Sài Gòn của thập niên 60 phồn hoa, sặc sỡ dưới những ánh đèn màu tưởng như là kí ức nay đã trở lại cho đông đảo công chúng cùng chiêm ngưỡng với biểu tượng nhan sắc xưa nay là những thiếu nữ trẻ trung trong những chiếc áo dài sặc sỡ bước trên đường phố.
Như những gì trông đợi, Cô Ba Sài Gòn mang đến cho khán giả một khung cảnh hoài cổ thật sự trong một tiệm may nhỏ bé nhưng được đầu tư chỉn chu từng chi tiết. Khán giả sẽ thấy mình như lọt thỏm giữa chốn thị thành ngày đó, những câu nói đậm chất dân Sài Thành phóng khoáng, những cử chỉ điệu bộ kiêu sa, thanh lịch ngày trước cũng hiện diện đầy đủ trong thước phim trau chuốt.
Câu chuyện phim kể về quý cô thanh lịch Như Ý, bảo bối của bà chủ tiệm may áo dài Thanh Nữ - Thanh Mai (Ngô Thanh Vân), cùng niềm say mê với những bộ âu phục sang trọng, quý phái. Trong khi cả gia tài của gia đình là tiệm may nức tiếng mà mẹ vẫn luôn gìn giữ cho cô, cô ba tuyên bố không nối nghiệp mẹ làm cho mâu thuẫn bùng nổ ngay đầu phim.
Những tưởng sau đó sẽ là sự xuất hiện của những madame, quý ngài thời đó tiếp tục đẩy cao trào phim lên cao hơn, nhưng không, biên kịch phim đã không để điều đó xảy ra khi đưa toàn bộ câu chuyện vượt thời gian đến năm 2017 sôi động. Cao trào phim từ đó bắt đầu có chuyển biến sâu sắc hơn. Từ một Đệ Nhứt thanh lịch trở thành cô lao công cho công ty thời trang đã làm cho cô ba Lan Ngọc điêu đứng. Mang trên vai sứ mệnh giành lại nhà may của gia tộc khỏi nguy cơ khánh kiệt hoàn toàn, cô ba đã vượt qua muôn trùng thử thách để rồi sau cùng tìm lại được không chỉ sự nghiệp cả đời của mẹ mà còn tìm được chính bản ngã của mình và tình yêu sâu đậm dành cho tà áo dài.
Để một bộ phim mang đậm đà sắc thái ngày trước, nhất định không thể thiếu không gian âm nhạc ngập tràn những ca khúc nức tiếng thời đó. Ekip làm phim đã tinh tế phối lại những ca khúc từng làm cho bao khán giả Sài Gòn mộ điệu một thời như Đêm đô thị, Sài Gòn đẹp lắm một bộ áo mới, tinh thần thời đại trong một chiếc áo retro mượt mà. Khi nhạc nổi lên, khán phòng thật sự đắm say những bước chân trên hè phố, tiếng xe Vespa phà phà khắp phố, trên đại lộ Nguyễn Huệ dắt díu nhau những đôi chân thon trong bộ áo dài chít eo thanh lịch làm sao.
Hẳn bạn còn nhớ khi phim công bố nhạc phim chính thức là ca khúc Cô Ba Sài Gòn do Đông Nhi thể hiện, nhiều người hoài nghi đây sao có thể phù hợp với một không gian xưa, và đáp án đã được thỏa mãn khi đón xem phim. Khi tiếng hát của Đông Nhi cất lên trong khung cảnh 2017 trẻ trung, ca khúc chính là nhịp thở của thành phố trẻ, thành phố thời trang của những buổi trà chanh, cà phê nhà thờ thật sự. Có thể nói nhạc phim như một yếu tố phân chia không gian hai thời kì hữu hiệu vô cùng, không tạo ra sự cưỡng ép cho khán giả.
Ngoài ra, bộ phim hội tụ đủ những yếu tố thẩm mỹ thời đại. Nếu ở không gian tiệm may Thanh Nữ, cả khán phòng ngây ngất bởi những thước lụa nuột nà, những tà áo thon thả ôm lấy những cô gái thanh lịch ngày trước, thì ở không gian nhà thời trang Helen, khán giả lại được một phen mắt tròn mắt dẹt bởi những bộ cánh bắt kịp xu thế thế giới. Đoàn làm phim còn khéo léo lồng ghép vào đó những kiến thức thời trang hết sức lý thú. Khán giả vừa được nghe mà vừa tận mắt thấy những phong cách thời trang xuất hiện mồn một trên màn ảnh, từ những tà áo chít eo đặc trưng năm 60, những chiếc quần ống loe, áo hippie cùng những họa tiết hoa nhỏ, pop art hay hiệu ứng đánh lừa thị giác độc đáo.
Bên cạnh đó, bộ phận trang điểm đã một lần nữa thổi vào cho diễn viên linh hồn đương thời thông qua những kiểu “làm mặt” tinh tế. Khi nhìn vào nhân vật như ý bạn sẽ thấy rõ hai sắc thái khác nhau của thời trang của hai không gian thời trang khác nhau. Ở đầu phim là một Đệ Nhứt Thanh Lịch trong những chiếc đầm Tây sặc sỡ, những chiếc găng tay tinh tế với kiểu tóc đánh cao phồng , những lọn tóc cong điệu đà như một minh tinh. Phần sau của phim, “cô Ba” lột xác với những bộ cánh mang màu sắc 2017 với mái tóc thời thượng. Chính sự chi tiết của nhà làm phim đã hoàn toàn khiến cho khán giả mãn nhãn trước những pha ghi bàn thời trang đúng điệu.
Nội dung phim xoay quanh những mâu thuẫn trong gia đình, về định hướng nghề nghiệp của cặp mẹ con Như Ý - Thanh Mai, cạnh tranh trong quá trình lao động sáng tạo của Helen - Như Ý, và hơn hết là việc tự nhìn nhận bản thân sau những sai lầm, chịu trách nhiệm cho những sai lầm đó ở bản ngã của cô ba Như Ý - An Khánh. Thông điệp về tình người của bộ phim được chuyển tải đong đầy, không đánh mạnh vào tình yêu đôi lứa, bộ phim vẽ ra những tình cảm trong gia đình, tình bạn bè và tình yêu dành cho nghề nghiệp của mình.
Bộ phim còn là một bước tiến trong việc khẳng định nữ quyền. Không hiện hữu mô hình cha truyền - con nối như nhiều phim đã làm, quan hệ truyền nghề lại được nhắc đến trong một gia đình mẫu hệ. Ở người truyền nghề như Thanh Mai, chúng ta thấy cái tinh tế của người phụ nữ ở việc lo cho con gái nhưng cũng đau đáu việc mai một nghề gia truyền. Ở Như Ý, mang trong mình sứ mệnh cao cả nhưng chưa trưởng thành, cô cho thấy mình là một cô gái quật cường, bất chấp khó khăn sau cùng là vượt qua chính mình để đạt được sứ mệnh đó. Điều những tưởng trước giờ vẫn do đàn ông gánh vác, nay đã được Thanh Mai - Như Ý định nghĩa lại rằng phụ nữ đủ sức gánh vác như thường.
Trở lại với Cô ba Sài Gòn những cái tên như Ninh Dương Lan Ngọc, Diễm My 9x hoàn toàn chứng minh năng lực diễn xuất dù đứng chung hàng với những thương hiệu gạo cội như NSND Hồng Vân, Diễm My 6x hay Ngô Thanh Vân. Đứng vai trò đào chính, Lan Ngọc lần nữa cho mọi người thấy nội lực của mình, thiên biến vạn hóa trong từng cử chỉ. Cô thể hiện sắc nét những bản ngã khác nhau trong một con người. Sự tranh đấu nội tâm được cô thổi hồn vào chân thật có thần làm cho khán giả vừa bực nhưng cũng vừa thương mộ cô ba Sài Gòn thanh lịch.
Ngoài ra phải kể đến sự xuất hiện của Oanh Kiều trong vai Thanh Loan, nền nã, dịu dàng, đằm thắm là những gì chúng ta có thể hình dung về nhân vật này. Cô đã thể hiện tròn trịa vai diễn, đồng bộ với cách Diễm My 6x thể hiện Thanh Loan năm 2017, đã giúp khán giả hình dung rõ ràng về một cô gái Sài Gòn có cốt cách thanh cao thứ thiệt.
Diễm My 9x sau những sự lột xác trong các phim điện ảnh gần đây, đã một lần nữa khẳng định năng lực của mình khi thể hiện một Helen đầy quyền lực, chuyên nghiệp, sắc sảo của một nhà thiết kế hàng đầu Sài Gòn 2017, trở thành đối trọng quyết liệt với Như Ý của Lan Ngọc. Nhắc về Như Ý, trong phim này, nhân vật này tồn tại ở hai bản ngã, ngoài một bản ngã do Lan Ngọc thể hiện, phải kể đến bản ngã do NSND Hồng Vân khắc họa vô cùng tinh tế, cho thấy một Như Ý thất bại, bế tắc, nghiện ngập khi sự nghiệp sụp đổ. Ngoài sự đối đầu với Diễm My - Helen, chúng ta cũng sẽ thấy được sự đối đầu với chính mình của Lan Ngọc - NSND Hồng Vân.
Và cuối cùng là Ngô Thanh Vân, dù không xuất hiện trong nhiều phân cảnh như các diễn viên khác, bà chủ tiệm Thanh Nữ vẫn thể hiện xuất thần một nghệ sĩ lao động chân chính với nghiệp may áo dài, từng cử chỉ, điệu bộ đều mang màu sắc của một người phụ nữ Gia Định thanh tao nhưng luôn canh cánh một nỗi niềm về sự kế thừa. Tất cả dàn đào chính của phim đã không làm cho khán giả thất vọng, góp phần làm nên linh hồn của bộ phim.
Cô Ba Sài Gòn có một thông điệp rõ ràng về sứ mệnh bảo vệ những thứ thuộc về quốc hồn, quốc túy dân tộc của người trẻ. Sẽ đau buồn như thế nào khi mai này, không còn ai biết may tà áo dân tộc, linh hồn non sông không còn ai giữ gìn. Có lẽ cái kết của một Như Ý năm 2017 cũng có thể sẽ là cái kết cho nhiều người trẻ mai này về một tương lai sống trong nhàm chán, không ước mơ, không hoài bão bởi vì những giá trị về văn hóa, về thẩm mỹ đã không còn - nền tảng của sự sáng tạo trong mỗi ngành nghề.
Teaser phim Cô Ba Sài Gòn.
Nếu đã trót say mê Cô Ba Sài Gòn vì vẻ đẹp điện ảnh, thì mong rằng bạn cũng sẽ say mê thông điệp mà bộ phim chuyển tải. Bộ phim chính thức khởi chiếu toàn quốc vào ngày 10/11