Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Cái chết của Phú Sát Lang Hoa: Tấn bi kịch được đẩy đến tận cùng của phận nữ nhân trong cung cấm!

Có lẽ cái chết của nàng Phú Sát Hoàng hậu, dù nhẹ nhàng, nhưng đích thực là một trong những cái chết gây nhiều ám ảnh nhất xuyên suốt "Hậu cung Như Ý truyện".

Đến tập 38 của Hậu cung Như Ý truyện, cuộc đời của nàng đã đi đến hồi kết thúc, Phú Sát Lang Hoa. Một cuộc đời nhiều tiếc nuối, có những lúc vinh quang tột cùng, nhưng để đạt được đến vinh quang ấy, là nước mắt chan hòa với máu để nàng đạt được, cuộc đời của nàng được trải dài bằng máu và niềm đau của biết bao nữ nhân khác. Đến cuối cuộc đời nàng, rốt cuộc là đáng thương hay đáng hận, vẫn để cho khán giả mỗi người theo đuổi một suy nghĩ riêng.

Tên nàng là Lang Hoa, Lang quỳnh phúc địa, nữ trung quang hoa, nhưng hắn có bao giờ nhớ chăng? Xuất thân từ đại thế tộc Phú Sát thị, thuộc Mãn Châu Tương Hoàng kì, có thể nói xuất thân của nàng là thập phần cao quý mà dường như chỉ có Ô Nạt La Nạp thị của Như Ý có thể đặt lên bàn cân so sánh. Tất cả các nữ nhân khác trong hậu cung Càn Long thời điểm ấy không ai có xuất thân và địa vị trong xã hội Mãn Thanh cao như Lang Hoa.

Cũng cần phải nói thêm một chút về cái tên của nàng. Hai chữ Lang Quỳnh (琅嬛), có âm khác Lang Hoàn, là tên của 1 thư viện trên thiên đình theo truyền thuyết. Ở đây phiếm chỉ “phúc địa” nơi chốn thần tiên đến đọc sách. Còn cụm “Nữ trung quang hoa” (女中光华), lại có 2 tầng nghĩa:

Thứ nhất: là ám chỉ chữ Hoa trong cái tên Lang Hoa (琅嬅), chữ Hoa trong tên này có chữ Nữ 女 thêm vào như 1 bộ thủ, ngầm ý Hoa trong giới nữ lưu. Thứ hai, bản thân Quang hoa còn có nghĩa từ trong câu Nhật nguyệt quang hoa, đán phục đán hề (日月光华,旦复旦兮). Bài ai tế Nam triều Tề Kính hoàng hậu của Tạ Thiểu có câu đề thán Quang hoa chiểu chỉ, vinh diệu trung cốc [光华沼沚,荣曜中谷]. Và cuối cùng, Quang hoa đồng nghĩa với Quang mang (光芒), chỉ tia sáng lóe lên. Trong bài Vịnh hoài của nhà thơ thời Tam Quốc Nguyễn Tịch có đoạn: “Sắc dung diễm tư mĩ, Quang hoa diệu khuynh thành” (色容艳姿美,光华耀倾城).

Như vậy, có thể thấy, trong số khuê danh của các hậu phi của Càn Long đế, không có khuê danh nào có thể sánh với Phú Sát Lang Hoa về ý nghĩa. Một cái tên chứa vào trong đó quá nhiều niềm mong ước, điềm lành, xứng đáng với vị thế mẫu nghi thiên hạ của nàng. Tuy nhiên, ngay từ trong chính khuê danh của nàng, đã tiềm tàng những sợi xích trói buộc, những bức tường vô hình cùng những kì vọng và áp lực đè nặng lên vai ngay từ đầu.

Cả đời người, nàng chưa bao giờ phải nếm trải vị trí thứ thất, chưa bao giờ danh vị của nàng lại chịu đặt sau một nữ nhân nào khác. Trong quan niệm xã hội xưa, khi người đàn ông, từ Hoàng đế đến dân thường, đều có quyền lập tam thê tứ thiếp, thì vị trí của người vợ chính thất vẫn là quan trọng nhất, tất cả các bậc thê thiếp khi được nạp về nhà chồng đều phải ra mắt và nhận được sự đồng thuận của người vợ chính thất. Dù nhìn nhận dưới nhãn quan hiện đại, đó vẫn là một sự bất công với người phụ nữ, nhưng âu ở xã hội phong kiến đương thời, vị trí và vai trò của người vợ cả - chính thê vẫn là danh chính ngôn thuận và là cao nhất, được nhận mọi đãi ngộ tốt nhất từ phu quân (dù không phải lúc nào cũng diễn ra đúng như trên lí thuyết).

Lúc còn ở Bảo Thân vương Phủ, nàng là Đích Phúc tấn do đích thân tiên đế chỉ hôn cho Ái Tân Giác La Hoằng Lịch. Tuy nhiên, nàng có hạnh phúc vào lúc ấy không? Chắc chắn là không, làm sao có thể hạnh phúc được khi vị trí Đích Phúc tấn của nàng được ban do sự suy sụp của dòng họ Ô Lạt Na Lạp thị, cùng với màn “rớt đài” của Cảnh Nhân cung Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp Nghi Tu? Chắc chắn suốt những năm tháng ở tiềm để, nàng là người luôn ám ảnh với ngôi vị Đích Phúc tấn nhất, bởi vì nàng, cũng như các nữ nhân khác, đều tận mắt chứng kiến ngôi vị Đích Phúc tấn kia vốn dĩ ban đầu đã được ban cho Ô Lạt Na Lạp Thanh Anh. Với một nữ nhân mà nói, đây là một trong những nỗi nhục nhã không bút mực nào kể xiết. Thử hỏi làm sao nàng có thể bình tĩnh, làm sao nàng có thể không hận, làm sao nàng có thể không nghi kị Thanh Anh?

Khi Tứ A ca kế thừa đại thống, nàng là chân chính Đại Thanh Hoàng hậu, là mẫu nghi thiên hạ, nhất quốc chi mẫu, chủ vị Trường Xuân cung. Gia tộc hiển hách, phượng tọa vững vàng. Từ hậu cung đến tiền triều, không ai không kính ngưỡng, tôn trọng và quỳ gối trước phượng tọa Trường Xuân cung. Trừ Hoàng Thái hậu ra, có nữ nhân nào trên khắp thiên hạ có thể nhận được vị phân tối cao như nàng? Là Hoàng hậu đầu tiên của Càn Long đế, đất nước lại đang trải qua thời kì cực thịnh của thời đại Khang - Càn thịnh thế nức tiếng trog lịch sử.

Và đó chính là khi áp lực của nàng được đẩy lên đến đỉnh điểm. Một đôi vai gầy nhỏ bé, một bên gánh vinh quang của toàn tộc Phú Sát thị, một bên trĩu trách nhiệm với Hoàng tộc Ái Tân Giác La thị. Một bên phải duy trì vinh quang và vị thế của mẫu tộc từ triều đình đến hậu cung, một bên ra sức gìn giữ bộ mặt Hoàng thất, cai quản hậu cung, giúp cho Hoàng tộc khai chi tán diệp.

Với thân phận người vợ cả, có ai vui vẻ khi thấy phu quân kết tóc của mình lên giường cùng nữ nhân khác? Bề ngoài nàng luôn đoan trang huệ hạ, ôn nhu cẩn trọng nhưng khi về đến tẩm điện Trường Xuân cung hằng đêm, bao nhiêu nước mắt đã rơi? Bao nhiêu đêm trắng mất ngủ vì thao thức chờ phu quân?

Nỗi lo về con cái của nàng tiếp tục là một nỗi ám ảnh, có thể xem là một cơn ác mộng đeo bám dai dẳng suốt cuộc đời nàng. Vì sao các nàng ta lại có con? Các con của nàng ta sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Vĩnh Liễn và Vĩnh Tông mất! Không, ta sẽ không bao giờ để cho các nàng được toại nguyện. Và khi lần lượt mất đi hai người con trai, nỗi đau ấy có thể ví như một con dao xuyên thẳng vào trong tim của nàng. Dù có là Hoàng hậu cao quý tột cùng, nhưng trong trái tim, nàng vẫn là một người mẹ kia mà?

Thế nhưng, cho đến tận cuối cuộc đời, dưới con mắt phu quân, người đã kết tóc từ thuở thiếu thời, nàng bất lắm cũng chỉ là một danh vị, là Đích Phúc tấn, là Hoàng hậu và là Hiếu Hiền Hoàng hậu. Cho đến tận khi nàng nhắm mắt, người đời chỉ nhìn nàng bằng chính cái danh vị cao cao tại thượng, tột đỉnh vinh quang mà nàng đạt được, chứ có mấy ai sẵn sàng thấu cảm với con người thật của nàng. Nàng là Đại Thanh Hoàng hậu, đúng như thế, nhưng tận sâu trong con tim, nàng vẫn là Phú Sát Lang Hoa. Có vẻ như đã lâu, rất lâu rồi, Càn Long đã chẳng gọi nàng bằng khuê danh Lang Hoa nữa. Danh vị mà Hoàng đế gọi nàng, nghe thì cao sang tột cùng, nhưng lạnh lẽo và không có chút cảm xúc thân mật nào. Vì sao hắn có thể gọi Quý phi, Mai Tần, Nghi Quý nhân,… nhưng chỉ duy nhất Nhàn Phi hắn không gọi, mà chỉ âu yếm hai chữ Như Ý? Là vì sao? Là do nàng không tốt? Là do nàng không thấu hiểu được hắn? Hay vì nàng đã luôn làm sai ngay từ đầu?

Ngày nàng mất, Càn Long đau thương cực độ, tổ chức lễ tang cho Hoàng hậu long trọng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử Thanh triều. Tang nghi rình rang, hoa lê đái vũ, điếu văn long trọng, thụy hiệu dông dài đủ đầy mỹ tự rốt cuộc là cho nàng hay là cho thiên hạ thấy? Cái thụy hiệu Hiếu Hiền Hoàng hậu mà đích thân Hoàng đế ban cho, liệu có mấy phần thành ý? Hay tất cả chỉ là một cuộc phù du ảo mộng, để cho thiên hạ được dịp ngưỡng mộ cái “tình cảm” Đế - Hậu thâm sâu đến… lạnh người? Cái tình cảm của bậc đế vương dành cho hậu phi, ngẫm mà không khỏi rùng mình.

Hoàng hậu, đời này người đã quá khổ rồi… Kiếp sau, nguyện mong nàng chỉ là một nữ tử bình thường, gả vào nhà một phu quân yêu thương nàng hết mực, và sớm chiều đều chỉ âu yếm gọi khuê danh của nàng trong muôn vàn cảm xúc trìu mến.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Minh Khôi

Được quan tâm

Tin mới nhất