Lấy bối cảnh những năm 50 của thế kỉ 20, bộ phim ghi lại từng sự kiện trong cuộc hành trình từ quê hương đến thành phố New York của một cô gái trẻ người Ailen. Eilis Lacey đã bỏ lại gia đình mình và cố gắng kiếm tìm hạnh phúc ở một xứ sở xa lạ. Với phần kịch bản chân thực và sắc sảo của Nick Hornby cùng diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên chính đã tạo ra một bộ biên niên sử thu nhỏ về tình yêu, sự mất mát và ý niệm về hai tiếng “gia đình” đầy sức lay động.
Hoa Kỳ là quốc gia được thành lập bởi những người nhập cư. Dù cho nền văn hoá của quốc gia này đã tạo ra được những bản sắc riêng thì cội rễ của mỗi thành tố cấu tạo nên nó vẫn bắt nguồn từ rất nhiều nơi và vùng lãnh thổ khác nhau. Đã có hàng trăm câu chuyện được kể lại, nhưng một câu chuyện chi tiết và sống động như cách đạo diễn John Crowley đã làm trong bộ phim hài hước, truyền cảm với tên gọi Brooklyn là một trường hợp hiếm gặp.
Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Colm Toibin, Brooklyn xoay quanh cuộc đời của Eilis Lacey (do Saoirse Ronan thủ vai). Cuộc sống của cô tại Ailen là một chuỗi ngày mờ nhạt và tù túng với nguồn thu nhập duy nhất đến từ công việc vào ngày Chủ nhật tại cửa hàng tạp hoá. Eilis cũng không có chút khái niệm nào về tình yêu hay sự lãng mạn. Sau những đấu tranh tâm lý, gia đình một người bạn thân đã sắp xếp cho cô nhập cư vào New York, sẵn sàng cho sự nghiệp và nơi ăn chốn ở trong khu nhà trọ cùng rất nhiều phụ nữ trẻ từ Ailen khác. Tuy có chút ăn năn vì đã bỏ lại người chị gái duy nhất cùng trách nhiệm phụng dưỡng mẹ già, Eilis vẫn sẵn sàng rũ bỏ mọi thứ và ra đi. Đơn giản, vì cô không nhìn thấy mình còn lại gì ở mảnh đất quê hương kia nữa.
Một cách đáng ngạc nhiên, đạo diễn John Crowley không tìm cách cường điệu chuyến hành trình đến xứ sở trong mơ của Eilis. Những ngày tháng lênh đênh trên biển của cô rực rỡ và đầy sức sống, đôi lúc còn pha lẫn tiếng cười, như cái cách cô nhìn thấu tương lai mình qua hình ảnh người bạn Ailen cùng phòng (cô gái này nói với Eilis mình đang trở lại Mĩ, và phát ốm nếu phải quay lại Ailen một lần nữa). Eilis cô đơn và lạc lõng, nhưng người bạn của cô cư xử như một người dẫn đường đáng tin cậy, trang bị cho cô những điều cần thiết trong công cuộc hoà nhập với nước Mỹ sắp diễn ra.
Khi đã đặt chân tới New York, Eilis nhanh chóng ổn định cuộc sống của mình trong ngôi nhà chung. Dù ban đầu còn nhút nhát và im lặng, cô dần thoát ra khỏi cuộc sống khép mình sau cuộc gặp gỡ một chàng trai người Ý tên Tony (do Emory Cohen thủ vai), người vốn có cảm tình đặc biệt với các cô gái Ailen. Đứng đắn, nghiêm chỉnh nhưng không quá cứng nhắc, Tony nhanh chóng tạo được ấn tượng tốt trong mắt Eilis và hai người họ đã phải lòng nhau trong một mối tình ngọt ngào và chân thành. Nhưng một sự việc bất ngờ xảy ra đã buộc Eilis phải lập tức quay trở về Ailen. Cô mắc kẹt giữa hai phần đời đối lập và buộc phải đưa ra quyết định khó khăn: Nơi nào là nhà?
Nửa đầu của Brooklyn diễn ra một cách trôi chảy. Crowley đã ghi lại sự ra đi của Eilis cũng như bước chân đầu tiên của cô đến Brooklyn bằng một sự đồng cảm khó cưỡng. Nó khiến cho khán giả xem phim cảm thấy bản thân họ đang đắm chìm trong những xúc cảm của Eilis mà không hề nhận ra bộ phim đang trôi đi trước mắt.
Khi Eilis nhận được những lá thư gửi từ gia đình, nội dung mỗi bức thư chỉ đơn giản là chị gái cô tóm tắt lại những sự kiện chính xảy ra ở Ailen sau khi em gái rời đi. Nhưng cách cô tiếp nhận những thông tin ấy lại khiến người xem không thể kìm lòng. Eilis khao khát những mối dây liên kết cô với quê hương mình, và cô đã tìm thấy nó trong lá thư vắn tắt thảo bằng những con chữ vô cảm. Tất nhiên, bộ phim cũng có một lượng vừa đủ những tình tiết gây cười, chủ yếu được tạo nên từ màn tung hứng qua lại giữa những cô gái trẻ ở nhà trọ và bà chủ nhà nghiêm khắc nhưng đầy tinh tế Kehoe - được nữ diễn viên Julie Walters thể hiện vô cùng sống động.
Diễn xuất sáng chói của Ronan trong bộ phim này không gây nhiều bất ngờ cho những người thường xuyên dõi theo sự nghiệp của cô. Nhưng quả thực, với Eilis, Ronan đã tạo ra điều kỳ diệu. Eilis của Ronan là một cô gái vừa ngây thơ non nớt nhưng cũng vô cùng cẩn trọng và chín chắn. Ronan biết chọn chính xác thời điểm để đẩy cảm xúc của nhân vật ra bên ngoài, cũng như những khoảnh khắc cần giấu kín chúng bên dưới vẻ bình thản khó xét dò. Bên cạnh Ronan, nam diễn viên Domhnall Gleeson cũng rất xuất sắc trong việc lột tả chân dung một chàng trai trẻ sống ở quê hương của Eilis, và Jim Broadbent cũng có một màn thể hiện tuyệt vời trong vai người mục sư đã giúp Eilis đến được châu Mỹ.
Nếu Ronan là điểm sáng, thì màn trình diễn đột phá trong Brooklyn thuộc về chàng Emory Cohen trẻ tuổi. Cho đến hiện tại, bộ phim lớn nhất trong sự nghiệp anh từng tham gia là The Place Beyond the Pines. Nhưng với Tony, khán giả sẽ được thấy từ Cohen một diện mạo mới. Nhân vật này là mẫu chàng trai Ý truyền thống không giống bất kì khuôn mẫu nào - anh giống như một thiên tài, một người đàn ông thực thụ, ngọt ngào và chu đáo, và hơn tất thảy, thực sự yêu đội bóng chày Brooklyn Dodgers. Sự hoà hợp của anh với Ronan là vô cùng đặc sắc cho bộ phim này - một mối quan hệ đầy đam mê nhưng cũng vô cùng phức tạp.
Phần hình ảnh của Yves Bélanger vô cùng tuyệt vời, bắt đầu từ những khung cảnh u ám của Ailen, và sự đối lập của khung cảnh ấy với những khuôn hình bùng nổ màu sắc khi Eilis lần đầu tiên đặt chân tới New York. Sau này, khi Eilis quay trở lại Ailen, cô cũng mang theo mình một chút sắc màu tươi mới cho vùng đất ấy, càng tô đậm thêm cảm giác của một người phụ nữ bị mắc kẹt giữa hai thế giới.
Để kể lại một câu chuyện mà ai cũng biết, nhưng khiến họ một lẫn nữa đồng cảm được với nhân vật, là một thử thách khó. Nhưng Hornby và Crowley, bằng một kịch bản sâu sắc và sự chỉ đạo diễn xuất tinh tường đã kết hợp với nhau để tạo ra một trong những câu chuyện về người nhập cư giàu cảm xúc nhất từng xuất hiện. Giờ đây, trải nghiệm của Eilis đã trở thành trải nghiệm của chính những khán giả theo dõi cô qua màn ảnh.
Tuy sự mãnh liệt đã mờ phai ít nhiều trong nửa cuối của bộ phim, những tình cảm bị kìm nén giữa các nhân vật vẫn tồn tại bền vững, biến bộ nó thành một phát bắn xuyên tim những người từng xem nó. Brooklyn, không nghi ngờ gì nữa, chính là một trong những tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất 2015.