Mặc dù gặt hái được nhiều thành công nhưng vẫn có những ý kiến trái chiều cho rằng Captain America: Civil War chưa phải là tác phẩm xuất sắc nhất của Marvel và thậm chí còn thua kém chút ít so với phần The Winter Soldier.
Nhạc phim
Có thể nói phần nhạc nền của Captain America: Civil War là khá dở so với các phim siêu anh hùng khác. Thậm chí nếu so với phần nhạc phim của Captain America: Winter Soldier hay Avengers 2: Age of Ultron thì còn không đặc sắc bằng. Nhạc phim là một phần rất quan trọng của phim khi nó góp phần điều phối tâm lý của khán giả theo ý đồ của đạo diễn, khiến những cảnh phim trở nên bi hùng hay hoành tráng hơn rất nhiều. Vì thế, với một bộ phim đầy cảm xúc và nút thắt như Captain America: Civil War thì nhạc phim nhàm chán là một thiếu sót vô cùng to lớn.
Kỹ xảo hình ảnh
Nếu để ý kĩ, người xem có thể dễ dàng nhận ra phần CGI của Captain America: Civil War là khá “ảo” so với các phần phim trước. Nhất là đối với Iron Man và Spider-Man - hai nhân vật được dựng lên chủ yếu bằng kỹ xảo nên hành động của họ không được uyển chuyển và khá lệch lạc so với bối cảnh chung. Tuy những lỗi này không phải “chết người” nhưng đối với một bộ phim bom tấn hành động thu lời tiền tỷ của Marvel thì điều đó khó có thể chấp nhận được.
Nhân vật phản diện mờ nhạt, thiếu logic
Tuyến nhân vật phản diện gây thất vọng chính là “căn bệnh kinh niên” của Marvel, trừ Loki. Mặc dù Zemo đã làm cho nội bộ Avengers tan rã, một việc mà những kẻ hùng mạnh hơn y rất nhiều lần là Loki hay Ultron đều không làm được, thế nhưng nhân vật này vẫn rất mờ nhạt.
Dù là ác nhân chính và là nguyên nhân cho cuộc “nội chiến” giữa Captain America và Iron Man nhưng thời lượng xuất hiện Zemo là rất ít mà phải nhường sân chơi lại cho màn cãi vã của các siêu anh hùng. Suốt chiều dài bộ phim, người xem tuy hiểu được động cơ, mục đích, cách thức hành động của hắn nhưng lại hoàn toàn mù mờ về cách hắn thực thi kế hoạch. Như Batman của Christian Bale từng bị ném đá vì chạy lòng vòng thành phố hỏi “Rachel đang ở đâu?” thì Zemo cũng thực hiện y chang, chỉ khác ở câu hỏi mà thôi.
Tâm lý của Zemo cũng không được mô tả một cách chi tiết khiến khả năng diễn xuất của Daniel Brühl bị bỏ phí. Và cuối cùng, sau khi âm mưu bị lật tẩy, kẻ thủ ác này lại kể một câu chuyện lâm li bi đát khiến người xem cảm thấy đáng thương hơn đáng giận. Kiểu nhân vật này dễ làm khán giả liên tưởng tới các hung thủ “màu đen” trong… Conan.
Quá lạm dụng các cảnh đấu tay đôi
Những cảnh đấu tay đôi từng rất thành công trong Captain America: Winter Soldier tiếp tục được anh em nhà Russo phát huy tối đa trong Civil War. Tuy nhiên, có vẻ như bộ đôi đạo diễn đã quá lạm dụng việc này.
Những trận đấu đẹp mắt nhưng mang tính chất trình diễn là chủ yếu khi kết quả cuối cùng vẫn là “không ai đứt một cọng tóc” diễn ra xuyên suốt bộ phim dễ gây ra sự nhàm chán. Cộng với việc camera rung và nhảy liên tục khiến người xem rất nhức mắt. Trong phân đoạn chiến đấu hoành tráng nhất phim là cảnh ở sân bay khi cả 2 phe đối đầu nhau, người xem mong đợi nhất là những màn combo đồng đội đẹp mắt như trong phần Avengers thì đa số vẫn là những màn tay đôi từng cặp nhân vật với nhau và thỉnh thoảng là phối hợp nhóm nhỏ.
Nội dung có khá nhiều lỗ hổng
Nhiều chi tiết trong phim không được xây dựng tới nơi tới chốn. Đơn cử như việc Steve Rogers suýt kí vào bản “hiệp định Sokovia” để cứu Bucky, việc mà anh liều mạng thành tội phạm để làm, thì bỗng không làm nữa chỉ vì Tony bảo với Vision không cho Wanda ra đường vì sợ làm hại người khác. Hay việc nhân vật Wanda thay đổi quyết định nhanh chóng chỉ vì một câu nói của người này người nọ.
Các cảnh chiến đấu cũng chứa khá nhiều điểm vô lý như Vision cũng lao vào đánh nhau xong mất tích cả trận, chỉ xuất hiện vài phút cuối. Team Iron Man hoàn toàn biết việc team Captain America hướng tới chiếc máy bay nhưng lại thản nhiên chọn việc đánh nhau hơn là phá hủy chiếc máy bay đó.
Và cuối cùng, những điểm vô lý nhất chính là nằm trong kế hoạch của Zemo. Nhiều chi tiết cứ như đạo diễn cố tình đặt vào đó để nó có thể diễn ra vậy. Như việc hồ sơ của HYDRA bị tung lên mạng một thời gian dài mà chỉ có Zemo “có thời gian và khả năng” để giải mã và tìm tới tên chỉ huy của Winter Soldier. Hay việc Bucky là hung thủ gây ra cái chết cho ông bà Stark mà Zemo cũng có thể biết được trong khi một người có thể tiếp cận mọi nguồn tin như Tony thì hoàn toàn mù tịt.
Fan service kém
Cũng có gốc từ truyện tranh nhưng có vẻ Captain America: Civil War kém hơn Batman v Superman: Dawn of Justice ở phần chuyển thể. Rất nhiều những chi tiết và hình ảnh trong The Dark Knight Returns được Jack Snyder “bê nguyên xi” từ trang truyện lên màn ảnh khiến những fan ruột sướng rơn.
Tuy nhiên, Captain America: Civil War thì lại khác khá xa nguyên tác truyện tranh của mình. Không những khác về nội dung mà gần như không có một hình ảnh mang tính biểu tượng nào từ truyện tranh được đưa vào phim. Mặc dù hướng tới lượng khán giả đại chúng nhưng Marvel lại bỏ quên mất những fan ruột từ truyện tranh khiến cho độ phấn khích khi xem phim bị hạn chế.
Dù có nhiều điểm chưa tốt nhưng có vẻ như Captain America: Civil War là một bước đệm có chủ đích của Marvel để chuẩn bị cho việc đổ bộ của kỉ nguyên anh hùng thứ 3 (Phase 3). Và người xem hoàn toàn có thể mong chờ sự lột xác của hãng với Doctor Strange sắp tới.
Xem thêm >>> Vì sao phim siêu anh hùng ngày càng dài lê thê?
Nàng Mystique lại suýt… vấp ngã trong buổi ra mắt phim ‘X-men: Apocalypse’