Kiyoshi Kurosawa được biết đến nhiều nhất với Kairo (2001), một trong những bộ phim sớm nhất trên thế giới khai thác “nỗi sợ Internet”, dự cảm về nỗi cô đơn chết chóc của con người ngay buổi bình minh của loại hình công nghệ hứa hẹn mang lại sự kết nối. Kairo, cùng với Ringu, Ju-on, Dark Water và One Missed Call đã tạo ra làn sóng J-horror (Japanese Horror = phim kinh dị Nhật Bản) càn quét khắp thế giới ở thời điểm chuyển giao nhiều biến động giữa thế kỷ XX và thế kỷ XXI. Song nếu nói đến tác phẩm xuất sắc nhất của Kurosawa, đó có lẽ không phải là Kairo, mà là Cure (1997) - Bộ phim giúp ông lần đầu tiên được tỏa sáng trên màn ảnh rộng, sau nhiều năm chỉ được làm phim phát hành dưới dạng đĩa.
Bằng sự nhạy cảm khác thường, Kiyoshi Kurosawa nhẹ nhàng lách lưỡi dao của mình qua bề mặt xã hội Nhật Bản, từ từ cắt mở những lớp vấn đề mà nó cố gắng che giấu, trào ra không kiềm chế những cơn giận dữ mà con người dồn nén để duy trì một vỏ bọc bình thường đối với thế giới bên ngoài. Sự ám ảnh của Cure nằm ở chỗ, loài ma quỷ của nó không chỉ lẩn quất bên trong biên giới nước Nhật. Mà có thể tìm thấy ở mọi nơi, trong mọi người.
Căn phòng bí mật
Cure bắt đầu bằng cảnh một người phụ nữ đọc thành lời một câu chuyện cổ, có lẽ nhằm mục đích điều trị tâm lý. Cô chỉ đọc phần đầu và nói với bác sĩ rằng mình không cần đọc hết cũng biết trước cái kết. Câu chuyện bị bỏ trống phần giữa, nhưng đối với những người đã đọc qua nó, chắc chắn sẽ biết chi tiết quan trọng nhất là một căn phòng bí mật. Căn phòng cất giữ những điều mà chủ nhân của nó không muốn cho bất cứ ai nhìn thấy. Hẳn bạn cũng đoán được, trong đó chẳng có gì tốt đẹp.
Nếu cho rằng ngôi nhà là hình ảnh tượng trưng cho tâm trí của con người, thì “căn phòng bí mật” là nơi chứa đựng những cảm xúc bị dồn nén, bị từ chối bởi ý thức và đẩy vào vô thức, không được thừa nhận và cố tình lãng quên. Nhưng dù bị vùi lấp thế nào, nó vẫn luôn ở đó, luôn tồn tại, và luôn sẵn sàng được mở ra.
Cure có rất nhiều “căn phòng” như thế, bung mở trong một chuỗi các vụ án mạng có cùng đặc điểm: nạn nhân được tìm thấy trong tình trạng bị rạch một chữ “X” lên người - dấu hiệu cho thấy có sự tồn tại của một tên sát nhân hàng loạt. Song vấn đề là, mỗi vụ án lại có một hung thủ khác nhau, được tìm thấy ngay gần hiện trường, hoảng loạn nhưng ý thức rất rõ về việc làm của mình. Họ đều là những người bình thường, không có bất cứ liên hệ nào với nhau, cũng không từng tiếp xúc với thông tin về các vụ án tiền lệ. Bí ẩn hơn, họ không thể cung cấp một động cơ đủ mạnh để giải thích tội ác của mình. “Lúc ấy, dường như đó là một điều tự nhiên” - một người khai nhận.
Tất cả những mảnh ghép rời rạc của vụ án khiến cảnh sát điều tra Takabe rối bời và kiệt quệ. Mặc dù người cộng sự của anh - bác sĩ tâm lý Sakuma - cho là “điều đó chỉ đột ngột xảy ra thôi” và “mọi người ưa nghĩ rằng luôn có lý do gì đó đằng sau mỗi tội ác, nhưng đa số là chẳng có lý do gì cả”; Takabe không chấp nhận. Anh quyết tâm làm điều mà một cảnh sát điều tra vẫn luôn làm (và luôn tin): mỗi tội ác dã man phải có một động cơ hợp lý để thúc đẩy nó xảy ra, anh cần “tìm ra những từ ngữ có thể giải thích được chúng” (một cách nói khác của việc muốn “lý trí hóa” hành vi tội phạm).
Tuy nhiên, cả Takabe và Sakuma đều không biết, những gì họ biết chưa là gì so với những gì họ không biết. Và khi cố biết cái không biết, họ đã dấn thân vào một hành trình cám dỗ và nguy hiểm hơn tất cả những gì họ có thể lường trước.
Đây là đâu và tôi là ai?
Cure là một tác phẩm kết hợp hai thể loại quen thuộc với khán giả (phim điều tra/tâm lý tội phạm và phim kinh dị-tâm linh), pha trộn cẩn thận với những yếu tố đậm tính nghệ thuật, thậm chí thử nghiệm. Khán giả, cùng với cảnh sát Takabe, bắt đầu hành trình khám phá vụ án với một cảm giác vững chắc về lý trí và thực tế, rồi khi vượt qua một ngưỡng nào đó, mọi thứ bắt đầu bị phân mảnh, bỏ lửng và nhập nhằng thực-ảo. Chúng ta phải đối mặt với sự bất định của tất cả mọi thứ: nhân vật, bối cảnh, sự việc, âm thanh…
Xuyên suốt câu chuyện, những câu hỏi dạng “Anh là ai?” thường xuyên vang lên, nhưng không ai có được một câu trả lời chắc chắn. Những câu trả lời chỉ loanh quanh tên tuổi, nghề nghiệp và gia đình; đều được gợi ý rằng đó không phải đáp án đúng. Đó chỉ là những “mặt nạ” mà con người tạo ra để đáp ứng kỳ vọng của xã hội. Càng có nhu cầu được xã hội chấp nhận, con người càng tìm cách đồng nhất “mặt nạ” với bản chất của mình. Họ đè nén những cảm xúc bị cho là tiêu cực, chối bỏ và coi như nó chưa từng tồn tại.
Thế nhưng, không có cái gì đã sinh ra lại tự mất đi, những thứ bị chối bỏ bởi ý thức tìm nơi trú ngụ trong vô thức. Nếu như ý thức được hình ảnh hóa qua bối cảnh thành phố thì vô thức là những chốn ngoại ô hoang vu và các hầm ngầm tăm tối, đặc biệt không bao giờ thiếu sự xuất hiện của nước. Đó là những nơi bị bỏ rơi khỏi văn minh và công nghệ, nhưng nó vẫn ở đó. Chờ đợi những kẻ muốn biết mình thật ra là ai.
Nỗi kinh hoàng của việc làm người
Làm người vốn khổ, nhưng làm người trong Cure không chỉ khổ. Mà còn là nỗi kinh hoàng.
Dàn cảnh của Kiyoshi Kurosawa thường sử dụng những đường thẳng để khép nhân vật của mình vào một sự tồn tại tù đày và bị kiểm soát bởi môi trường bên ngoài. Những cảnh quay ấn tượng nhất thể hiện con người trong những không gian dài và hẹp (cầu đi bộ, con hẻm, hành lang); hoặc trong những không gian rộng nhưng bị giới hạn bởi các phía (căn buồng, căn phòng), nhỏ mọn và vô lực giữa rất nhiều khoảng trống như dành chỗ cho một quyền lực cao hơn - những thế lực không thể nhìn bằng mắt thường.
Những đường thẳng không chỉ bao bọc bên ngoài nhân vật, mà còn xuất phát từ bên trong nhân vật. Khán giả được nhìn thấy chữ viết tay của một nhân vật, vuông thành sắc cạnh một cách bất thường, thể hiện sức mạnh xâm nhập và kiểm soát của các khuôn mẫu và áp lực xã hội. Nhưng phá bỏ nó cũng chẳng khiến tình cảnh làm người có gì khá khẩm hơn.
Các nhân vật trong Cure luôn trong trạng thái bị điều khiển, bị bủa vây, không chỉ bằng hình ảnh mà còn bằng âm thanh. Kurosawa thường sử dụng những tiếng rì rì, đôi khi được hé lộ nguồn gốc để biết rằng đó là âm thanh trong hình; đôi khi lại không, bất định như chính tính chất của câu chuyện. Sự tinh tế của âm thanh khiến nó trở nên ám ảnh, bởi nó không muốn thu hút sự chú ý từ ý thức. Nó muốn tạo ra cảm giác sợ hãi trong vô thức.
Cure gần như không có yếu tố gây sốc, trừ một đoạn hơi “máu me”. Các vụ án được dẫn dắt từ từ, mỗi lần cho khán giả nhìn gần hơn vào quá trình gây án. Từ những hình người nửa tối nửa sáng, cho đến khi rõ cả thân người để xác định nhân dạng, rồi cận mặt để bộc lộ nội tâm. Thế nhưng, điều đáng sợ nằm ở chỗ, nhìn gần cũng chẳng khác gì nhìn xa. Vẫn là những hình người thực hiện một hành động nào đó, không có cảm xúc, không có ý nghĩa, không có gì ngoài một sự trống rỗng. Hay bản chất của tồn tại người vốn là trống rỗng?
Cure không phải bộ phim bạn nên xem khi cần một chút “giật gân” cho đầu óc giải tỏa. Cũng không phải bộ phim bạn nên xem khi cần rèn luyện khả năng suy luận logic. Cure là bộ phim cần được thưởng thức với một tinh thần đã được chuẩn bị kỹ càng, bởi sau hai tiếng đồng hồ, bạn có thể sợ hãi với chính câu hỏi “Bạn là ai?”.