Được ra mắt lần đầu trong Amazing Fantasy vol 1 #15 vào tháng 8 năm 1962, bằng ngồi bút sáng tạo đầy tài hoa của 2 nhà văn vĩ đại: Steve Ditko và Stan Lee, nhân vật Peter Parker - Spider-Man ngay lập tức đã thổi bùng 1 làn gió mới trong làng truyện tranh thời đó.
Trong suốt nhiều năm, Spider-Man đã trở thành con gà đẻ trứng vàng cho Marvel Comics, đồng thời trở thành 1 trong những siêu anh hùng nổi tiếng nhất, danh giá nhất, phổ biến nhất và được yêu thích nhất mọi thời đại. Nhất là trong thời kỳ mà nền điện ảnh, truyền hình vẫn còn chưa phát triển, chỉ riêng mình chàng Nhện cũng đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho Marvel rồi. Tuy nhiên, sau đó thì tình hình bắt đầu có dấu hiệu chuyển biến nhẹ.
Từ những năm 1970, Marvel bắt đầu chuyển sang làm phim (truyền hình và điện ảnh) từ chất liệu là nguồn siêu anh hùng cực phong phú của mình. Tuy nhiên, tình hình không mấy sáng sủa cho lắm, thậm chí còn phải cạnh tranh gay gắt với những đối thủ khác như DC. Vào năm 1986, bộ phim điện ảnh chiếu rạp duy nhất khi đó của Marvel là Howard The Duck bị thua lỗ nặng. Nhiều dự án phim chuyển thể truyện tranh siêu anh hùng lên màn ảnh cũng rơi vào tình trạng thất thu, thảm hại cả về mặt doanh thu lẫn chuyên môn, hoặc không mấy khả quan. Lý giải điều này, nhà nghiên cứu Sean Howe đã đề cập trong cuốn sách Marvel Comics: Untold Stories rằng: công nghệ phim ảnh còn chưa phát triển, còn kinh phí đưa các siêu anh hùng lên phim thì lại quá cao dẫn tới sự thất bại của Marvel.
Đến giữa những năm 1990, Marvel lâm vào khủng hoảng tài chính nặng nề. Năm 1993, thị trường truyện tranh Bắc Mỹ bị đưa vào thế cung vượt cầu, khiến hàng loạt hãng truyện tranh phải điêu đứng. Doanh thu bán hàng của Marvel sụt giảm hơn 70% khiến hãng thua lỗ và mắc nợ nghiêm trọng; cổ phiếu của hãng trị giá 35,75 USD từ năm 1993 giảm xuống còn 2,38 USD trong 3 năm sau đó. Năm 1998, để có thể tồn tại, Marvel buộc phải sáp nhập với công ty truyện tranh ToyBiz, lấy tên mới là Marvel Entertainment. Sau đó, CEO của ToyBiz lúc bấy giờ là Avi Arad đã được ban lãnh đạo công ty mẹ chỉ định làm Giám đốc kinh doanh của Marvel Entertainment. Trong suốt giai đoạn từ năm 1996 đến 2006, Avi đã nắm giữ vị trí chủ tịch, CEO và nhà sáng lập Marvel Studios.
Để cứu vãn tình hình, Avi Arad đã quyết định làm 1 điều bất đắc dĩ mà sau này nó lại trở thành vật cản đường Marvel Studios, nhưng không còn cách nào tốt hơn để cứu công ty khỏi bị phá sản khi đó: Bán bản quyền hình ảnh nhân vật. Theo đó, X-Men và Fantastic Four về tay 20th Century Fox, Spider-Man và Ghost Rider về tay Sony, The Hulk về tay hãng Universal còn Blade thì về tay New Line Cinema. Nắm bản quyền Spider-Man trong tay, Sony đã tạo nên huyền thoại Spider-Man Trilogy, gặt hái rất nhiều giải thưởng danh giá bao gồm cả Oscar, đem lại lợi nhuận hàng tỷ đô (trong khi Marvel chỉ được chia vài chục triệu).
Trước thành công của Spider-Man Trilogy và X-Men series, Marvel Studios đã thức tỉnh, vươn lên trở thành ông vua phòng vé sau 17 năm dài đằng đẵng, đồng thời cũng dần lấy lại được toàn bộ bản quyền nhân vật mà mình đã bán. Tuy nhiên, họ vẫn chẳng thể lấy lại con gà đẻ trứng vàng: Spider-Man từ Sony, dù tiếc hùi hụi. Mặc dù vấp phải sự thất bại sau khi chiếu The Amazing Spider-Man 2, chàng Nhện vẫn đem lại lợi nhuận khổng lồ cho Sony trong nhiều lĩnh vực bao gồm cả thị trường game. Vì thế, Sony nhất quyết không bao giờ dại dột mà nhượng bản quyền lại cho Marvel.
Tuy nhiên, điện ảnh vẫn là 1 thị trường thu lợi tiềm năng, 1 thị trường mà Sony không thể không thèm muốn. Nhận thấy thành công của vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU), Sony đã chấp thuận cho phép Spider-Man gia nhập vũ trụ điện ảnh này, trong đó có nhiều điều khoản bắt buộc. Trong ba năm qua, hai bên đã đạt thỏa thuận rằng Disney sẽ nhận 5% doanh thu cho mỗi phim Spider-Man do Sony cùng Marvel Studios hợp tác sản xuất, còn phim team-up thì sẽ là 100%. Ngoài ra, Disney cũng được phép thu toàn bộ lợi nhuận khác ngoài tiền phòng vé như đồ chơi, sản phẩm ăn theo, doanh thu quảng cáo của các nhãn hàng - 1 nguồn doanh thu được cho là cũng rất khổng lồ. Theo 1 số tin đồn, Sony cũng sẵn sàng trả thêm 1 khoản tiền chưa được tiết lộ cho Disney.
Nhờ thế, Spider-Man của Tom Holland đã đem lại lợi nhuận vô cùng lớn cho Sony. Việc họ khai thác Spider-Man cũng đã có nhiều biến chuyển, khi Spider-Man PS4 đã thành công trong thị trường game còn bộ phim hoạt hình Spider-Man: Into The Spider-Verse đã đem về cho họ 1 giải Oscar danh giá.
Tuy nhiên, mới đây thì rắc rối lại nổ ra 1 lần nữa, khi rất có khả năng rằng Spider-Man sẽ phải rời khỏi MCU. Điều này là do cả 2 bên Disney và Sony không thể đạt được những thỏa thuận chung sau chuỗi thành công trong thời gian vừa qua.
Theo các nguồn tin, việc chia tách này xảy ra là bởi vấn đề về mặt tiền bạc. Disney muốn lập ra thỏa thuận mới, với yêu cầu chia đều việc góp vốn kinh phí làm phim là 50/ 50 cho cả 2 hãng, đồng thời theo nhiều nguồn tin thì họ còn muốn nâng mức lợi nhuận mà họ nhận được (dù điều này còn chưa được làm rõ). Tuy nhiên, Sony đã từ chối và đề nghị đưa ra 1 con số khác, muốn giữ nguyên những điều khoản ban đầu. Dĩ nhiên, con số đó đã không làm vừa ý nhà Chuột và cả 2 bên vẫn chưa có dấu hiệu sẽ quay trở về bàn đàm phán.