Mới đây, phim điện ảnh 30 chưa phải Tết của Trường Giang và Mạc Văn Khoa vừa công bố doanh thu 11 tỷ đồng sau ngày đầu tiên trình chiếu - 25/01/2020 (nhằm mồng Một Tết Canh Tý). Đây là con số hơn hẳn với kỷ lục 2 mùa phim Tết trước, Siêu sao siêu ngố của chính Trường Giang (2018) và Cua lại vợ bầu của Trấn Thành (2019) khi cùng đạt mốc 10 tỷ đồng cho ngày đầu năm.
Mặc dù dẫn đầu doanh thu phòng vé trong ngày mồng Một Tết Nguyên đán nhưng dễ dàng nhận thấy, bộ phim của đạo diễn Quang Huy vấp phải nhiều chê bai thậm tệ trên hệ thống fanpage các rạp chiếu phim CGV, Lotte Cinema…
Mọi người nhận định bộ phim ít tiếng cười, kém duyên, khó hiểu, kịch bản phi logic, chèn quá nhiều quảng cáo và có một cái kết 'trời ơi đất hỡi'.
Là một trường hợp kỳ lạ khi tác phẩm điện ảnh đứng đầu phòng vé lại bị phản ứng nặng nề về chất lượng phim, vậy hãy cùng SAOstar phân tích những điểm hay - dở của phim 30 chưa phải Tết nhé.
Tình cảm gia đình, giá trị nhân văn thấm đẫm cùng diễn xuất đỉnh cao của NSND Việt Anh, NSND Hồng Vân và Trường Giang
30 chưa phải Tết có một định hướng rõ ràng: Làm phim cho mùa Tết. Ngay từ cái tựa đã thể hiện điều đó và trong phim, bối cảnh cũng diễn ra vào ngày 30 Tết khi mọi người sửa soạn đón năm mới. Chuyện phim xoay quanh nhân vật Hân do Trường Giang thể hiện, một kẻ trốn chạy khỏi quê hương của mình để lên thành phố lập nghiệp. 12 năm xa nhà, trong tâm tưởng của Hân, anh không có quê, không có gia đình. Thậm chí Hân không ngần ngại khẳng định anh không biết đến sự tồn tại của cha. Nhưng rồi cũng có lúc, kẻ bất hiếu ấy phải trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình chỉ vì một quyển sổ đỏ để lấy lòng bố của bạn gái, hòng trở thành con rể.
Vòng lặp thời gian của ngày 30 Tết kéo dài hàng nghìn lần khiến Hân dần nhận ra những giá trị thực sự của cuộc sống: Gia đình. Anh quyết định ở lại trong cái vòng lặp bất tận ấy để sống với cha, bù đắp lại 12 năm cách biệt. Những phân cảnh giữa NSND Việt Anh, NSND Hồng Vân và Trường Giang thực sự mang đến cảm xúc cho khán giả. Một Trường Giang không đóng hài mà diễn nội tâm dằn xé, hai nghệ sĩ gạo cội với diễn xuất đỉnh cao khiến cho người xem thực sự nể phục.
Thông điệp nhân văn của 30 chưa phải Tết chạm đến trái tim và nỗi lòng của hàng nghìn người trẻ xa quê. Đúng như Trường Giang chia sẻ, xem phim xong, bạn sẽ muốn gọi điện thoại về cho bố mẹ nếu chẳng may năm nay đón Tết xa nhà. Xem phim xong, bạn sẽ nhận ra thời gian của gia đình đối với mình chẳng còn được bao lâu, hãy trân trọng những khoảnh khắc quý giá của ngày Tết sum vầy.
Ý tưởng vòng lặp thời gian thể hiện khó hiểu cùng những miếng hài rời rạc, kém duyên, chèn quảng cáo 'lố'
Nếu như Trường Giang, NSND Việt Anh và NSND Hồng Vân gửi gắm đến thông điệp gia đình đầy cảm xúc và nhân văn, thì đó cũng chính là điểm sáng duy nhất cho phim 30 chưa phải Tết. Phải thừa nhận rằng, kịch bản của phim là vấn đề nặng nề khiến cho phim vấp phải chỉ trích của công chúng. Nhiều người tiếc nuối rằng, vì sao đạo diễn Quang Huy đã có một thông điệp rõ ràng, giàu ý nghĩa như thế nhưng không thể có được một kịch bản chặt chẽ, hợp lý hơn?
Sử dụng yếu tố vòng lặp thời gian (time-loop) đầy mới mẻ đối với điện ảnh Việt nhưng cách thể hiện khiến người xem hoang mang, không hiểu điều gì đang diễn ra. Ở những lần 'chết đi sống lại' đầu tiên, đạo diễn cố gắng thể hiện yếu tố vòng lặp ngày 30 Tết để khán giả mường tượng cho hoàn cảnh éo le của nhân vật. Nhưng rồi sau đó, kịch bản cắt xén bớt đi những tình tiết mở đầu của ngày hôm đó, chỉ cho ra diễn biến tiếp theo làm cho những người đang xem phim bị rơi vào hố đen. Người ta không biết đây là ngày cũ, hay đã bắt đầu một vòng lặp mới.
Điều này, có lẽ ekip làm phim về đề tài vòng lặp thời gian cần học hỏi bộ phim Happy Deathday khi đạo diễn luôn cho nhân vật chính bắt đầu ngày mới của mình bằng hành động quen thuộc: Tỉnh dậy trên giường, trong căn phòng của một người lạ. Cách làm này sẽ giúp người xem hiểu được nhân vật đã bắt đầu một vòng lặp mới, và dễ dàng nắm bắt nội dung cùng những sự thay đổi.
Như những bình luận trên mạng xã hội, việc đưa quảng cáo có phần lố tay đã khiến 30 chưa phải Tết bị trừ điểm. Câu chuyện về chai nước và con ruồi được mang vào phim với yếu tố giễu cợt khi hình tượng 'ông trùm' của nhãn hàng này đập ruồi và thoại 'bà mẹ con ruồi', làm cho tình tiết trở nên phản cảm. Không những vậy, việc sắp xếp mấy chục chai nước này ở phông nền phía sau làm tăng độ 'lố' của quảng cáo, khi mà trong năm qua, hàng loạt những TVC, clip viral, MV quảng cáo đã được sản xuất đầy tinh tế, hợp lý.
Nhân vật Thích Tu của Mạc Văn Khoa có thể nhận thấy vai trò kém quan trọng. Đạo diễn muốn thể hiện vai diễn này có ảnh hưởng quyết định đến nhân sinh quan của Hân (Trường Giang), nhưng thực tế thì không. Vẻ ngây ngô của Mạc Văn Khoa mang từ Cua lại vợ bầu, Lật mặt 4… sang bộ phim 30 chưa phải Tết khiến người xem nhàm chán, không có sự mới mẻ hay sáng tạo trong cách diễn. Bên cạnh đó, là một nhân vật đi tu, tìm đến cửa Phật vì được giác ngộ nhưng Thích Tu lại là mấu chốt hài hước làm cho bộ phim cũng trở nên nhạy cảm hơn. Có nhiều bình luận cho rằng, nếu cắt thẳng tay vai diễn này thì cũng không ảnh hưởng đến mạch phim, vì chung quy lại đây chỉ là một người bạn của Hân.
Những miếng hài trong phim không thực sự đắt giá. Gắn cho Mạc Văn Khoa một trọng trách 'gây cười' nhưng vai diễn Thích Tu của nam diễn viên chưa đủ để gánh team. Trong khi đó, những vai khách mời như Đức Phúc, Puka, Phương Thanh, Tấn Beo… chỉ mang đến tiếng cười nhất thời với 1-2 cảnh quay, không thể cân bằng thời lượng hơn 90 phút phim.
Trong phần đầu của phim, cô gái mà Hân cho là 'tiên nữ' có ngoại hình không đặc biệt, tình tiết tán gái của anh cũng không cần thiết hay mang đến tiếng cười thực sự. Thay vào đó, nó lại là cách làm phim cũ kỹ khi đưa những câu thả thính bình thường giữa muôn vàn lời 'cưa cẩm' hay ho mà trong năm qua, nhiều bài hát đã thể hiện. Ngay cả việc cô gái 'bay' đến cứu Hân ở đầm lầy cũng thể hiện điểm yếu trong cách làm phim của ekip.
Kịch bản đuối dần ở nửa sau, tình tiết phi logic khiến người xem khó chịu
Càng về sau, phim càng đuối dần về kịch bản lẫn tính logic. Vòng lặp thời gian chỉ thay đổi với chủ thể bị ảnh hưởng - là Hân, nhưng với người xung quanh thì hành động, việc làm và diễn biến của họ sẽ lặp đi lặp lại, không thay đổi. Hân sống với cha trong 12 năm (365 ngày x 12 năm, tương đương 4380 ngày, cũng là ngần ấy thời gian mà Hân phải sống trong ngày 30 Tết), tóc bạc phơ dần theo năm tháng. Chính Hân cũng bảo, anh biết rõ đường đi nước bước của ván cờ giữa hai cha con vì đã chơi quá nhiều. Thế nhưng, đến nửa cuộc sống chung ấy, bỗng dưng bố của Hân… lăn ra đau tim và chết. Hân quyết định dùng vòng lặp thời gian để cứu cha mình.
Ý tưởng hấp dẫn nhưng cách thể hiện thì chán ngán. Hân gặp vô vàn trắc trở khi cứu cha khỏi cơn đau tim, từ việc tìm cách đưa ông đến bệnh viện trong đêm nhưng đường xá tắc nghẽn do một vụ tai nạn giao thông, cho đến việc yêu cầu một chiếc xe cứu thương chờ sẵn ở bờ sông Sài Gòn để anh đưa cha qua sông đi cấp cứu. Ấy vậy mà, người xem tự hỏi, tại sao Hân không đưa cha đến bệnh viện từ sớm, ngay khi vụ tai nạn còn chưa xảy ra, đường xá thông thoáng? Chỉ cần Hân làm điều đó, ông Hai đã yên vị trong phòng cấp cứu và được bác sĩ tìm cách chữa trị?
Kế đến, vụ tai nạn giao thông đã xảy ra từ giữa trưa ngày 30 Tết khiến cho con đường dẫn từ Hồ Tràm lên Sài Gòn bị tắc nghẽn. Điều này đã được cô bán vé xe, vé số do Puka đóng thông báo từ sớm. Hân cũng đã tìm nhiều cách để về lại thành phố, giao sổ đỏ cho ba vợ tương lai. Thế nhưng, ở cuối phim, hóa ra vụ tai nạn chỉ có một người chết là bác tài xế, nhưng lại được chính quyền giải quyết chậm trễ, mất cả ngày vẫn chưa xong?
Việc Hân gặp cô bác sĩ (Ái Phương thể hiện) cũng có nhiều điểm vô lý. Thoạt đầu, Hân dành thời gian để giải thích bệnh tình của ông Hai và mong bác sĩ giúp đỡ việc thay tim. Nhưng đó là câu chuyện của vòng lặp trước, và khi 'reset' lại, mặc nhiên đạo diễn để cho Hân từ đâu chạy đến, nắm tay cô bác sĩ kéo đi… thay tim cho cha mình. Rồi khi đang đi, bác sĩ dừng lại giúp một nạn nhân mắc kẹt trong xe, bỗng dưng ở đâu có 2 người đến phụ và bảo Hân 'chạy đi cứu cha con đi'. Trong khi lúc đó (trong chính mốc thời gian đó), ông Hai vẫn đang khỏe mạnh đi đến bệnh viện vì lời nhắn của Hân trên tường: “Thằng Hân bị tai nạn, đang nằm cấp cứu trong bệnh viện”.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngay cả việc thay tim cũng được thể hiện một cách thiếu thuyết phục khi cho hẳn bệnh viện tuyến huyện đã có thể thực hiện ca phẫu thuật có mức độ nguy hiểm, rủi ro cũng như đòi hỏi chuyên môn cao như vậy. Cứ cho rằng cô bác sĩ cực giỏi nhưng với trang thiết bị y tế hạn chế ở khu vực này cũng khó lòng đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Một yếu tố cuối cùng gây tranh cãi chính là việc đưa Phật giáo vào trong tác phẩm 30 chưa phải Tết. Dù đã bị cắt bỏ (ý đồ của đạo diễn hoặc ở khâu kiểm duyệt cấp phép) nhưng khán giả dễ dàng nhận ra hành động rung lắc tượng Phật của Hân ở đoạn cao trào, sau đó cắt cảnh và anh nằm dưới đất, mặt xoay qua tượng bức tượng Phật Bà. Chỉ khung ảnh ấy cũng đủ khiến người xem hình dung việc làm 'trái luân thường đạo lý' của Hân và gây phẫn nộ cho khán giả.
Rõ ràng, 30 chưa phải Tết vấp phải nhiều ý kiến trái chiều dẫu cho doanh thu đứng đầu phòng vé ngày mồng Một vừa qua. Điều này khiến cho sức nặng của cái tên Trường Giang có thể suy yếu ở những ngày tiếp theo, là cơ hội để Gái già lắm chiêu 3 hoặc Đôi mắt âm dương bức phá vượt qua. Liệu rằng với nhiều sự chê bai của người xem, 30 chưa phải Tết có giữ vững ngôi vương mùa Tết Canh Tý 2020? Hãy cùng SAOstar chờ xem nhé