường Tăng gây chuyện, đánh cả Đường Tăng, Bát Giới và Sa Tăng. Cả thế giới cho rằng Ngộ Không làm phản, chỉ đến khi Ngộ Không giả và Ngộ Không thật cùng xuất hiện thì mọi người mới bắt đầu rối não vì hai người quá giống nhau không thể phân biệt.
Ngay cả Đường Tăng, Ngọc Hoàng, Na Tra, Quan Âm Bồ Tát cũng không thể biết ai là thật ai là giả. Xuống địa phủ tra sổ sinh tử thì toàn bộ thông tin về loài khỉ đã bị chính tay Ngộ Không hủy. Vậy là việc tìm ra Ngộ Không giả gần như đi vào bế tắc. Nếu ngày đó Ngộ Không thuận theo thiên mệnh, không phá sổ sinh tử thì việc tìm ra kẻ giả danh đã không phức tạp như thế. Cuối cùng, mọi người phải nhờ đến Như Lai Phật Tổ mới bắt được Lục Nhĩ Mỹ Hầu hiện nguyên hình, trả lại trong sạch và thanh danh cho Tôn Ngộ Không.
Đông Hoa Đế Quân cũng từng có một lần thông minh vượt bậc như thế khi tự tay hủy đi tên mình trên đá Tam Sinh để không ai có thể nắm được điểm yếu của Đế Quân, từ đó đường tình duyên của Đế Quân cũng bị hủy luôn. Vốn nghĩ Đế Quân đã lãnh cảm hoàn toàn với tình cảm nam nữ nhưng nào ngờ về sau, sự xuất hiện của Thanh Khâu tiểu điện hạ Bạch Phượng Cửu đã thay đổi tất cả. Phượng Cửu vì yêu thích Đế Quân mà tìm mọi cách để theo đuổi nhưng vì trên đá Tam Sinh không có tên Đế Quân nên giữa Phượng Cửu và Đế Quân đã định sẵn là vô duyên.
Tuy nhiên Phượng Cửu lại quyết tâm chống lại thiên mệnh, đem hết tình yêu của mình trao cho Đế Quân. Sự kiên trì và chân thành của Phượng Cửu cuối cùng cũng lay động được Đế Quân. Đế Quân có tình cảm với Phượng Cửu nhưng đá Tam Sinh lại không có nhân duyên, vô tình tạo thành rào cản khiến tình yêu của hai người gặp vô vàn khó khăn, đau khổ, thậm chí là hi sinh và mất mát. Nếu ngày ấy Đông Hoa Đế Quân không xóa tên mình trên đá Tam Sinh thì tình yêu của Đông Hoa và Phượng Cửu sẽ không khó khăn và đau lòng đến thế.