Phim Ảnh

Đại minh tinh Củng Lợi - Xứng danh bà hoàng Châu Á tại Cannes!

Chia sẻ

Các ngôi sao nữ, họ có thể dùng thảm đỏ Cannes như sàn diễn thời trang để làm màu, nhưng nếu muốn biến nó thành của mình – và vinh danh mình, hãy học tập Củng Lợi!

LHP Cannes lần thứ 69 tiếp tục chào đón Củng Lợi với cương vị là một ngôi sao hàng đầu, không chỉ đại diện cho Châu Á hay Trung Quốc Đại lục. Một tấm thảm chỉ dài vỏn vẹn 20 mét, nhưng đó là quãng đường dài của vinh quang, sự ngưỡng mộ và trân trọng mà cộng đồng điện ảnh quốc tế có thể dành cho một nữ diễn viên Châu Á. 

Đẳng cấp chân chính của điện ảnh Trung Quốc

Cũng dễ hiểu thôi, bởi Củng Lợi đã đến với điện ảnh từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỉ 20. Sự nghiệp điện ảnh của cô được bồi đắp qua từng năm tháng và đi cùng tên tuổi vị đạo diễn tài danh bậc nhất Trung Hoa Đại lục - Trương Nghệ Mưu. 

cung-loi-cannes-2016

Cô xuất hiện như một bà hoàng tại LHP Cannes vừa qua.

Năm 1987, Củng Lợi vào vai nữ chính trong Cao lương đỏ, bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mạc Ngôn, cũng là bộ phim đầu tay của Trương Nghệ Mưu trong vai trò đạo diễn. Hai lần đầu tiên đã gặp nhau đầy duyên nợ trên màn ảnh như thế. Sau này, dù sự nghiệp của Củng Lợi và Trương Nghệ Mưu đã đôi người đôi ngả, cũng như bản thân mỗi người đều tìm được những cái tên ăn ý khác, nhưng không thể phủ nhận được tầm ảnh hưởng của người này trong sự nghiệp của người kia.

Củng Lợi trong Cao lương đỏ (1987)

Củng Lợi trong Cao lương đỏ (1987)

Cúc Đậu (1990), Đèn lồng đỏ treo cao (1991), Thu Cúc đi kiện (1992), Bá vương biệt cơ (1993)… Củng Lợi đã mang hình ảnh những người phụ nữ Trung Hoa đến với bạn bè thế giới, cũng như những bộ phim cô tham gia đã mở ra một góc nhìn khác về xã hội Trung Quốc trong từng giai đoạn khác nhau của lịch sử. Đó là những giá trị biểu tượng, vượt ra ngoài khuôn khổ của một bộ phim, hay ngành công nghiệp điện ảnh, phản chiếu trong đó đặc trưng của cái nôi văn hoá mà từ đó nó ra đời. 

Thập niên 90 là giai đoạn mà Hollywood nói riêng và cả ngành giải trí Mỹ đi tìm một luồng gió mới trong các tác phẩm của mình. Rất nhiều ngôi sao võ thuật Trung Quốc thời kì này đã Mỹ tiến và thành công như Châu Nhuận Phát hay Dương Tử Quỳnh. Ngược dòng chảy, Củng Lợi vẫn chỉ xuất hiện trong các bộ phim nội địa. Nhưng sự giới hạn về ngôn ngữ và địa lý ấy không thể ngăn tên tuổi của cô vượt ra khỏi lãnh thổ Trung Hoa, trở thành cái tên châu Á được biết đến nhiều nhất tại Mỹ và các nước châu Âu. Cúc Đậu là bộ phim đầu tiên của Trung Quốc được đề cử Giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, và mặc dù bản thân Củng Lợi không nhận được giải thưởng nào, bộ phim đã đưa Củng Lợi thành một trong những tâm điểm chú ý của làng điện ảnh quốc tế.

cung-loi-chuong-tu-di

Củng Lợi và đàn em Chương Tử Di.

Phải đến năm 2005, Củng Lợi mới chính thức tham gia vào một dự án phim Hollywood. Đáng ngạc nhiên, đây lại không phải là một vai diễn người Trung Quốc dành cho Củng Lợi. Trong Memoirs of a Geisha, cô vào vai Hatsumomo - một geisha đã có danh phận nhưng vẫn đem lòng ganh ghét người geisha trẻ Sayuri do Chương Tử Di thủ vai. Bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Athur Golden này đã vấp phải nhiều chỉ trích, chủ yếu trong đó chỉ ra sự bất hợp lý khi mời những diễn viên Trung Quốc vào vai geisha Nhật Bản. Phải nói Củng Lợi đã có một màn ra mắt xuất sắc với giới phê bình điện ảnh Mỹ, khi vai diễn Hatsumomo của cô được nhận định rằng “đã cứu cả bộ phim”.

Bà hoàng Cannes của Châu Á

1993 là năm không thể nào quên trong sự nghiệp của đạo diễn Trần Khải Ca, Trương Quốc Vinh hay Củng Lợi. Họ đã đến Cannes, và Bá vương biệt cơ khi ấy được nhận xét là một bước tiến vạn dặm, mang đến một diện mạo mới cho nền điện ảnh Trung Quốc thậm chí còn mang về một giải Cành cọ vàng cho đội ngũ sản xuất. 

Cung-Loi-Truong-Quoc-Vinh

Củng Lợi và Trương Quốc Vinh bên bờ biển Cannes năm 1993.

Bản thân Củng Lợi, tuy không giành được giải thưởng cá nhân nào tại Cannes 46, nhưng cô đã trở thành một phần của lịch sử cùng Bá vương biệt cơ. Cho đến khi Bá vương biệt cơ còn được yêu thích và tán tụng bởi người hâm mộ điện ảnh, Củng Lợi vẫn sẽ là một cái tên được nhắc đến, được yêu thích và ngưỡng mộ bên cạnh những tên tuổi của Trương Quốc Vinh hay Trần Khải Ca.

Cùng việc đi vào lịch sử điện ảnh Trung Quốc, Củng Lợi đã trở thành cái tên được nhắc đến với sự kính trọng khi đặt bên cạnh những cái tên đình đám khác xuất hiện trên thảm đỏ Cannes 69 được tán tụng những ngày qua, dễ dàng thấy được sự phân định rạch ròi, giữa bên này là một nữ diễn viên, toả sáng bằng tài năng và được cả thế giới nhớ mặt gọi tên, còn phía bên kia, là số còn lại. Thời gian có thể lấy đi của Củng Lợi nét thanh xuân, hay hình tượng và cá tính của cô có thể khiến Củng Lợi gặp khó khăn trong việc tiếp cận những bộ phim giải trí hiện đại - những “vũ khí” mạnh nhất của giàn diễn viên trẻ các thế hệ sau này, nhưng đẳng cấp của cô là điều họ không thể đuổi kịp. 

cung-loi-truong-quoc-vinh-1996

Củng Lợi tiếp tục sánh bước bên Trương Quốc Vinh tại Cannes 1996, cách đây 20 năm về trước.

Danh tiếng của một nghệ sĩ là thứ có thể giành được bằng nhiều cách mà không cần lắm đến nỗ lực lao động nghệ thuật, nhưng tạo dựng đuợc một sự nghiệp và vị thế đủ sức khiến những đồng nghiệp khác phải trân trọng, thì cần đến rất nhiều nỗ lực, và cả sự hi sinh. Củng Lợi đã lựa chọn bước lên con đường khó hơn, và giờ là lúc cô gặt hái thành quả từ chuỗi ngày gian khó ấy. Nó khác xa với danh tiếng trong phút chốc được thêu dệt bằng những phù phiếm bề ngoài được tiếp tay bởi truyền thông giải trí. Đó cũng là nguyên nhân then chốt dẫn đến việc Củng Lợi được sánh vai cùng Julian Moore, còn các sao Hoa Ngữ khác thì đành chịu kiếp váy áo xúng xính nhưng chỉ được phép xuất hiện trong vài chục phút ngắn ngủi trước khi vô tình trở thành trò hề khi cố tình câu giờ trên thảm đỏ.

Thế mới biết, trong thời kì mà khán giả đại chúng chuộng những bộ phim đẹp mắt và hài hước hơn những tác phẩm điện ảnh yêu cầu chiều sâu cảm nhận, và truyền thông đã trở thành kênh chính để một nghệ sĩ gây dựng tên tuổi, vẫn có những giá trị bất biến. Truyền thông đại chúng có thể dễ dàng tạo ra một ngôi sao, nhưng nó bất lực trong việc nhào nặn nên một ngôi sao điện ảnh.

Đó chính là khoảng cách giữa đại minh tinh Củng Lợi và những “siêu sao thảm đỏ”. Các ngôi sao nữ, họ có thể dùng thảm đỏ Cannes như sàn diễn thời trang để làm màu, nhưng nếu muốn biến nó thành của mình - và vinh danh mình, hãy học tập Củng Lợi! 

>>>Xem thêm:

Trở thành huyền thoại màn ảnh nhờ đi thảm đỏ, chỉ có Phạm Băng Băng!

Giữa lòng Cannes, Kristen Stewart như ‘phượng hoàng lửa’ vừa hồi sinh

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất