Phim Ảnh

'Mẹ chồng': Không phải bom tấn nhưng vẫn là bộ phim đáng xem của điện ảnh Việt

Thu Phương
Chia sẻ

Không ít người mạnh dạn gọi "Mẹ chồng" là bom tấn đáng được chờ đợi của điện ảnh Việt trong năm 2017. Tuy nhiên, việc đặt bộ phim lên vị thế chót vót như vậy cũng vô tình làm khó cho ekip sản xuất.

Cũng như Cô Ba Sài Gòn, Mẹ chồng là một bộ phim gói ghém rất nhiều kì vọng và sự chờ đợi của truyền thông lẫn khán giả. Ngay từ giai đoạn công bố dàn diễn viên toàn giai nhân nức tiếng cho đến những đọan teaser đầu tiên, bộ phim đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gợi lên những tò mò, háo hức trong lòng người xem.

Không ít người mạnh dạn gọi Mẹ chồng là bom tấn đáng được chờ đợi của điện ảnh Việt trong năm 2017. Tuy nhiên, việc đặt Mẹ chông lên vị thế chót vót như vậy cũng vô tình làm khó cho nó. Sự kỳ vọng càng lớn đồng nghĩa với tiêu chuẩn đánh giá, soi xét bộ phim càng cao. Có lẽ vì lý do này mà vừa trình làng phim đã gặp không ít tranh cãi, khen chê đủ đường

Đạo diễn Lý Minh Thắng và “mẹ chồng” Thanh Hằng.

Đạo diễn Lý Minh Thắng đề nghị đừng xem Mẹ chồng của anh là một bộ phim bom tấn. Vậy thì hãy thử thoải mái nhìn nhận nó một cách công bằng như các bộ phim khác cùng thời điểm. Câu hỏi đặt ra là liệu Mẹ chồng có đáng để khán giả bỏ tiền ra rạp hay không?

Một bộ phim đẹp từ cảnh quay, diễn viên cho đến phục trang. Trừ câu chuyện. 

Bỏ qua câu hỏi nhận xét phim hay - dở bởi lẽ tùy theo khẩu vị, khả năng cảm thụ của từng khán giả mà mỗi người sẽ có một câu trả lời riêng cho mình. Những khán giả khó tính sẽ thấy bộ phim còn lan man, lạc lối đâu đó trong chính mê cung rắc rối của tình tiết, các mối quan hệ nhân vật hay một vài hạt sạn trong bối cảnh, phục trang, diễn xuất. Những người dễ tính hơn thì tạm hài lòng với một câu chuyện tròn trịa, chỉn chu, được kể bằng những đường dây sắp xếp lớp lang, những góc máy được tính toán kỹ.

Nhưng dù chê hay khen, đa phần khán giả ra khỏi rạp cũng phải đồng ý một điều: Mẹ chồng là bộ phim đẹp, đầy mỹ cảm.

Cuộc chiến mẹ chồng nàng dâu trong gia tộc nhà họ Huỳnh được đặt vào một bối cảnh giả định mang tên Đại Điền những năm 1945 - 1950. Ngay từ những giây mở màn, phim đã choán ngợp lấy khán giả bởi vẻ đẹp của cảnh sắc đồng quê Nam Bộ. Những cánh đồng xanh mướt mắt, con thuyền nhỏ lênh đênh giữa đồng sen trong ráng chiều cuối hạ, hình ảnh căn nhà xưa bề thế im ắng ẩn mình trong vườn cây gọi mời những ánh mắt tò mò… Tất cả vẽ nên một không khí nửa thơ nửa thực, man mác u hoài.

Bà Hai Lịnh (Diễm My 6x)

Điểm sáng của phim nằm ở những chi tiết đặc tả thiên nhiên vô cùng ấn tượng. Khung cảnh bà cháu Hai Thơ ngồi hái sen trên chiếc thuyền con lênh đênh giữa hồ hay hình ảnh nàng dâu út Tuyết Mai chơi đùa với chú kiến trên chiếc lá xanh còn đọng sương trong vườn là những cảnh quay đầy thi vị và đậm chất điện ảnh.

Tuyết Mai (Midu).Bên cạnh nét đẹp ngoại cảnh, Mẹ chồng còn khéo léo cài cắm những chất liệu văn hóa góp phần tạo nên chiều sâu và tính chân thật cho bộ phim. Phong tục cưới hỏi, ngày hội mùa, tục xin con cầu tự trong đêm động phòng cho đến một mâm cơm dân dã đựng trong lá sen, những giai điệu dân ca vang lên… tất cả đều được miêu tả tinh tế, duy mỹ qua ống kính của đạo diễn Lý Minh Thắng. Đó cũng là một nét duyên khiến khán giả có thêm cảm tình với phim.

Bảy Loan (Ngọc Quyên) và Hai Nhứt (Song Luân).

Với một tác phẩm điện ảnh mang không khí hoài cổ nhưng lại có nhịp phim kịch tính như Mẹ chồng, thoại là một trong những khâu khó nhất. Nếu thoại làm không khéo sẽ khiến bộ phim trở thành màn kịch sống sượng, lên gân. Thật may, Mẹ chồng đã giải được bài toán hóc búa này.

Những câu thoại trong phim vừa vặn, ngắt nhịp lên bổng xuống trầm, êm ái như đọc một bài thơ xưa. Biên kịch cũng kì công tìm tòi để chắt lọc ra thứ ngôn ngữ mang âm hưởng hoài cổ nhưng vẫn giữ được chất dân dã của đời sống mà không sa vào khuôn sáo. Nhiều câu thoại đắt giá, dễ thuộc và mang tính viral như: “Sen là sen, lài là lài, không thể lẫn tạp” hay “Cây độc không trái, gái độc không con”. 

“Mẹ chồng” - Ba Tran (Thanh Hằng)

Phong cách làm phim duy mỹ của đạo diễn còn được thể hiện trong cách xây dựng kết cấu phim. Phim được chia thành bốn phần tương ứng với bốn mùa: Xuân - Hạ - Thu - Đông. Mỗi lần mạch phim chuyển tiếp cũng đồng thời là một cảnh chuyển mùa. Bốn bức tranh tứ bình họa đôi mắt, chân mày, nét môi son của người phụ nữ cùng với câu thơ xưa mà nếu ghép lại sẽ thành một bài thơ miêu tả phận đời giai nhân.

Đây là một ẩn dụ gợi nhắc đến những giai đoạn của cuộc đời của những kiếp hồng nhan trong gia tộc họ Huỳnh. Từ thời thanh xuân vô ưu cho đến khi bước vào độ chín lúc về nhà chồng rồi sau đó mở ra những hiu hắt, mênh mang và khi trải qua hết thảy thăng trầm họ một mình đối diện với nỗi cô đơn cùng cực ít ai thấu tỏ. Những cách tân về mặt cấu trúc có thể làm đẹp cho phim tuy nhiên lối kể chuyện đơn tuyến cũng ít nhiều khiến Mẹ chồng trở nên tẻ nhạt, nhàm chán với khán giả trẻ.

Cái đẹp trong phim Lý Minh Thắng đâu đó vẫn phảng phất một chút phong cách của Vũ Ngọc Đãng. Cũng dễ hiểu bởi đạo diễn Mẹ chồng từng là người cộng sự đã đồng hành với Vũ Ngọc Đãng trong nhiều phim từ Vòng eo 56 đến Sài Gòn anh yêu em.

“Anh Đãng luôn nói với tôi, cái mà anh hướng tới là cái đẹp Đời. Còn cái đẹp của tôi bị lãng mạn quá, nó hơi xa rời thực tế, đôi khi duy mỹ đến cực đoan”. Lý Minh Thắng tự nhận đây là thế mạnh nhưng đôi khi cũng là điểm yếu chí mạng của mình.

Một sản phẩm điện ảnh đáng trân trọng dẫu nhiều lúc vẫn phải nói “Giá như…”

Sau buổi họp báo ra mắt của Mẹ chồng vào ngày 29/11, Lý Minh Thắng tâm sự anh đã có một đêm mất ngủ hồi hộp chờ đợi những phản ứng đầu tiên. Sau khi lắng nghe các luồng ý kiến, vị đạo diễn trẻ cảm thấy nhẹ lòng bởi các nhận định trái chiều chủ yếu đánh vào nội dung phim chứ không tập trung vào diễn xuất của dàn diễn viên.

Phim Mẹ chồng ngoài sự tham gia của diễn viên kì cựu Diễm My 6x thì đa phần là những gương mặt mới: Lan Khuê, Song Luân, Lâm Vinh Hải. Midu cũng là một diễn viên trẻ chưa có quá nhiều kinh nghiệm. Thanh Hằng được biết đến nhiều với vai trò người mẫu hơn là diễn viên.

Tư Thì (Lan Khuê).

Song Luân diễn “đúp” vai cha và con - Thiện Khiêm.

Việc chọn các nhân tố không chuyên vốn là phong cách của Lý Minh Thắng. Theo anh, những người chưa qua trường lớp đem đến một sự tươi mới nhất định. Họ diễn theo bản năng, tràn đầy cảm xúc. Điều mà các diễn viên chuyên nghiệp nghiêng về cách diễn hình thể đôi khi quên mất.

Phong cách phân vai táo bạo của Lý Minh Thắng đã giúp nhiều gương mặt mới nổi lên, tạo được dấu ấn với người xem. Đó là cặp đôi Cường Đinh - Brian Trần trong Sài Gòn, Anh yêu em, Hải Triều của Lô Tô và nay là Lâm Vinh Hải trong Mẹ chồng. Vai diễn cậu Hai thiểu năng với trí óc và tâm hồn trẻ thơ trong hình hài của một chàng trai trưởng thành đã giúp Lâm Vinh Hải khẳng định được tài năng diễn xuất cũng như phần nào lấy lại được thiện cảm của khán giả.

Lâm Vinh Hải trong vai cậu Hai Phước là 1 điểm sáng của phim.

Dặc biệt, Mẹ chồng còn giúp Thanh Hằng một lần nữa tìm lại được hào quang sau hai năm vắng bóng trên màn ảnh rộng. Diễn xuất của cô trong phim đạt đến độ chín nhất định. Người đẹp diễn đến nơi đến chốn trong những phân cảnh cao trào, cần sự bùng nổ về cảm xúc. Dù chưa thể gọi vai Ba Trân là một bước ngoặt trong chặng đường làm diễn viên của Thanh Hằng nhưng chắc chắn đây là vai diễn đáng nói nhất, đáng nhớ nhất của nữ siêu mẫu quyền lực tính đến thời điểm này.

Đâu chỉ ác, “Mẹ chồng” vẫn còn những lúc hiền lành, mong muốn được bình yên.

Một điều đáng khen ngợi của đạo diễn Lý Minh Thắng là anh làm phim Mẹ chồng với kinh phí gói gọn trong khoảng 9 tỷ (bằng một nửa kinh phí Cô Ba Sài Gòn và thậm chí còn ít hơn bộ phim Em chưa 18 3 tỷ). Ít ai tin một bộ phim với dàn sao lung linh, lấp lánh, những thước phim cầu kì, đậm chất điện ảnh, bối cảnh, trang phục chỉn chu lại có kinh phí sản xuất khiêm tốn như thế. Điều này thuộc về tài năng, sự khéo léo của chính đạo diễn đồng thời là nhà sản xuất phim.

Việc cân đo đong đếm để làm ra một sản phẩm điện ảnh chất lượng nhưng hạn chế tối đa những rủi ro về mặt doanh thu được cho là một bài tập khó với bất kì nhà làm phim nào. Dĩ nhiên không phải ai cũng là người giải đề thông minh và tỉnh táo. Về phần Lý Minh Thắng, anh có thể tự hào vì đã làm ra một bộ phim chỉn chu, nghiêm túc, cân bằng được yếu tố giải trí - nghệ thuật nhưng tránh đặt mình vào tình thế phải chơi những ván bài mạo hiểm.

Kết

Ở vị trí khán giả, không gì dễ dàng hơn việc chê một bộ phim hài nhảm, nội dung câu khách. Tuy nhiên, với những tác phẩm có sự đầu tư, dày công tìm tòi cả về nội dung lẫn ngôn ngữ điện ảnh như Mẹ chồng hay Cô Ba Sài Gòn, khen hay chê cũng đều rất khó. Thuộc dòng phim giải trí nhưng hai bộ phim không chọn ra đời một cách dễ dãi. Đây đều là những sản phẩm tinh thần được các nhà làm phim ấp ủ thực hiện bằng tất cả đam mê, tâm huyết và thái độ trân trọng khán giả.

Trả lời cho câu hỏi đặt ra từ đầu bài, Mẹ chồng chắc chắn là một trong những sản phẩm đáng xem của điện ảnh Việt 2017, miễn đừng mặc cho nó chiếc áo quá rộng hay gán những danh xưng quá to tát như “phim bom tấn”.

Chia sẻ

Bài viết

Thu Phương

Tin mới nhất