Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Cung huấn đồ' và 12 thông điệp Hoàng đế Càn Long gửi gắm đến hậu cung của mình

Thông qua chi tiết đầy thú vị về 12 bức cung đồ, rất nhiều tâm cơ đã được lộ diện! Hóa ra Càn Long trong cả "Diên Hi công lược" lẫn "Hậu cung Như Ý truyện" đã có nhiều ẩn ý.

Xem Hậu cung Như Ý truyện, hẳn khán giả vẫn còn nhớ đến chi tiết Càn Long đế tự tay đề tặng cho Diên Hi cung của Nhàn Phi Ô Lạt Na Lạp Như Ý bức đại tự: Thận tán huy âm, đặc biệt nhấn mạnh mối lương duyên giữa chàng thiếu niên Hoằng Lịch và Thanh Anh thuở nào đều xuất phát từ một chữ Âm. Việc Hoàng đế đặc biệt ngự bút, ban cho Diên Hi cung bức hoành trên khiến cho nô tì A Nhược vô cùng tự đắc, đến Nội Vụ phủ nói oang oang, lọt vào tai của cung nữ Hàm Phúc cung, tâm phúc của Tuệ Quý phi Cao Hi Nguyệt.

Thế là một trận “phong ba” nho nhỏ nổi lên khi Cao Hi Nguyệt “mè nheo”, nằng nặc đòi Hoàng đế cũng phải ban cho Hàm Phúc cung của nàng ta và cả Trường Xuân cung của Hoàng hậu. Hoàng đế đành chiều lòng, không những thế, Càn Long còn tiện tay viết luôn ban cho khắp Đông - Tây lục cung để tránh các tần phi khác dị nghị. Chi tiết này cũng từng được đề cập đến trong bộ phim nhà hàng xóm Diên Hi công lược.

Càn Long là một người vô cùng tâm cơ, mọi hành động đều được tính toán kĩ càng.

Vào những năm đầu thời Càn Long, Hoàng đế đã cho lệnh họa sư vẽ lại 12 điển tích của các bậc hậu phi mỹ đức trong thời cổ đại của tiên triều, kèm theo đó là 12 bức đại tự, mỗi bức có 4 mỹ tự do đích thân mình viết. Với mục đích giáo huấn hậu phi khắp Đông - Tây lục cung không những phải giữ những đức tốt của nữ nhân (theo quan niệm Nho - Khổng bấy giờ) mà còn phải noi gương các bậc hậu phi tài đức, hiền huệ trong lịch sử của các triều trước.

Dưỡng Tâm điện, tẩm điện của Hoàng đế Thanh triều.

Dựa theo tranh vẽ và chữ viết, ta có thể phần nào đoán được tâm ý mà Càn Long dành cho chủ vị của cung ấy là gì. Bởi vì Hoàng đế Càn Long trong Hậu cung Như Ý truyện không phải là một con người đơn giản, “viết cho vui” chỉ để cho hậu cung tạm thời im lặng như người đồng nghiệp bên kia chiến tuyến Diên Hi công lược.

Cảnh Nhân cung được ban bức Yến Cật Mộng Lan đồ cùng ngự bút biển: Tán Đức Cung Vi (nguyện cảnh). Đây là tẩm cung của Ô Lạt Na Lạp Nghi Tu lúc sinh thời, khi Càn Long đăng cơ, nơi đây trở thành một nơi xúi quẩy và bị xa lánh, xem là nơi không lành. Tuy nhiên Càn Long vẫn ban tranh và ngự bút cho nơi đây.

Thừa Càn cung được ban Từ Phi trực gián đồ thể hiện Từ Huệ Phi thời Đường Thái Tông can gián Hoàng đế, phân tích việc chinh phạt thường niên tiêu tốn quốc khố, nên cắt giảm việc thổ mộc, xây dựng cung điện. Đồng thời ngự bút biển: Đức Thành Nhu Thuận, ngợi ca tính trung trực của bậc hậu phi. Thừa Càn cung những năm đầu vẫn chưa có phi tần nào vào ở.

Thừa Càn cung.

Chung Túy cung của Thuần Tần được ban bức Hứa Hậu phụng án đồ, vẽ Hoàng hậu của Hán Tuyên Đế, tính tình vị tha, hiền hậu nức tiếng gần xa. Ngự bút lại đề biển: Thục Thận Ôn Hòa, hoàn toàn thích hợp với tính cách của Tô Lục Quân. Tô Lục Quân là một phi tần hiền lành, ôn hòa, ban đầu có mối giao hảo rất tốt với Như Ý, tuy nhiên sau này vì con cái mà phát sinh tạp niệm làm sứt mẻ.

Diên Hi cung của Nhàn Phi Ô Lạt Na Lạp Như Ý và Hải Thường tại Kha Lý Diệp Đặc Hải Lan được ban bức tranh Tào Hậu trọng nông đồ, thể hiện Hoàng hậu của Tống Nhân Tông là Tào thị, làm gương hậu cung, cần lao, khuyến nông, là bậc hiền Hậu trứ danh trong lịch sử cổ đại Trung Hoa. Lại ngự bút đề biển: Thận Tán Huy Âm, được chính Càn Long lí giải mối lương duyên giữa chàng thiếu niên Hoằng Lịch và Thanh Anh bắt nguồn từ một chữ Âm.

Diên Hi cung.

Vĩnh Hòa cung của Mai Đáp ứng được Hoàng đế tặng bức Phàn Cơ gián liệp đồ, thể hiện tích Đích Phu nhân của Sở Trang Vương là Phàn Cơ, trước cảnh u mê trầm luân của phu quân mà hết lời can gián, trở thành tấm gương về can gián quân vương sau này. Ngự bút biển: Nghi Chiêu Thục Thận với ý mong Mai Đáp ứng luôn giữ lễ nghi, cẩn trọng trong mọi lời nói và hành động. Đây rõ ràng là lời nhắc nhở ý nhị dành cho một người có tính cách mạnh mẽ như Bạch Nhị Cơ. Ngoài ra, Hoàng đế có lẽ còn muốn nàng noi gương Phàn Cơ khi xưa can gián Hoàng đế chăng? Tuy nhiên, với địa vị của Mai Đáp ứng cũng như kết cục về sau của nàng, có lẽ câu trả lời là không.

Vĩnh Hòa cung.

Cảnh Dương cung với bức Mã Hậu luyện đồ vẽ Mã Hoàng hậu của Minh Thành Tổ khuyến khích lục cung sinh hoạt giản đơn, trang phục không xa hoa cầu kì, gương tiết kiệm của Mã Hậu vang danh đến nhiều đời sau. Bên cạnh đó, còn ban ngự bút biển: Nhu Gia Túc Tĩnh khuyến khích Nghi Quý nhân Hoàng Kỳ Doanh chủ trương tiết kiệm, không tiêu xài hoang phí. Tuy nhiên, có lẽ do “hưởng dương” trong phim quá ngắn nên ta chả thấy Hoàng thị phung phí chỗ nào để nhắc nhở hay tiết kiệm chỗ nào để khuyến khích. Lẽ ra bức hoạ này nên được trưng ở Trường Xuân cung, tẩm cung của Hoàng hậu là thích hợp nhất.

Vĩnh Thọ cung dùng bức Ban Cơ từ liễn đồ, vẽ tích Hán Thành Đế sủng ái nàng Ban Cơ, muốn cho nàng cùng ngồi xe với mình nhưng Ban Cơ cự tuyệt vì điều đó không phù hợp với lễ nghi, quy tắc quân thầncùng ngự bút biển: Lệnh Nghi Thục Đức. Ắt hẳn sau này, khi Hoàng đế cho Ngụy Yến Uyển nhập Vĩnh Thọ cung đã mong muốn nàng luôn xem trọng lễ nghĩa, đối đãi đúng mực với hậu cung - và mong ước cũng như gửi gắm của Hoàng đế đã hoàn toàn phản tác dụng khi Ngụy Yến Uyển chính là nhân vật phản diện kinh khủng, tàn ác và nhẫn tâm nhất của bộ phim.

Vĩnh Thọ cung.

Dực Khôn cung tẩm cung sau này của Như Ý từ lúc rời lãnh cung cho đến khi thành Hoàng hậu được ban bức Chiêu dung bình thư đồ, vẽ Thượng Quan Uyển Nhi, một tài nữ nức tiếng thời Đường, cùng ngự bút biển: Ý Cung Uyển Thuận, ngợi ca sự cung kính, nhu uyển, thuận hòa của hậu phi. Bức Chiêu dung bình thư đồ có vẻ như không thể nào thích hợp hơn với một nữ nhân nho nhã, ưa tĩnh lặng và đọc sách thánh hiền như Như Ý.

Dực Khôn cung.

Trữ Tú cung của Thư Phi Diệp Hách Na Lạp Ý Hoan sau này được ban bức tranh Tây Lăng giáo tàm đồ cùng ngự bút biển: Mậu Tu Nội Trị. Bức tranh tả cảnh Nguyên Phi của Hiên Viên Hoàng đế là Tây Lăng đã phát minh ra cách trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, được người đời xưng tụng là thủy tổ nghề nuôi tằm dệt vải. Ước muốn hậu phi thông minh, chu đáo và có đầu óc cách tân được Càn Long gửi gắm thông qua bức hoạ này. Tuy nhiên, có vẻ cả hai đều không phù hợp với tính cách của chủ vị ở đây cho lắm vì Ý Hoan là một nữ tử tâm khí cao ngạo, dung nhan diễm lệ, một lòng một dạ với Hoàng đế.

Trữ Tú cung.

Khải Tường cung của Gia Quý nhân Kim Ngọc Nghiên ban bức Khương Hậu thoát trâm đồ cùng ngự bút biển Cần Tương Nội Chính, khuyến khích hậu phi ngày đêm tương trợ, giúp đỡ cho phu quân, lấy điển tích từ Khương Hậu của Chu Tuyên Vương.

Khải Tường cung.

Trường Xuân cung được ban Thái Tự hối tử đồ cùng ngự bút biển: Kính hưu nội tắc, đề cao việc chăm sóc, dưỡng dục con cái của hậu phi, mong hoàng thất mau khai chi tán diệp. Thái Tự là chính phi của Chu Văn Vương, sinh được đến mười người con trai và ai cũng giỏi giang, tài năng. Ý đồ của Càn Long khi gửi tranh và chữ đến cho Hoàng hậu Phú Sát Lang Hoa đã quá rõ ràng: mong nàng mau chóng hạ sinh con trai để hoàng thất thêm điềm lành, đồng thời đối xử với tất cả các con của các phi tần khác như con ruột của mình vậy. Tuy nhiên, đây cũng chính là ám ảnh cả một đời của Hoàng hậu, gây ra những mâu thuẫn và thương cảm không ít.

Trường Xuân cung.

Hàm Phúc cung của Tuệ Quý phi Cao Hi Nguyệt được ban bức Tiệp dư đương hùng đồ, ngự bút biển: Nội chức khâm phục. Có lẽ đây vừa là một lời khen, cũng vừa là sự mỉa mai mà Hoàng đế dành cho Tuệ Quý phi. Tuy nhiên, với đầu óc ngây thơ của Cao thị, nàng khó có thể hiểu được thâm ý đằng sau. Tích tranh vẽ nàng Phùng Tiệp dư của Hán Nguyên Đế trong một lần nhà vua ngự xem trận đấu đã có một con gấu nhảy vọt lên khán đài, ngay chỗ Đế ngồi, trong khi các phi tần khác chạy tán loạn, chỉ có nàng Phùng Tiệp dư là dũng cảm đứng che chắn cho Đế.

Hàm Phúc cung.

Quả thật, tâm ý của Hoàng đế thâm sâu, các phi tần chưa chắc đã có thể hiểu được hết…

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Minh Khôi

Được quan tâm

Tin mới nhất