Diên Hi công lược (延禧攻略) sau một tháng công chiếu cuối cùng cũng đã kết thúc vào tối 26/08 ở tập 70. Tập cuối của bộ phim được xem là tập phim tập hợp những tinh hoa của cả dự án. Hàng loạt tình tiết gây dấu ấn đậm nét như cảnh Hoàng hậu (Xa Thi Mạn) cắt một đoạn tóc trong tuyệt vọng, hay câu nói đầy tiếc thương trước khi chết của Phú Sát Phó Hằng (Hứa Khải) dành cho Ngụy Anh Lạc (Ngô Cẩn Ngôn) đã chứng minh cho điều đó.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều tình huống khiến khán giả không khỏi thắc mắc. Tình huống Thái hậu xử trí Viên Xuân Vọng là một ví dụ. Người đã dùng một câu nói của mình mà làm Viên Xuân Vọng hóa điên đó chính là: “Ngươi không phải là con riêng của Tiên Hoàng đế”. Càn Long thấy vậy đã hạ lệnh xử tử Viên Xuân Vọng. Tuy vậy, ngay tại thời khắc đó Thái hậu đã ra mặt cầu xin cho tội nhân. Vậy nguyên nhân rốt cuộc là gì?
Trước đó, Viên Xuân Vọng đã phạm phải đại tội phản nghịch khi âm thầm bày ra mọi chuyện, khiêu khích Hòa Thân vương Hoằng Trú trở mặt, ly gián tình cảm huynh đệ giữa Hòa Thân vương Hoằng Trú và Hoàng thượng (Nhiếp Viễn). Sau đó, hắn lại âm thầm ép bức Hoàng hậu phải ra tay mưu hại Hoàng thượng và Thái hậu. Việc Viên Tổng quản giở trò trong khâu chữa trị cho Ngũ A ca đã khiến cho Lệnh Quý phi Ngụy Anh Lạc trúng độc. Với số tội danh đó, Viên Xuân Vọng lẽ ra phải chịu án tru di, song hắn lại thoát được cái chết nhờ vào sự che chở của Thái hậu.
Theo như những gì chúng ta biết về Thái hậu từ đầu phim đến giờ, Thái hậu là người thấu tình đạt lý, luôn biết giữ gìn giang sơn Đại Thanh thay Hoàng thượng nhưng người cũng hành sự quả quyết không để lại bất cứ hậu hoạn gì. Vì thế nếu như nói Thái hậu không nỡ giết người là điều không thể. Nhưng nếu như nói Thái hậu muốn giữ Viên Xuân Vọng lại bên mình để bồi dưỡng thì có vẻ cũng không hợp lý bởi chính người đã bức cho Viên Xuân Vọng hoá điên. Câu hỏi được đặt ra rằng có phải Viên Xuân Vọng thật sự là cốt nhục của Tiên Đế?
Thái hậu khi nghe Anh Lạc nhắc đến ba chữ “Thái Hành Sơn” thì sắc mặt lập tức thay đổi. Thái Hành Sơn là nơi năm đó Hoàng đế Ung Chính lúc gặp nguy hiểm đã lưu lại. Cụ thể, một gia đình nông dân đã cưu mang người. Sau này, Viên Xuân Vọng chính là đứa trẻ được sinh ra trong gia đình đó. Sau buổi đối chất, có vẻ như lời kể của Thái hậu, Lệnh Quý phi và Viên Xuân Vọng hoàn toàn trùng khớp với nhau. Thái hậu cảm thấy cục diện có vẻ không ổn thoả đã kể thêm một chi tiết nữa nhằm bác bỏ tin đồn Viên Xuân Vọng là giọt máu còn lưu lạc của Tiên Đế. Thái hậu lúc này trong lòng đã có câu trả lời liệu Viên Xuân Vọng có phải long mạch hoàng thất hay không.
Nếu hắn đích thực là anh em của Hoàng thượng thì khi sự thật được công bố, cả thiên hạ sẽ chỉ trích Tiến Đế, Thái hậu và Hoàng thượng bất nghĩa. Còn nếu hắn không phải con Hoàng thượng thì khi sự thật được đưa ra ánh sáng, trên dưới quần thần khó tránh nghị luận về hành vi trước kia của Tiên Đế. Vì vậy, Thái hậu đành chọn cách phủ nhận tin đồn, song người cũng không cho Hoàng thượng ra tay giết Viên Xuân Vọng. Bởi lẽ nếu lời đồn là sự thật, việc giữ lại mạng sống cho Viên Xuân Vọng cũng là một cách chuộc lại những sai lầm của Tiên Đế.