Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Bạn có biết rằng, ngày này 252 năm về trước, Na Lạp Hoàng hậu - Nhàn Phi đã qua đời?

Liệu bạn có biết được những thông tin đầy bí ẩn đằng sau Kế Hoàng hậu, vị Hoàng hậu bí ẩn bậc nhất Thanh triều?

Dù bạn là fan của Như Ý truyện hay mê mẩn Diên Hi công lược, thì chắc chắn bạn không thể nào không biết nhân vật Nhàn Phi - Kế Hoàng hậu. Trong phiên bản Như Ý truyện, nhân vật lịch sử này được thể hiện dưới cái tên Ô Lạt Na Lạp Thanh Anh rồi sau đó đổi thành Ô Lạt Na Lạp Như Ý, do “đại hoa đán” Châu Tấn thủ vai. Ở Diên Hi công lược, nữ diễn viên kì cựu của TVB Xa Thi Mạn, là người thể hiện nhân vật này dưới cái tên Huy Phát Na Lạp Thục Thận.

Quả thật, với một cuộc đời đầy thăng trầm cùng một kết cục thập phần bi thương, phải những nữ diễn viên thực lực như Châu Tấn hay Xa Thi Mạn mới có thể truyền tải trọn vẹn được về hình ảnh nhân vật này. Ô Lạt Na Lạp Như Ý của Châu Tấn xuất phát điểm là một nữ nhi đơn thuần, yêu say đắm phu quân, trải qua nhiều sóng gió mà tình cảm hai bên dần lạnh nhạt, tuy nhiên nàng vẫn không thể nào quên một đoạn giai thoại tuổi trẻ, và cuối cùng chính tình cảm ấy là liều thuốc độc kết liễu chính cuộc đời của nàng.

Huy Phát Na Lạp Thục Thuận của Xa Thi Mạn khởi đầu là một phi tần an phận thủ thường, cự tuyệt với tranh chấp và thị phi, tuy nhiên trải qua biến cố và chấn động lớn, đã dần dà trở nên ác độc, ra tay sát phạt quyết đoán, tuy nhiên vẫn khắc cốt ghi tâm một tình yêu với Hoàng đế. Rõ ràng, dù ở “vũ trụ điện ảnh” nào, cả hai đều có kết cục thê lương, đều vì chữ “tình” của bậc đế vương mà mất mạng. Tuy nhiên, tất cả chỉ đang tạm dừng ở vị trí một bộ phim, thế còn trong lịch sử thật sự thì sao?

Kế Hoàng hậu qua đời vào ngày 19 tháng 8 1766, nhằm ngày âm lịch 14 tháng 7 năm Bính Tuất. Như vậy, hôm nay 24/08/2018 (14 tháng 7 năm Mậu Tuất) chính là ngày kỵ của bà sau 252 năm.

Từ Bảo Thân vương Trắc Phúc tấn đến Nhàn Phi…

Lưu ý, đây là những ghi chép và thông tin từ trong lịch sử, nếu thấy khác biệt so với phim thì đừng trách sử làm… sai mạch phim mà hãy suy nghĩ vì sao nhà sản xuất lại phải bẻ lái lịch sử như thế!

Thanh Cao Tông Kế Hoàng hậu trước đây hay bị nhầm lẫn xuất thân từ tộc Ô Lạt Na Lạp thị, tuy nhiên đúng ra bà xuất thân từ tộc Huy Phát Na Lạp thị, thuộc Mãn Chân Tương Lam kỳ (thuộc về Hạ Ngũ kì chứ không được xếp vào Thượng Tam kì danh giá). Trong lịch sử, để cho tiện hơn cũng như mang tính chính xác cao hơn, các sử gia chỉ đơn thuần gọi bà là Na Lạp Hoàng hậu, xét ra là cách gọi chính xác nhất về bà. So với Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu Phú Sát thị, bà có xuất thân thấp hơn rất nhiều vì Hiếu Hiền Hoàng hậu xuất thân đại thế tộc Phú Sát thị Tương Hoàng kỳ (Kỳ tịch của dòng họ Ái Tân Giác La của Hoàng đế) trong khi bà chỉ thuộc Tương Lam kỳ.

Khoảng năm Ung Chính thứ 8 (1730), Na Lạp thị trong cuộc tuyển tú được gả cho Bảo Thân vương Ái Tân Giác La Hoằng Lịch, ban vị Trắc Phúc tấn. Lúc bấy giờ, Bảo Thân vương đã có một Đích Phúc tấn (vợ cả, chính thất) là Phú Sát thị, một Trắc Phúc tấn (vợ thứ, nhưng vẫn có sách phong từ Hoàng đế, danh phận, đãi ngộ tương xứng không thua gì Đích Phúc tấn) là Cao thị, địa vị của Na Lạp thị lúc này chỉ thua kém duy nhất Đích Phúc tấn Phú Sát thị mà thôi.

Ung Chính đế qua đời, Bảo Thân vương kế thừa đại thống, lên ngôi Hoàng đế, cải niên hiệu Càn Long. Tôn phong Hi Quý phi Nữu Hổ Lộc thị mẹ ruột của mình làm Thánh mẫu Hoàng Thái hậu, tôn hiệu Sùng Khánh, ngự ở Thọ Khang cung, sách phong Đích Phúc tấn Phú Sát thị làm Hoàng hậu, ban cho Trường Xuân cung, sách phong Trắc Phúc tấn Cao thị làm Quý phi, không có phong hiệu đi kèm nên chỉ gọi là Cao Quý phi (vì thân phận của Cao thị là Quý phi sơ phong, cao hơn hẳn Quý phi tấn phong nên không cần phong hiệu để phân biệt), ban Trữ Tú cung.

Trắc Phúc tấn Na Lạp thị phong làm Nhàn Phi, ngự ở Cảnh Nhân cung. Chữ “Nhàn” trong phong hiệu của Na Lạp thị theo tiếng Mãn có nghĩa là điểm nhiên, thản nhiên, điềm tĩnh, qua phong hiệu mà Hoàng đế ban cho, có thể thấy sơ nét về tính cách và hình ảnh của bà trong mắt Càn Long đế là một phi tử luôn an nhiên, tự tại, tĩnh lặng trước thị phi thâm cung.

Từ Nhàn Quý phi đến Đại Thanh Hoàng hậu…

Năm Càn Long thứ 10, Cao Quý phi mắc bệnh nặng khó qua khỏi, Càn Long đế liền ra chỉ dụ tấn phong bà làm Hoàng Quý phi để lấy việc này xung hỉ, cầu chúc bà mau khỏi bệnh. Cũng trong dịp này, Hoàng đế cũng tấn phong Nhàn Phi thành Nhàn Quý phi (vẫn giữ lại phong hiệu Nhàn vì Nhàn Quý phi là Quý phi tấn phong từ các cấp thấp hơn, vẫn không vinh sủng như Quý phi sơ phong), Thuần Phi thành Thuần Quý phi Tô thị.

Dù gia pháp tổ tông Đại Thanh để lại cho phép lập cùng lúc 2 Quý phi tại vị nhưng mãi đến thời Càn Long, mới xuất hiện trường hợp 2 Quý phi tại vị đầu tiên. Mặc dù cùng là Quý phi, hàm Chính Nhị phẩm nhưng vị trí của Nhàn Quý phi vẫn xếp trên Thuần Quý phi một bậc. Cũng trong thời gian này, có thể Hoàng đế đã cho Nhàn Quý phi chuyển từ Cảnh Nhân cung sang Dực Khôn cung với vị trí gần Dưỡng Tâm điện hơn rất nhiều, chứng tỏ trong giai đoạn này, sự sủng ái của bà không hề bị suy giảm, mà trái lại, tăng lên trong lòng Hoàng đế.

Năm Càn Long thứ 13, Phú Sát Hoàng hậu hoăng thệ, truy phong thụy hiệu là Hiếu Hiền Hoàng hậu, tang nghi tổ chức lớn chưa từng có trong lịch sử, Càn Long đế quả thật thập phần tiếc thương. Ngôi chính cung tạm thời để trống, chờ mãn tang. Tuy nhiên, lục cung không thể một ngày thiếu vắng chủ nhân, Càn Long đế vốn đã có ý lập Nhàn Quý phi làm Hoàng hậu kế vị Phú Sát thị và nhận được sự ân chuẩn của Sùng Khánh Hoàng Thái hậu, song, do vẫn còn trong kỳ đại tang của Hiếu Hiền Hoàng hậu, chưa thể tiến hành sách phong ngay được.

Đến tháng 7 cùng năm đó, Hoàng đế tấn phong Nhàn Quý phi thành Hoàng Quý phi Nhiếp Lục cung sự. Về danh hiệu này của bà có một số chi tiết đáng chú ý: vốn di Hoàng Quý phi là một địa vị cực cao trong hậu cung, chỉ xếp sau Hoàng hậu đúng 1 bậc, vị trí tương đương Phó Hậu, tuy nhiên Càn Long đế hẳn vô cùng ân sủng Na Lạp thị nên đã tạo nên một danh hiệu còn cao hơn cả Hoàng Quý phi đó chính là Hoàng Quý phi Nhiếp Lục cung sự.

Và rõ ràng, theo sử sách ghi chép lại, địa vị Hoàng Quý phi lúc này của Na Lạp thị chẳng khác gì Hoàng hậu, chỉ chưa tiện sách phong chính thức ngôi Trung cung mà thôi: tế cáo Thái Miếu, chiếu cáo cả thiên hạ (đây là một việc chưa từng có tiền lệ vì trước đó chỉ chiếu cáo thiên hạ khi lập Hoàng hậu và Hoàng Thái tử mà thôi), hưởng hành lễ từ các quan viên, đặc biệt sinh thần của bà cũng lấy nghi thức Thiên Thu tiết (sinh nhật Hoàng hậu) mà cử hành. Có thể nói, lúc này, bà đã chân chính trở thành Hoàng hậu của Đại Thanh, chỉ chờ mãn tang Hiếu Hiền Hoàng hậu thì danh sẽ chính mà thôi.

Năm Càn Long thứ 15, đại điển phong Hậu được cử hành trọng thể. Hoàng đế cử Đại học sĩ Phú Sát Phó Hằng làm chính sứ (người quen đây rồi), Đại Học sĩ Sử Di Trực làm Phó sứ, tuyên sách phong, lập Hoàng Quý phi Nhiếp Lục cung sự làm Hoàng hậu, chính vị Trung cung. Kể từ đây, có thể nói bà xuân phong đắc ý vô hạn. Gia đình bà từ Mãn Châu Tương Lam Kỳ (thuộc Hạ Ngũ kỳ) được nâng lên Mãn Châu Chính Hoàng kỳ (thuộc Thượng Tam kỳ) khi bà được sách phong Hoàng Quý phi Nhiếp lục cung sự, khi bà được chính thức sách lập Hoàng hậu, cả gia tộc lại được nâng lên thành Mãn Châu Tương Hoàng kỳ (cũng chính là Kỳ tịch của dòng họ Hoàng tộc Ái Tân Giác La), đặc ân hiếm có mà Hoàng đế dành tặng.

Na Lạp Hoàng hậu từ vị tần phi, tuy hơn 30 tuổi vẫn chưa sinh dục, khai chi tán diệp cho hoàng thất nhưng cũng từ từ được phong Hoàng hậu, hơn nữa từng dùng Hoàng Quý phi Nhiếp Lục cung sự, vị trí tương đương Hoàng hậu, có thể thấy tương đối hiếm có. Nếu không phải vì năng lực được Sùng Khánh Hoàng Thái hậu Nữu Hỗ Lộc thị bảo chứng, thì cũng là vì Càn Long đế đặc biệt coi trọng bà. Na Lạp Hoàng hậu thường hay cùng Càn Long đế bái yết Tông miếu, cùng ông ngao du Giang Nam, lên Ngũ Đài sơn thắp hương, tuần du Tây Nam, vinh sủng không ít.

Bà sau đó có với Hoàng đế 3 người con: Hoàng nhị thập tử Vĩnh Cơ , Hoàng Ngũ nữ (chết yểu), Hoàng thập tam tử Vĩnh Cảnh (cũng chết yểu) - hai cái chết yểu của Hoàng Ngũ nữ và Hoàng thập tam tử chắc chắn đã làm ảnh hưởng đến bà không ít.

Những năm sau đó, tình cảm của bà với Càn Long đế tuy không rình rang cả thiên hạ đều biết, nhưng qua các trang sử ghi lại, có thể xem đó là một tình cảm ấm áp, nhẹ nhàng quan tâm lẫn nhau. Càn Long đế khi đến Nhiệt Hà hành cung đã vẽ bức Càn Long cung trung hành lạc đồ, đồng thời đề thơ phía sau, trong đó có đoạn khen nhan sắc của Na Lạp Hoàng hậu dù đã gần 50 tuổi nhưng vẫn đẹp hơn cả Vương Chiêu Quân. Bên cạnh đó, sử sách cũng ghi lại việc bà thường được Càn Long đế nhờ may vá, thêu thùa, sửa lại áo cho mình, quả là thập phần ân ái. (chi tiết này quả thật đã được nhắc lại trong Diên Hi công lược).

Như vậy, từ khi còn là Trắc Phúc tấn ở tiềm để, cho đến tận khi ngồi lên phượng tọa trung cung, Càn Long đế đối với bà có thể không yêu kính, tưởng nhớ không thôi như với người vợ kết tóc Hiếu Hiền Hoàng hậu Phú Sát thị, có thể không tri tri kỉ kỉ như với Tuệ Hiền Hoàng Quý phi Cao thị, nhưng tình cảm của Hoàng đế với Na Lạp thị có thể gọi là ấm áp, tôn trọng hết mực, chứ hoàn toàn không có chuyện Càn Long đế không hề sủng ái hay yêu thương bà như rất nhiều tác phẩm khác, với những động cơ khác nhau, đang cố tình bóp méo nó.

Kết cục thê lương không kể xiết

Mọi chuyện tưởng cứ thế êm đềm trôi qua, Na Lạp Hoàng hậu vẫn giữ vững ngôi Hoàng hậu, cùng Hoàng đế ân ân ái ái cả đời thì Hoàng đế quyết định thực hiện chuyến Nam tuần lần thứ 4 kể từ sau khi lên ngôi, tháp tùng Hoàng đế có Na Lạp Hoàng hậu, Lệnh Quý phi Ngụy thị, Khánh phi Lục thị, Dung tần Hòa Trác thị, Vĩnh Thường tại và Ninh Thường tại. Mọi chuyện diễn ra trong chuyến Nam tuần vẫn hết sức bình thường, theo ghi chép thì Hoàng đế vẫn vô cùng sủng ái Hoàng hậu trong suốt chuyến đi: ra chỉ thưởng đồ ăn quý cho Hoàng hậu mà không thưởng cho 5 phi tần đi theo hầu, thậm chí còn tổ chức sinh thần thứ 48 cho bà vô cùng linh đình trong chuyến Nam tuần.

Đến ngày 18 tháng 2 định mệnh, đoàn Nam tuần đã đến Hàng Châu, ngay khi trời sáng thì Càn Long đế sai người gửi thức ăn đến cho Hoàng hậu, đặc biệt là trước khi ăn lẫn sau khi ăn đều có chỉ dụ ban thưởng cho Hoàng hậu. Nhưng vào buổi cơm tối hôm đó, bà không lộ diện ăn cùng ông mà chỉ có 5 vị cung phi trên. Về sau, cho đến tận khi kết thúc Nam tuần, Hoàng hậu đều không còn xuất hiện nữa.

Đây là một điều hoàn toàn đột ngột, không có bất kì dấu hiệu nào báo trước. Mãi đến sau này ta mới biết, ngay trong đêm 18 tháng 2 ấy, Hoàng đế đã ra chỉ dụ phái Ngạch phò Phúc Long An hộ tống Hoàng hậu về lại Tử Cấm Thành, ngôi vị Hoàng hậu vẫn giữ nguyên, tuy nhiên đã hạ chỉ giam lỏng bà ở Dực Khôn cung. Đến tháng 4, khi Càn Long trở về sau chuyến Nam tuần, cung phân, đãi ngộ của bà dần dần bị cắt giảm, đến tận khi cuối đời chỉ còn đúng 2 cung nữ, tức là bằng số cung nhân hầu hạ một Đáp ứng.

Sau đó, Hoàng đế liền lệnh thu hồi cả 4 kim sách đã ban cho bà trước đây, nghĩa là thu hồi lại kim sách phong Na Lạp thị làm Nhàn Phi, Nhàn Quý phi, Hoàng Quý phi Nhiếp Lục cung sự và Hoàng hậu, có thể xem là đau thương không kể xiết, tuy nhiên Hoàng đế không hề có bất kì chỉ dụ nào ra ý phế Hoàng hậu chính thức, địa vị Hoàng hậu của bà không bị chính thức phế đi vì chưa có tuyên chiếu của Hoàng đế song việc thu hồi sách bảo Hoàng hậu cũng là một việc vô cùng nghiêm trọng.

Lúc này bà đã bị chuyển sang Vĩnh Hòa cung, nơi đây không khác gì lãnh cung của bà. Đến năm sau, bà qua đời tại đây, lấy lễ dành cho Hoàng Quý phi để hạ táng, mang tiếng là thế nhưng tang nghi của bà vẫn sơ sài thua cả bậc Hoàng Quý phi, bà không được an táng riêng mà chỉ được an táng ngay cạnh Thuần Huệ Hoàng Quý phi Tô thị như một cung nữ vô danh.

Điều này làm đại thần trong triều nghị luận không ít, các Hoàng thân quốc thích cũng lên tiếng phản đối, đến cả sứ thần Triều Tiên khi sang triều cống biết chuyện cũng vô cùng phẫn nộ, rõ ràng chứng tỏ trước khi bị thất sủng đột ngột, Na Lạp Hoàng hậu là người có uy đức, hiền huệ đoan trang vang động đến cả tiền triều, bởi thế nên khi cái chết và tang nghi của bà quá ủy khuất, rất nhiều người đã lên tiếng vì bà.

Cũng nên lưu ý, Kế Hoàng hậu không phải là thụy hiệu của Na Lạp Hoàng hậu, chỉ đơn giản dùng để chỉ vị Hoàng hậu thứ hai (kế tiếp) của Càn Long đế, được lập sau Phú Sát Hoàng hậu mà thôi. Về nguyên nhân cái chết đặc biệt là về việc thất sủng quá đột ngột vào đêm 18 tháng 2 định mệnh đó, có rất nhiều thêu dệt: có người nói bà cắt tóc làm Hoàng đế cảm thấy bị xúc phạm vì chỉ khi đại tang Hoàng đế hay Hoàng Thái hậu mới cắt tóc vì với người Mãn Châu, mái tóc vô cùng quý giá; có người nói do sự sắp xếp của Lệnh Quý phi Ngụy thị; có người nói vì bà can ngăn Càn Long nạp thêm phi tần;… tuy nhiên tất cả vẫn chỉ là một trong những ẩn số lớn nhất của Thanh triều mà chưa có một lời giải thích nào thực sự chính xác và thuyết phục.

Tuy nhiên, chính cái chết đầy bí ẩn và mang nhiều uẩn khúc này đã là nguồn cảm hứng cho hàng loạt tác phẩm ra đời: khi xưa có Hoàn Châu cách cách, ngày nay có Như Ý truyện rồi Diên Hi công lược - tất cả đều cố lí giải về cái chết bí ẩn bậc nhất lịch sử Thanh triều theo cách rất riêng. Và ngày hôm nay, 24/8/2018 (dương lịch) tức 14/7 Âm lịch, là kỉ niệm thứ 252 năm ngày mất của bà.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Minh Khôi

Được quan tâm

Tin mới nhất
Tín hiệu vui của Hoài Linh
Ngọc Trinh đã trưởng thành?