Những yếu tố nào tạo nên một bộ phim bom tấn? Cách đây không lâu, tiêu chuẩn chung được đặt ra là bộ phim đó phải thắng đậm các phòng vé Bắc Mỹ thì mới được công nhận là bom tấn. Nhưng thời thế đã thay đổi, doanh thu từ những rạp chiếu ngoài nước đóng vai trò không kém phần quan trọng so với trong nước, đặc biệt Hollywood càng lúc càng đánh giá cao thị trường Trung Quốc và tăng cường đầu tư cho các chiến dịch quảng bá tại đây. Với tầm nhìn xa trông rộng, biết “chọn mặt gửi vàng”, những bộ phim bom tấn luôn mang lại lợi nhuận đáng kể các nhà sản xuất.
Sự tiếp nhận của khán giả đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự thành công của một bộ phim, ngay cả những series phim vốn rất ăn khách nhưng nếu một ngày nọ làm ăn không đến nơi đến chốn thì khán giả cũng sẽ không nhân nhượng, có khi còn phản ứng gay gắt hơn bình thường chứ đừng nói. Bằng chứng thiết thực nhất gần đây phải nói đến “quả bom xịt” Justice League. Ngoài ra, khán giả cũng sắp có cơ hội chiêm nghiệm bộ phim Pacific Rim: Uprising. Mặc dù doanh thu trong nước của phần 1 lỗ đến tận 90 triệu USD nhưng tổng doanh thu trên thế giới lại đạt mốc 400 triệu USD, các nhà sản xuất cứ thế được đà tiến tới mà làm thêm phần 2. Chúng ta chẳng thể nào đọc hết được chữ ngờ là vậy.
Sau đây là danh sách 20 bộ phim có doanh thu phòng vé thất bại nhất trong 2017.
20. Ghost in the Shell
Dựa trên một bộ truyện tranh nổi tiếng cùng tên của Nhật Bản, đặc biệt có sự tham gia diễn xuất của cô đào nóng bỏng Scarlett Johansson, Ghost in the Shell vẫn thất bại thảm hại tại phòng vé năm nay. Mặc dù được hàng triệu người hâm mộ kỳ vọng với niềm tin vững chắc vào một bản live-action hoành tráng với kinh phí khủng, doanh thu trên toàn thế giới của Ghost in the Shell còn chưa vượt nổi con số 200 triệu USD.
Tổng chi phí sản xuất của bộ phim là 110 triệu USD. Có thể nói chiến dịch quảng bá không tốt lắm của Ghost in the Shell đã chung tay góp sức khiến doanh thu của bộ phim tuột dốc không phanh. Khán giả bước ra khỏi rạp mà còn hoài nghi nhiều điều. Một cốt truyện với tuyến nhân vật Châu Á nhưng lại bị thay bằng diễn viên da trắng đã khiến nhiều người hâm mộ bức xúc và “ném đá” kịch liệt quá trình “tẩy trắng” này. Doanh thu phòng vé của Ghost in the Shell xếp thứ 57 trong danh sách điện ảnh năm 2017.
19. Blade Runner 2049
Bộ phim gốc Blade Runner (1982) là một tác phẩm kinh điển với cái chất rất riêng nhưng lại thất bại thảm hại khi được công chiếu. Lần này, không ngoài dự đoán của nhiều người hâm mộ, lịch sử đã lặp lại một lần nữa.
Mặc dù có sự xuất hiện của tài tử Ryan Gosling và nhận được kỳ vọng lớn từ các nhà chuyên môn nhưng Blade Runner 2049 với kinh phí 150 triệu USD chỉ mang lại cho nhà sản xuất 91 triệu USD trên thị trường Bắc Mỹ. Tổng doanh thu trên toàn thế giới của bộ phim là 240 triệu USD. Việc Ford Harrison quay lại bộ phim sau ngần ấy năm cộng thêm những thước phim với kĩ thuật tiên tiến ngày nay mà chỉ gặt hái được doanh thu ngần ấy thì đúng là không chấp nhận được.
18. Alien: Covernant
Cũng giống như “quả bom xịt” Prometheus, Alien: Covernant xuất hiện trong danh sách các bộ phim về đề tài sinh vật ngoài hành tinh, vốn khá kén khán giả trong những năm gần đây.
Lỗ hơn 20 triệu USD trên tổng kinh phí 97 triệu USD tại phòng vé trong nước và chỉ đạt doanh thu gấp 2,5 lần trên thị trường quốc tế, Alien: Covernant rõ ràng là một thất bại lớn. Đồng thời, phía sản xuất cũng đang xem xét có nên thực hiện dự án reboot đối với bộ phim này hay không. Nếu dự án này được tiến hành dưới sự chỉ đạo của James Cameron thì may ra mới cứu vãn được doanh thu phòng vé.
17. Power Rangers
Power Rangers rõ ràng là thể loại ưa thích của các nhà sản xuất. Lý do là vì lợi nhuận không nhỏ đến từ những sản phẩm ăn theo mà cụ thể ở đây là đồ chơi. Cứ nhìn vào các nhân vật trong phim là thấy: nào là những siêu anh hùng ăn diện sặc sỡ, những con quái vật kim loại, những nhân vật phản diện gian ác,… Tất cả đều được tái hiện dễ dàng dưới dạng đồ chơi, video game hoặc trở thành trang phục Halloween,…Nhưng đời không như là mơ, Power Rangers thất bại đến thảm hại trên mọi mặt trận từ trong ra ngoài nước. Với kinh phí hẳn 100 triệu USD mà doanh thu phòng vé chỉ vỏn vẹn 142 triệu USD, Power Rangers dù là thương hiệu nổi tiếng thế giới nhưng lần này lại không nhận được sự ủng hộ của phần lớn người xem.
16. Pirates of the Caribbean: Dead men tell no tales
Đứa con cưng của Disney đã được người hâm mộ gửi gắm biết bao nhiêu hi vọng. Lần này có là Johnny Depp cũng không thể cứu nổi doanh thu rồi. Tổng kinh phí 230 triệu USD nhưng thị trường trong nước còn chưa cán mốc 172 triệu USD, ngược lại, doanh thu trên thị trường quốc tế lại lên như diều gặp gió với con số khá ấn tượng 795 triệu USD. Nếu xét về khía cạnh lợi nhuận thì rõ ràng không thể gọi đây là “quả bom xịt”, nhưng với tình trạng người xem trong nước không còn ưa chuộng thể loại cướp biển như xưa thì các nhà sản xuất nên cất nhắc kĩ lưỡng về việc có nên tiếp tục thực hiện các dự án tiếp theo hay không.
15. The Dark Tower
Công thức tạo nên bởi sự kết hợp giữa kịch bản của Stephen King và sự góp mặt của diễn viên hàng đầu Hollywood được dự đoán sẽ đem đến thành công thương mại cho bộ phim này, tiếc rằng lần này điều đó đã không xảy ra.
The Dark Tower là bộ phim hành động phiêu lưu pha một chút kinh dị được chuyển thể từ loạt truyện gồm 8 cuốn cùng tên của bậc thầy truyện kinh dị Stephen King. Và đối với những ai đã đọc qua bộ truyện này có lẽ không nên đi xem phim vì khả năng cao sẽ bị hụt hẫng do các nhà làm phim muốn gói gọn nội dung khổng lồ của bộ tiểu thuyết ấy vào một cuốn phim chỉ dài 90 phút. Có lẽ đó cũng là một phần lý do tại sao doanh thu trong nước của bộ phim hụt hẳn 10 triệu USD so với kinh phí 60 triệu USD. Tình hình thị trường quốc tế phần nào khả quan hơn với con số 112 triệu USD . Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng đang ngày đêm miệt mài lên kế hoạch làm hẳn một series cho thương hiệu phim này với hi vọng đáp ứng kỳ vọng của người hâm mộ loạt truyện này nói riêng và khán giả yêu thích điện ảnh nói chung.
14. Transformers: The Last Knight
Dân ngoại đạo thường thắc mắc tại lại sao đạo diễn Michael Bay lại bị cộng đồng fan ghét bỏ đến vậy. Nếu bạn muốn biết lý do thì chỉ cần xem Transformers: The Last Knight và nhiều bộ phim khác của vị đạo diễn này sẽ rõ. Phong cách màu mè cường điệu được lặp đi lặp lại bao nhiêu năm qua nay đã không còn duy trì được ánh hào quang năm xưa của Transformers nữa.
Tổng kinh phí 217 triệu USD nhưng doanh thu trong nước chỉ được 130 triệu USD. May mắn thay, các nhà làm phim vẫn được an ủi phần nào với con số 600 triệu USD từ các rạp phim ngoài Bắc Mỹ.
13. Kong: Skull Island
Kong: Skull Island là một trong những tác phẩm nhận được rất nhiều sự quan tâm của khán giả (đặc biệt là khán giả Việt Nam). Vốn là một trong những hình tượng quái vật nổi tiếng gắn liền với rất nhiều thế hệ khán giả kể từ phần đầu ra mắt vào năm 1933, phiên bản 2017 đặc biệt nổi trội hơn các phần trước về ngoại cảnh và các cảnh chiến đấu. Trong tương lai, khán giả vẫn sẽ còn cơ hội gặp lại Kong qua bộ phim Godzilla vs Kong.
Doanh thu trong nước của bộ phim hụt hẳn 20 triệu USD so với kinh phí 185 triệu USD bỏ ra. Đương nhiên, với lợi nhuận 566.5 triệu USD trên thị trường quốc tế thì các nhà sản xuất cứ thế mà tiếp tục đầu tư cho các dự án tiếp theo, nhưng rõ ràng khán giả trong nước đã không còn quá mặn mà với thể loại phim này nữa.
12. Justice League
Không cần nói nhiều, đây đích thị là một trong những ứng cử viên nặng ký nhất trên đường đua “bom xịt” của năm 2017. DC Comics đã (trót dại) đặt cược rất lớn vào đứa con tinh thần này với hi vọng nó sẽ tiếp bước thành công của Wonder Woman. Tiếc thay, doanh thu trong nước của bộ phim chỉ cán mốc 300 triệu USD với tổng kinh phí sản xuất là 219 triệu USD. Một trong những lý do lớn nhất dẫn đến sự thất bại này chính là quyết định rút lui khỏi chiếc ghế của đạo diễn của Zack Snyder khiến Joss Whedon phải quay lại rất nhiều phân cảnh. Lại một lần nữa, thị trường quốc tế đã cứu vớt các nhà sản xuất khỏi cảnh thua lỗ với lợi nhuận tương đối “khủng” là 626 triệu USD. Có lẽ ông lớn Warner Bros cần phải xem lại đội ngũ sản xuất phim và nghỉ ngơi một thời gian trước khi quay trở lại với dòng phim siêu anh hùng đang làm mưa làm gió trên thị trường hiện nay.
11. The Mummy
Có lẽ đã đến lúc người hâm mộ ngưng níu kéo quá khứ tươi đẹp về một thời vàng son khi Tom Cruise từng là cái tên bảo chứng phòng vé. Phiên bản reboot về xác ướp Ai Cập của Universal không những thất bại về doanh thu phòng vé mà còn phải hứng chịu nhiều đánh giá tiêu cực từ phía chuyên môn, đồng thời khiến người hâm mộ thêm hoài nghi về dự án “Dark Universal”. Với mục tiêu tái hiện dòng phim kinh dị cổ điển của những thập niên 30, 40 và 50, nhà sản xuất đã lên kế hoạch thực hiện một loạt các bộ phim, với sự tham gia diễn xuất của Johnny Depp trong vai Người Tàng Hình, Javier Bardems trong vai Frankenstein,…
Doanh thu tại Bắc Mỹ lỗ tới 45 triệu USD so với kinh phí ban đầu 125 triệu USD, nhưng bù lại, việc các rạp chiếu ngoài nước thu về được 409 triệu USD cũng khiến các nhà sản xuất phần nào yên tâm hơn.
10 cái tên tiếp theo trong danh sách “bom xịt” là gì? Hãy cùng SAOStar cập nhật trong kỳ sau nhé.