Phim Ảnh

Đạo diễn ‘Thương nhớ ở ai’ ấp ủ dự định táo bạo làm phim về Thuý Kiều lấy tên là 'Lầu xanh'

Theo Soha
Chia sẻ

Lên kế hoạch dựng lại "Truyện Kiều" lên màn ảnh, đạo diễn Lưu Trọng Ninh kiên quyết khẳng định:"Tôi không sợ hãi, tên phim có thể là Lầu xanh".

Thời gian gần đây, thông tin đạo diễn Thương nhớ ở ai Lưu Trọng Ninh sẽ làm phim về Truyện Kiều khiến khán giả vô cùng tò mò, mong ngóng. Bật mí về điều này, ông cho biết bản thân chưa bao giờ có ý định làm về Kiều, nhưng đó là ước nguyện của người cha quá cố từ hồi ông mới tốt nghiệp (những năm 90): “Ninh ơi, con làm Kiều đi. Kiều xứng đáng làm nhất”.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh thực hiện ước mơ chuyển thể Truyện Kiều của người cha quá cố.

Ông chia sẻ: “Cùng lý do quan trọng hơn là tôi thấy quốc gia mình có một tác phẩm lớn như thế, mà hơn 60 năm nay điện ảnh chưa hề động chạm đến. Vậy thì sự âm tính của điện ảnh là rất kém.

Đáng lẽ thời điểm này phải có hàng chục đạo diễn làm về Kiều, và tôi là người thứ 11 rồi mới phải. Vậy nên ngoài sự trao gửi của người cha, thì sự âm tính đó thôi thúc tôi làm Kiều. Tôi sẽ là người đặt viên gạch đầu tiên. Tôi có thể sẽ gục ngã. Nhưng phải có mình thì mới có người thứ 2 làm tốt hơn”.

Bật mí về những khó khăn khi chuyển thể Truyện Kiều, ông cho rằng lý do các đạo diễn khác “chùn chân” không phải bởi sợ hãi giá trị văn hóa quá cao, mà vì tác phẩm của Nguyễn Du không viết về một câu chuyện của Việt Nam.

Tác phẩm giàu giá trị trong kho tàng văn học Việt Nam.

“Ông Nguyễn Du dùng thơ để viết lại Đoạn Trường Tân Thanh, còn mình dùng điện ảnh để làm lại Truyện Kiều. Thì mình và Nguyễn Du gặp được nhau không? Làm thế nào để chuyển tải được cái hồn thơ mà nhiều người gọi là quốc hồn quốc tuý của Việt Nam?” - Đó là điều nhà làm phim thắc mắc. Ông cho rằng điều may mắn là Truyện Kiều có khoảng không gian rộng cho nhân vật, không bó hẹp ở nghề nghiệp, đời sống, giúp đoàn phim dễ dàng lồng ghép những yếu tố Việt, con người, cảnh vật Việt vào tác phẩm.

Về vấn đề chọn nữ chính cho bộ phim, đạo diễn Lưu Trọng Ninh thẳng thắn thừa nhận dù có chọn ai đi nữa cũng chẳng thể so sánh với “một tòa thiên nhiên” trong tuyệt bút của Nguyễn Du, bản thân ông cũng không có ý định làm vừa lòng tất cả mọi người. Thay vào đó, ông chọn cách đưa cho khán giả khoảng 5 tập đầu tiên, nếu phim hay và đáng xem, việc hình ảnh Thúy Kiều ra sao sẽ không còn bị đặt nặng như trước nữa.

Ông cho biết tiêu chí lựa chọn người vào vai Thúy Kiều: “Tiêu chí đầu tiên của tôi là: Kiều của ông Nguyễn Du với Kiều của chúng ta hôm nay chắc chắn phải khác nhau. Vì trình độ thẩm mỹ, thế giới thẩm mỹ của 2 thời đại đã rất xa nhau rồi. Nếu chúng ta cứ chọn theo thẩm mỹ của Nguyễn Du “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” thì chắc chắn không ổn. Kiều phải có một chút gì đó hiện đại, phong trần và tươi tắn hơn”.

Chia sẻ thêm xung quanh Thúy Kiều, ông nhận xét Kiều của Nguyễn Du là nhân vật thụ động, với nỗi “đau đớn thay phận đàn bà”, còn Kiều của mình sẽ là người thách thức và chiến thắng số phận. Ông bật mí thêm rằng kết thúc phim của ông sẽ không có cảnh đoàn viên như Nguyễn Du từng viết vì nghĩ rằng thật bẽ bàng khi Kiều gặp lại Kim Trọng và Thuý Vân với những người con của họ như vậy. Ông cũng không đồng tình việc Thúy Vân có con với Kim Trọng, đồng thời nhận xét Kim Trọng quá thụ động, không biết đấu tranh cho người mình yêu.

“Trong hệ thống phim của tôi cũng có 5-7 nhân vật mới xuất hiện. Số phận của những người đàn bà đó sẽ tải toàn bộ cái văn hoá, vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam chứ không riêng gì Kiều” - đạo diễn cho biết.

Đối với những phản biện của dư luận, nhất là những người vốn đã đóng đinh với hình ảnh Kiều trong thơ của Nguyễn Du, đạo diễn cho rằng họ chỉ thuộc một con số ít. Ông thẳng thắn trả lời: “Đối với họ, Kiều là linh thiêng, không được phép sai 1 chữ. Nhưng tôi cũng nói trước: “Thôi các bác ạ! Tôi làm phim này không phải để phục vụ các bác mà phục vụ giới trẻ, phục vụ mọi người”. Chứ còn để động vào các nhà Kiều học thì tôi nghĩ muôn đời mình sẽ bị lên án và cái sự ném đá là đương nhiên. Mà tôi nghĩ ném đá cũng có thể là một yếu tố thành công của bộ phim, chỉ sợ họ không thèm ném ấy chứ”.

Ngoài ra, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cùng đoàn phim đã trăn trở rất nhiều về việc có nên đặt tên phim là Truyện Kiều. Vì giai đoạn quan trọng nhất cuộc đời Kiều là ở lầu xanh, còn cái giai đoạn bán tơ với Mã Giám Sinh hay sống với Từ Hải cũng rất ngắn ngủi. “Tình yêu đẹp nhất, mối truân chuyên lớn nhất, tất cả đều ở đó. Vậy tại sao không thử đặt tên ví dụ như Lầu xanh?” - Ông bộc bạch. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng đó chỉ là ý kiến cá nhân, hiện cả đoàn vẫn chưa đưa ra quyết định cụ thể.

Đạo diễn và diễn viên casting cho bộ phim.

Giống như Thương nhớ ở ai, Truyện Kiều ắt hẳn gặp vấn đề nhạy cảm về trang phục, nhất là khi nữ chính có khoảng thời gian dài sống tại lầu xanh. Tuy nhiên đạo diễn Trọng Ninh bảo trì ý kiến điều đó không xấu nếu ta đưa vào đó những tình huống tốt, cảm xúc tốt và những logic tốt. Và nó chỉ trở nên vớ vẩn nếu cứ khoe ra mà không thuyết phục được mọi người.

“Chứ tôi làm về lầu xanh mà bảo các cô kín từ đầu đến cuối thì không ai chịu được. Nhưng cái lầu xanh của tôi không phải lầu xanh của nhà thổ, mà là lầu xanh của kĩ viện. Ở đó chỉ có những người đàn bà tài sắc mới tồn tại được. Những nam nhân đến đó cũng vì cảm phục tài sắc, vì tình yêu và sự mến mộ chứ không phải đến để giải toả sự ham muốn” - Ông cho biết.

Bật mí thêm một số chi tiết về Kiều ở lầu xanh, đạo diễn tự tin cho rằng đó sẽ là những phân đoạn rất hay và thú vị. Bản thân ông khẳng định sẽ không sợ hãi, né tránh những chi tiết nhạy cảm, những điều sẽ làm Kiều trở nên chân thực và sống động hơn.

Chia sẻ

Theo

Soha

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất