Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Đại điển phong Hậu của Ô Lạt Na Lạp Như Ý: phong quang vô hạn, nhưng đau khổ thì vô cùng…

Có lẽ đại điển sách lập Ô Lạt Na Lạp Như Ý làm Hoàng hậu là một trong những đại cảnh đáng chú ý nhất của "Như Ý truyện"

Cuối cùng, trải qua bao thăng trầm thì Ô Lạt Na Lạp Như Ý đã chính thức ngồi lên phượng vị của Đại Thanh, trở thành chân chính trung cung Hoàng hậu của Càn Long đế. Kể từ nay, trung tâm của hậu cung đã không còn là Trường Xuân cung nữa, mà bảo tọa Hoàng hậu đã chính thức thuộc về Dực Khôn cung. Có thể nói, ít có khung cảnh nào có tính dồn nén cao độ, làm cho khán giả bùng nổ trong cảm xúc đến như vậy.

Phong quang vô hạn, thiên hạ ngưỡng mộ…

Trước hết, ta cần phải nhìn nhận, đây là một dấu mốc lịch sử của dòng phim cung đấu Thanh triều khi lần đầu tiên, đại điển sách lập Hoàng hậu được tái hiện lại với gần như đầy đủ các nghi thức, lỗ bộ, nghi trượng và phục trang, tất cả đều đã được đẩy lên đến mức độ hoành tráng cao nhất có thể. Được biết, để phục vụ cho đại cảnh hoành tráng này, đoàn làm phim Như Ý truyện đã cho huy động đến gần 1,000 diễn viên quần chúng đồng thời tái hiện khung cảnh dẫn từ Dực Khôn cung ra Thái Hòa điện cực kì xa hoa, tráng lệ, thể hiện đúng không khí phồn hoa thời đại thịnh thế nhà Thanh.

Toàn bộ lễ phục mà Như Ý sử dụng trong ngày đại điển phong Hậu được phục dựng gần như chính xác hoàn toàn Hoàng hậu Triều phục trong ghi chép lịch sử. Đây là loại trang phục trang trọng và cao quý nhất của một Hoàng hậu Đại Thanh, chỉ sử dụng trong các dịp lễ trọng đại nhất trong Tử Cấm Thành. Một bộ triều phục của Hoàng hậu được cấu tạo từ mười bộ phận, mỗi bộ phận đều được chế tác cẩn mật, tuân thu điển chế nghiêm ngặt đến từng hoa văn nhỏ, từng loại phục sức, để đảm bảo không có sự sai sót nào.

Triều phục là loại lễ phục cao quý nhất được ban cho hậu phi trong Tử Cấm Thành, chỉ được áp dụng cho các bậc Hoàng Thái hậu, Hoàng hậu, Hoàng Quý phi, Quý phi, Phi và Tần. Các bậc thấp hơn, từ Quý nhân, Thường tại, Đáp ứng khi có đại lễ không có quy chế sử dụng triều phục, chỉ có thể dùng cát phục. Loại mũ dùng dành riêng cho Triều phục được gọi là Triều quan. Tùy theo thứ bậc trong nội cung mà số tầng kim phượng, số kim phượng quanh thân nón cũng như số lượng trân châu đính trên sẽ khác nhau, vô cùng phức tạp và chi li, thể hiện sự phân cấp rõ ràng giữa các bậc.

Đỉnh triều quan của Hoàng hậu có 3 tầng, mỗi tầng cách 1 viên Đông châu và 1 con Kim phượng, trên thân Kim phượng gắn 3 viên Đông châu, 17 viên Trân châu, trên cùng của đỉnh Triều quan gắn một 1 viên Đông châu cỡ lớn. Trên Chu vĩ (lớp lông mềm màu đỏ đính xung quanh) có đính 7 con Kim phượng, trên thân Kim phượng gắn 9 viên Đông châu, 1 viên đá mắt mèo, 21 viên Trân châu. Bên cạnh 7 con Kim phượng là 1 con Kim địch nằm ở sau cùng, trên thân Kim địch gắn 1 viên đá mắt mèo, 16 viên Trân châu nhỏ. Chim Địch rũ châu, có 302 viên, kết thành 5 hàng dãy rũ. Dây rũ dùng màu minh hoàng (vàng sáng, màu sắc chỉ được dùng cho Hoàng đế, Hoàng Thái hậu, Hoàng hậu và Hoàng Quý phi).

Hoa tai sử dụng Nhất nhĩ tam kiềm theo đúng phong tục của Mãn Thanh (tức 3 hoa tai ở mỗi bên tai). Ngoài ra chiếc kiềng lớn đeo trên Triều phục được gọi là Lãnh ước, Lãnh ước của Hoàng hậu gồm có 11 Đông châu, ở giữa lấy San hô, dây rũ ở 2 đầu dùng màu Minh hoàng, ở giữa các dây sức San hô, ở đuôi các dây sức đá Ngọc lam. Các bậc thấp hơn theo lệ ấy mà giảm xuống, chất liệu đá quý khảm trên cũng khác nhau.

Tay áo của triều phục sử dụng dạng thức Mã đề tụ (tay áo hình móng ngựa), là dạng thức trang phục truyền thống của người Mãn Châu trước khi nhập quan.

Theo đoàn làm phim tiết lộ thì bộ hộ giáp điểm thúy xanh ngọc gồm 4 chiếc này chính là đồ cổ thật được một lão sư nghiên cứu Thanh triều cho đoàn làm phim mượn để thực hiện đại cảnh này. Điểm thúy được tạo từ lông chím bói cá màu xanh biếc, là một loại trang sức cực kì quý giá với giá trị còn hơn cả vàng vì công sức bỏ ra để tạo ra được điểm thúy không hề dễ dàng.

Toàn bộ các bộ phận trên triều phục đều được thêu hoa văn rồng 5 móng, một trong các loại trang sức nổi bật trên triều phục được gọi là triều châu, là một bộ dây ngọc khoác bên ngoài, thành phần gồm 3 bộ, trong đó có 1 chuỗi dây bằng đá và 2 chuỗi san hô (màu đỏ), dây cột có màu. Hoàng hậu và Phi tần dựa theo chất liệu của Triều châu cùng màu của dây cột mà phân định. Hoàng hậu gồm 1 dây Đông châu (màu trắng) đeo ở giữa, 2 dây San hô đeo chéo hai bên, dây thắt màu Minh hoàng.

Được biết, bộ triều phục Hoàng hậu của Như Ý được chế tác riêng cho Châu Tấn bởi một ê kíp riêng biệt, vì thế nên độ cầu kì, tinh xảo được đẩy đến mức tối đa, như chúng ta có thể thấy hoa văn rồng trên Triều bào màu mình hoàng được thêu tay, tỉ mỉ đến từng chi tiết một.

Toàn cảnh bộ triều phục mà Như Ý sử dụng trong ngày đại điển phong Hậu.

Nhưng bi ai thì đến tột cùng, mấy ai muốn…?

Nếu như trong rất nhiều tác phẩm khác, nữ nhân đến thời điểm được sách lập Hoàng hậu đại đa số đều là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự “chiến thắng” của nữ nhân đó trong cuộc chiến cung đình, từ đây, nữ nhân ấy đã “khổ cận tam lai”, quyền lực đã nắm vững trong tay. Thế nhưng, rất đông người hâm mộ Như Ý truyện lại rơi vào một trạng thái vô cùng mâu thuẫn khi đến khung cảnh này: xem tiếp hay không? Bởi vì họ biết, ngay trong ngày phong quang tột cùng này, chính là đánh dấu cho những tháng ngày cùng cực khổ đau về sau…

Sách phong nàng nhận, phượng ấn nàng nhận có sức nặng khủng khiếp. Người ta nói đúng, ở vị trí cao nhất chính là vị trí cô đơn nhất. Từ đây, nàng không còn là một sủng phi của Hoàng đế đương triều nữa, nàng đã trở thành Hoàng hậu trung cung của Đại Thanh, mọi trách nhiệm từ nay mới chính thức đè nặng trên nàng.

Con đường mà Như Ý đi từ Dực Khôn cung đến Thái Hòa điện tuy trải thảm lộng lẫy, nhưng lại là một con đường hoàn toàn cô đơn và trống trải, không có bất kì ai đồng hành. Đây là một dụng ý khá rõ ràng của nhà sản xuất, thể hiện sự vinh quang vô hạn nhưng cũng trống trải tột cùng trên con đường đến ngôi vị Hoàng hậu của Như Ý.

Nhìn cảnh Đế - Hậu tình thâm trong ngày đại điển phong Hậu, ta chỉ có thể ước thầm Như Ý và Hoằng Lịch có thể là một cặp đôi phu quân bình thường ngoài nhân gian, cứ mong thời gian mãi ngưng đọng trong. Cái ngôi vị Hoàng hậu mà Hoàng đế ban cho nàng, cứ ngỡ như là cách bảo vệ tốt nhất, là vũ khí tối thượng mà Hoàng đế ban cho nàng, để từ nay nàng có thể sống một đời bình yên đến già, cùng Hoàng đế sinh con đẻ cái, sống với nhau đến bạc đầu giai lão như lời hứa năm nào ở Diên Hi cung.

Những lời hứa hẹn trong ngày đại điển lập Hậu liệu mãi sau này Hoàng đế có còn nhớ? Ba chữ Nàng yên tâm mà Hoàng đế luôn miệng thốt ra từ ngày nàng còn là Bảo Thân vương Trắc Phúc tấn đến khi nàng được sách phong Nhàn Phi, Nhàn Quý phi, Hoàng Quý phi Nhiếp Lục cung sự và giờ đây là Hoàng hậu - chính là liều thuốc độc mà nàng đã vô tư nhận lấy ngay từ ngày đầu. Lẽ ra nàng nên biết, tìm cách nắm bắt được trái tim chân thành của đế vương là việc còn khó hơn bắc thang lên trời.

Như Ý à, cả dòng tộc Ô Lạt Na Lạp thị của nàng liệu có phải mắc một lời nguyền truyền kiếp? Vì sao dòng tộc nàng có thể sản sinh ra những nữ nhân ngồi lên ngôi vị mẫu nghi thiên hạ, nhưng chả ai có được kết cục tốt đẹp viên mãn mãi về sau? Cô mẫu của nàng ngày trước, cũng phong quang vô hạn đến như thế, nhưng kết cục ở Cảnh Nhân cung vẫn không thể tránh khỏi…

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Minh Khôi

Được quan tâm

Tin mới nhất