Đã lâu lắm rồi khán giả mới được chứng kiến một cơn sốt cao độ trên sóng truyền hình như Sống chung với mẹ chồng. Xoay quanh câu chuyện làm dâu muôn thuở nhưng với góc nhìn mới mẻ, cốt truyện hấp dẫn cùng dàn diễn viên ăn ý, tung hứng nhịp nhàng, bộ phim gây được tiếng vang lớn ngay từ những tập đầu tiên.
Theo như phần giới thiệu đầu phim, kịch bản Sống chung với mẹ chồng được dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả Trung Quốc Phù Thủy Dưới Đáy Biển (tên thật là Giả Hiểu). Bộ tiểu thuyết từng gây sốt vì khi xây dựng mối bất hòa giữa mẹ chồng - nàng dâu một cách gay gắt. Truyện xoay quanh cuộc sống của Hy Lôi - cô gái trẻ hậu đậu và thẳng thắn và cuộc sống mới tại nhà chồng, Hứa Bân. Mẹ chồng cô - bà Phương Xảo Trân là một người phụ nữ đảm đang, giỏi lo toan chuyện gia đình nhưng kỹ tính và hay xét nét. Cuộc sống của Hy Lôi bỗng chốc thành “địa ngục” vì mẹ chồng săm soi từng li từng tí, can thiệp quá đà vào chuyện vợ chồng và thường đối xử bất công với con dâu.
Trong những tập vừa qua, khán giả để ý thấy I bám khá sát nguyên tác Trung Quốc. Từ đây, nhiều câu hỏi được đặt ra, liệu bộ phim có kết thúc giống với cuốn tiểu thuyết gốc? Saostar đã có cuộc trò chuyện với nữ biên kịch Đặng Thiếu Ngân để tìm hiểu rõ hơn về chuyện này.
“Nếu các cô gái xem phim xong sợ đến mức không dám lấy chồng thì tôi nghĩ tôi đã quá thành công”
Gặp Đặng Thiếu Ngân vào một buổi chiều giữa tháng 4, khi thời tiết Hà Nội chớm bước vào những ngày oi ả, chúng tôi khá bất ngờ trước sự trẻ trung, năng động của chị. Với mái tóc cắt ngắn, màu son đỏ tràn đầy năng lượng, chị vui vẻ kể về mối duyên với bộ phim này.
Đặng Thiếu Ngân không phải người nảy ra cảm hứng viết kịch bản phim này, chị nhận được lời mời từ VFC về dự án phóng tác cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Trung Quốc thành phim truyền hình Việt sao cho phù hợp với khán giả trong nước. Sau khi tìm đọc nguyên tác và thấy hấp dẫn, thú vị nên chị vui vẻ nhận lời. Vốn xuất thân là người làm báo, dù giờ chuyển sang lĩnh vực PR nhưng Đặng Thiếu Ngân vẫn dành tình yêu lớn cho viết lách. Mất một thời gian nữa nghiền ngẫm, cuối cùng kịch bản cho bộ phim dài 32 tập cũng ra đời.
Nữ biên kịch cho biết sau khi bộ phim ra mắt và tạo thành cơn sốt, chị rất vui và cũng có chút bất ngờ. Nhưng bên cạnh đó cũng có một số người không hiểu nên nói chị “ăn cắp” ý tưởng từ truyện Trung Quốc, dù phần đầu phim đã giới thiệu rất rõ ràng. Khi hỏi về chuyện kết thúc phim bị lộ, Đặng Thiếu Ngân cười giòn tan, nhấp ngụm trà rồi từ tốn chia sẻ.
“Đúng là bộ phim Sống chung với mẹ chồng dựa trên cuốn tiểu thuyết nước ngoài, nhưng phim không phải là chuyển thể, không dựa theo 100% tình tiết trong truyện để đưa lên phim, mà chỉ là phóng tác, tức lấy cảm hứng từ đó, rồi thêm thắt các tình huống, biến đổi sao cho hợp với khán giả Việt Nam. Công sức của cả một ê-kíp, đâu có thể để kết cục bị lộ một cách dễ dàng đến như vậy. Đến giờ phút này, tôi chỉ có thể chia sẻ với khán giả là, các bạn hãy cứ an tâm xem phim, vì những chuyện hấp dẫn, bất ngờ chỉ mới vừa bắt đầu mà thôi”.
Hỏi Đặng Thiếu Ngân về chuyện bộ phim do chị biên kịch khiến dư luận sục sôi, trong đó có luồng ý kiến không nhỏ cho rằng “các cô gái trẻ không dám lấy chồng vì xem phim”, chị ồ lên thích thú. “Nếu các cô gái xem phim xong sợ đến mức không dám lấy chồng thì tôi nghĩ tôi đã quá thành công”, chị hóm hỉnh chia sẻ.
Kể cũng đúng thật. Với những người làm nghệ thuật, cho ra đời một tác phẩm mà nó có ảnh hưởng to lớn, sâu rộng đến nhân sinh quan của khán giả, thì đó cũng là một thành công lớn. “Nhưng tôi nghĩ nhiều người nói kiểu cho vui thôi, chứ bây giờ người yêu quỳ gối cầu hôn, chắc chẳng ai từ chối vì… hôm qua em lỡ xem Sống chung với mẹ chồng đâu nhỉ”, chị vui vẻ trả lời.
“Có người xem xong phim sợ lấy chồng, thì chắc chắn cũng có người vì xem phim mà thấy hạnh phúc với cuộc sống làm dâu”
Cũng đã làm vợ, làm mẹ, làm con dâu, nhưng Đặng Thiếu Ngân không phải “sống chung với mẹ chồng”, do chồng chị là người Hàn Quốc. Với đặc thù nghề nghiệp phải đi nhiều nơi, đọc nhiều sách, xem nhiều tài liệu, gặp nhiều người, nữ biên kịch xinh đẹp tích lũy cho mình được khá nhiều kinh nghiệm sống. Nhưng chị khẳng định, chị không “áp dụng” quá nhiều trải nghiệm cá nhân của mình vào phim, bởi “Nếu tôi mang chuyện làm dâu của mình để viết thành kịch bản phim thì chắc còn hấp dẫn hơn cả Sống chung với mẹ chồng”. Đằng sau ánh mắt lấp lánh là niềm vui, hân hoan của người phụ nữ đang bước vào độ tuổi chín chắn, hấp dẫn nhất khi nhắc về gia đình, chồng con, và cả mẹ chồng.
“Có người xem xong phim sợ lấy chồng, thì chắc chắn cũng có người vì xem phim mà thấy hạnh phúc, thêm yêu mẹ chồng, vì cuộc sống làm dâu của mình quá tốt đẹp so với trong phim. Rồi mẹ chồng - con dâu cùng nhau xem phim mỗi tối, ồ lên với nhau rằng: “Đấy, mẹ chồng người ta quá quắt thế kia, mẹ chồng mình hiền lành tâm lý thế này”, thế có phải lại càng yêu thương nhau thắm thiết, gắn kết tình cảm gia đình không. Vậy nên các bạn gái đừng vội quá bi quan sau khi phim lên sóng”.
Chị cũng cho biết bản thân lường trước luồng ý kiến tiêu cực của khán giả vì cho rằng phim cường điệu, làm quá. “Những câu chuyện làm dâu trong phim, bạn không nhìn thấy, không gặp không có nghĩa là không có, nên trong phim không có gì là làm quá cả. Còn về việc cường điệu, đến phim tài liệu còn cần đến sự sắp xếp, dàng dựng, huống hồ là phim truyền hình dài đến 32 tập”.
Hỏi Đặng Thiếu Ngân về việc điều gì là mấu chốt khiến bộ phim tạo nên cơn sốt mạnh mẽ đến vậy, chị trả lời không chút ngần ngại: “Đó là lực lượng chị em phụ nữ quá đông đảo. Khán giả xem phim, ai chẳng là con dâu, hoặc sẽ lấy chồng trong vài tháng, vài năm nữa. Dù bộ phim không lột tả được hoàn toàn cặn kẽ về cuộc sống làm dâu, nhưng tôi mong các cô gái, các nàng dâu có thể tự tránh những mâu thuẫn kiểu trên phim, để giúp bản thân cũng như xây dựng mối quan hệ gia đình tốt hơn”. Bỗng dưng một câu thoại trong phim như vang lên: “Hãy coi mẹ Thanh như mẹ đẻ, đừng ấn định đó là mẹ chồng”. Nếu như ai cũng nhớ, và áp dụng thành công câu nói này trong cuộc sống thực, có phải chuyện làm dâu sẽ chẳng còn khủng khiếp, đáng sợ như trên phim?