Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Vì sao Diều không bay cao?

Có một câu hỏi đã cũ mèm nhưng năm nào cũng được hỏi lại là: Cánh diều năm nay có gì mới? Thế nhưng, mặc kệ thời gian cùng vô số lần rút kinh nghiệm, giải thưởng điện ảnh có tuổi đời được xếp vào hàng lâu năm này vẫn… lần nào cũng bối rối theo kiểu “rối một bối” như lần đầu tiên.

Tổ chức cho có? 

Diễn ra mỗi năm một lần vào trung tuần tháng Ba, giải Cánh Diều từng được ví von như Oscar của Việt Nam. Nhưng sau ngần ấy thời gian người ta vẫn thấy hàng năm giải Cánh diều đều có vấn đề, cả ở khâu tổ chức lẫn chất lượng của giải. Năm nay, Ban tổ chức quyết định dời ngày trao giải sang tháng 4 để có nhiều thời gian chuẩn bị hơn, không bị cập rập sau kỳ Tết Nguyên đán. Có thông tin rằng, ban đầu, đêm trao giải dự kiến diễn ra vào ngày 15/4 nhưng sau lại bị dời sang ngày 20 vì ngày 15, Cung Việt Xô - nơi cho thuê làm Lễ trao giải - vướng hợp đồng tổ chức tiệc cưới… Tất cả những quyết định thay đổi trên kiến dư luận có cảm giác việc tổ chức giải Cánh diều là theo kiểu làm cho có.

"49 ngày" cũng là một WCV tiềm tàng cho CDV năm nay

“49 ngày” cũng là một WCV tiềm tàng cho CDV năm nay

Một cánh én chẳng thể làm nên mùa Xuân

Một phần việc khá quan trọng và luôn khiến Hội điện ảnh đau đầu trong quá trình tổ chức giải Cánh diều là tìm Ban giám khảo. Và giống mọi năm, “nỗi khổ thường niên” mà Hội giãi bày trước cánh báo giới vẫn là: Người thì có phim dự thi, người thì bận làm phim không thu xếp được thời gian… Trong khi đó, số lượng Hội viên Hội điện ảnh hiện đã lên tới hàng nghìn người khắp trong Nam ngoài Bắc vậy mà tìm 5, 7 người chấm giải khó đến vậy sao? Nhìn lại thành phần Ban giám khảo (hạng mục phim truyện điện ảnh) trong nhiều năm qua cho tới năm nay, có thể “đọc” được tiêu chuẩn mời giám khảo của Hội. Đó phải là những nghệ sỹ gạo cội, đã không còn làm phim hoặc lâu lâu mới làm một phim. Thử hỏi, liệu một thế hệ làm phim đã không còn tư duy hàng ngày về nghề có đủ nhạy bén để nắm bắt được sự dịch chuyển của điện ảnh không? Tất nhiên, thành phần Ban giám khảo cũng có người trẻ nhưng ai cũng đã thuộc câu: Một cánh én chẳng làm nên mùa Xuân. Giải Cánh diều sẽ không bao giờ có thể mới mẻ được là vì lẽ đó.

Hình ảnh trong phim "Bộ ba rắc rối"

Hình ảnh trong phim “Bộ ba rắc rối”

Luôn luôn tranh cãi - Lâu lâu mới hiểu!

Tiêu chí giải thưởng Cánh diều năm nay là “Đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực.” Thực ra, đây là tiêu chí đã nhiều năm và hầu như không mấy thay đổi của giải Cánh Diều cũng như rất khó để hiểu thấu đáo thế nào là sáng tạo, thế nào là đậm bản sắc dân tộc. Và việc ban tổ chức quyết định không đồng ý cho bộ phim “Em là bà nội của anh” tham gia tranh giải Cánh diều Vàng đã dấy lên những luồng ý kiến trái chiều. Hội có cái lý của Hội là cứ căn cứ theo tiêu chí mà làm. Những người làm phim cũng có lý của họ. Bộ phim truyền hình “Tuổi thanh xuân” ở hạng mục phim truyền hình dài tập cũng nằm trong diện cân nhắc về việc thiếu bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã trực tiếp giải thích cho Ban tổ chức rằng “Tuổi thanh xuân” thuộc quyền sở hữu của VTV đồng nghĩa với việc đây là phim của Việt Nam - điều mà “Em là bà nội của anh” không có.

Cầu Vồng không sắc cũng "thả diều" năm nay

Cầu Vồng không sắc cũng “thả diều” năm nay

Đụng đâu cũng thấy bạn, thấy người quen!

Vẫn biết rằng Ban giám khảo thế nào thì giải thưởng thế ấy nhưng trong những năm qua, giải Cánh diều hầu như chưa bao giờ thuyết phục được dư luận, những người quan tâm điện ảnh. Mặc dù Ban giám khảo cũng đã vài lần cố gắng đột phá trao giải thưởng cho những bộ phim của các nhà làm phim mới nhưng dường như Cánh diều vẫn là sân chơi nhỏ hẹp cho các hãng phim do Nhà nước quản lý hoặc là những bộ phim với đề tài cũ như chiến tranh, hậu chiến. Một nghệ sỹ từng vài lần làm giám khảo đã thẳng thắn chia sẻ: “Chấm phim tại Liên hoan phim và các giải thưởng về điện ảnh là một việc rất khổ vì đụng đâu cũng là bạn, đồng nghiệp, người quen”… Từ nỗi khổ rất đời thường mà đậm chất nghệ thuật này có thể hiểu rằng, giải được trao nhiều khi chẳng liên quan gì đến những “dấu ấn sáng tạo”, “đậm bản sắc dân tộc” hay “giá trị nhân văn”. Và đó cũng là một trong những lý do khiến cho Cánh diều chưa thể nào là giải thưởng uy tín, là sân chơi công bằng cho tất cả các nhà làm phim đương thời.

Poster-tuyet1-267e6-7812-1433212680

Như đã thành thông lệ, sau mỗi đêm công bố kết quả giải Cánh diều, giới truyền thông đồng loạt kêu trời, thậm chí một vài tờ báo đã không tiếc lời “mắng mỏ” Ban tổ chức. Những ai theo chủ nghĩa lạc quan thì cho rằng đó là một cách để biết Báo chí vẫn còn quan tâm đến Cánh diều. Về phần Hội điện ảnh, Diều đương nhiên vẫn bay, và chỉ cần bay được, cao thấp không phải là vấn đề cho nên dĩ nhiên là sẽ có một chút giải thích nhưng rồi… Trao xong xuôi, rút kinh nghiệm xong xuôi tất cả đều về, sang năm lại bị mắng mỏ tiếp.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất