Hai bộ phim mang hai sắc thái hoàn toàn trái ngược, nhưng có điểm chung là đều hướng về giá trị gia đình cũng như khai pháo cho một năm suôn sẻ của phim Việt.
Cạm bẫy - Hơi thở của quỷ: Đậm chất phim Mỹ
So với Cầu vồng không sắc năm 2015, đạo diễn Nguyễn Quang Tuyến đã thật sự lên tay khi mang đến cho khán giả một bộ phim hành động - tâm lý tội phạm vô cùng gay cấn, nghẹt thở và quá chỉn chu. Từ một mở đầu dữ dội, khi Mai Thanh Hoa (Nhật Kim Anh) cùng người chồng là Tùng (Đông Dương) cùng hai con đi xem đua chó ở Vũng Tàu thì bị một nhóm người bắt đi và tra tấn vô cùng dã man, cho đến những cú twist đầy bất ngờ và liên tục, khiến khán giả phải vô cùng tỉnh táo và tập trung mới có thể theo kịp diễn biến phim. Sau khi bị bọn tội phạm thả xuống biển và trôi dạt vào bờ, Hoa bắt đầu mất đi nhiều ký ức và được Tuấn (Quang Hòa) cưu mang. Và từ đây, cuộc hành trình tìm lại ký ức và tìm lại gia đình mình của Hoa cũng bắt đầu.
Đạo diễn-biên kịch Nguyễn Quang Tuyến đã xây dựng một kịch bản vô cùng khéo léo và sáng tạo, một câu chuyện dữ dội, bạo lực, nhưng ẩn khuất bên trong vẫn là những câu chuyện về gia đình đầy cảm động và đau thương. Hoa - một nữ doanh nhân thành đạt, có nhà cao cửa rộng, cùng với chồng và hai con, quá hạnh phúc, quá ấm êm. Nhưng mấy ai biết được bên trong ngôi nhà ấy, có một người chồng luôn mang trong mình phẫn uất khi phải chịu thua kém vợ và phải để vợ thu xếp cuộc đời mình; có một người vợ tham công tiếc việc, vì công việc mà sẵn sàng để gia đình mình chia rẽ, để những đứa con phải xa cha, xa mẹ. Nhưng có lẽ hơn ai hết, Hoa hiểu được sự đau đớn khi phải lìa xa gia đình, bởi cô và em gái đã từng lạc mất cha mẹ khi vừa mới 10 tuổi đầu.
Chị gái Hoa là Linh Chi (cũng do Nhật Kim Anh đóng), là một người có tính cách trái ngược hoàn toàn so với Hoa, cô bị bắt phải ngủ với đàn ông từ khi mới 10 tuổi. Mang trong mình một tâm hồn đã sứt mẻ, có khi cô thủ đoạn, đầy dã tâm, có khi lại mong manh và khao khát tình yêu thương, cô nhẫn tâm cướp đi tổ ấm của em gái. Nhưng biết làm sao, khi chính Hoa đã ruồng rẫy gia đình mình?
Diễn xuất của các diễn viên là một điểm cộng rất lớn cho bộ phim. Nữ diễn viên của Long Thành cầm giả ca - Nhật Kim Anh đã rất xuất sắc khi thể hiện đến hai vai diễn mang những tính cách, cảm xúc trái ngược nhau, và khác nhau cả cử chỉ lẫn thần thái. Những cảnh đắt giá nhất của phim đa phần đến đến từ hai nhân vật này của Nhật Kim Anh. Ngoài ra, vai diễn Tùng của Đông Dương cũng mang đến nhiều bất ngờ cho khán giả. Những chuyển biến tâm lý của anh khá mượt mà, khi phải đối mặt với cả hai chị em Chi và Hoa. Các diễn viên còn lại cũng khá tròn vai.
Trailer phim.
Bộ phim mang hơi hướm tội phạm ở nửa đầu, nhưng chung quy mọi thứ vẫn hướng về cuộc sống gia đình - câu chuyện không của riêng ai.
Ở đây có nắng: Nhẹ nhàng, thầm kín
Trùng hợp thay, bộ phim khép lại năm 2017 của điện ảnh Việt - Khi con là nhà của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng mang đề tài phụ tử, và Ở đây có nắng - bộ phim mở đầu năm 2018 của đạo diễn Đỗ Nam cũng mang đề tài này.
Quý Bình vào vai Tùng Nhân, một MC thành đạt nổi tiếng trong giới showbiz, anh cùng chung sống với cô người yêu Phương Thùy (Quỳnh Chi) tại nhà mình. Mọi chuyện bắt đầu rối rắm khi anh Tùng Nhân biết tin mình có một đứa con rơi với tình cũ. Lúc đầu, Tùng Nhân liên tục đấu tranh với chính mình và với người yêu của mình, rằng có nên nhận Bin (bé Gia Bảo) về nhà nuôi nấng hay không. Mặc dù Phương Thùy không thích chuyện phải sống chung với con riêng của người yêu, và Long (Trương Thành Long), người trợ lý của Nhân cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của anh, nhưng cuối cùng, Tùng Nhân vẫn đón Bin về nhà. Mặc dù chưa từng biết đến sự tồn tại của nhau trước đó, nhưng hai bố con vẫn dễ dàng thân thiết với nhau và cùng nhau tạo dựng những kỷ niệm để bù đắp cho những tháng ngày trước kia.
Trailer phim.
Rắc rối vẫn chưa dừng lại khi Phương Thùy tìm nhiều cách để gieo rắc cho Bin những suy nghĩ rằng nó ở đây sẽ cản trở và gây ảnh hưởng đến ba nó, khiến cậu bé nhiều lần nữa bỏ nhà đi. Khán giả sẽ có nhiều phen xúc động khi chứng kiến Tùng Nhân và cậu con trai chạy khắp mọi ngõ ngách để tìm về với nhau. Cuối phim, những sự thật được hé lộ, nhưng vẫn được hé lộ một cách nhẹ nhàng.
Một điểm đáng chú ý khác của bộ phim, là mối quan hệ giữa Tùng Nhân và Long - người trợ lý cũng là người bạn của Nhân. Ai xem phim cũng có thể dễ dàng nhận ra thứ tình cảm của Long dành cho Nhân vượt xa tình cảm bạn bè, thông qua những cái nhìn mà anh dành cho Nhân và cả việc mà anh chăm lo cho ngôi nhà của Nhân từng chút một. Biên kịch đã cài cắm các tình tiết rất tinh tế, khi trong phim không hề có câu nói hay sự việc nào diễn ra để thể hiện cái tình cảm đó của Long, nhưng khán giả vẫn có thể nhận ra thông qua những phân cảnh mà anh cùng với Nhân và Bin ở cùng với nhau, nó như một gia đình thật sự.
Không biết biên kịch có cố tình hay không, nhưng những nhân vật nữ của phim như Phương Thùy hay người yêu cũ của Nhân được xây dựng khá hời hợt, khiến cho người xem có suy nghĩ rằng Nhân thà là một gia đình với Long còn hơn là với hai người phụ nữ đó, khi Long rất thấu hiểu Nhân và cả Bin. Công bằng mà nói, vai Long là vai đáng chú ý nhất trong cả bộ phim. Một nhân vật trong phim đã nói: “Gia đình không chỉ là sự gắn kết về huyết thống, mà còn là sự gắn kết giữa những tâm hồn.”
Phim có một dàn diễn viên nhí vô cùng đáng yêu. Khi mà tuyến nhân vật người lớn đôi lúc thiếu nhất quán và hời hợt, thì những nhóc tì này chính là những cứu cánh hữu hiệu. Ngoài bé Gia Bảo vào vai Bin, một đứa trẻ sống thiếu tình thương của cha và mẹ chịu cảnh tù tội một cách mượt mà, còn có bé Ngân Chi vào vai một người bạn của Bin ở trại mồ côi, một cô bé vô cùng lí lắc và đáng yêu cùng diễn xuất tự nhiên và dạn dĩ. Về tuyến nhân vật người lớn, chỉ có vai diễn của Trương Thành Long là tròn trịa, nhân vật Tùng Nhân của Quý Bình đôi khi lại hơi lố và thiếu nhất quán trong suy nghĩ và hành vi. Một số nhân vật khác tưởng chừng sẽ tác động nhiều đến cốt truyện, nhưng lại biến mất lúc nào không ai hay.
Phim có một cái kết mở nhưng lại không mở, vì khán giả có thể đoán được những gì sẽ diễn ra tiếp theo khi credit đã bắt đầu chạy. Dù có thể có nhiều sạn, nhưng Ở đây có nắng vẫn là bộ phim mang nhiều thông điệp về gia đình và tình yêu thương.
Cùng được khởi chiếu vào ngày 12/01/2018, một phim có nhãn kiểm duyệt C18, một phim có nhãn P, hai bộ phim này mang chung một nhiệm vụ là mở màn cho một năm mới của điện ảnh Việt. Có khen, có chê, nhưng chúng cũng thể hiện được rằng phim Việt đang dần đi đúng hướng và đáp ứng được thị hiếu của nhiều khán giả.