Phim Ảnh

'Ad Astra': Có một Brad Pitt thật cô đơn giữa ngân hà

Ngọc King.
Chia sẻ

Tác phẩm du hành vũ trụ có tiết tấu chậm rãi, mơ hồ nhưng không kém phần kịch tính, đưa khán giả vào hành trình khám phá thế giới nội tâm của con người giữa vũ trụ bao la rộng lớn.

Haruki Murakami từng than rằng “Sao con người phải cô đơn tới thế? Tất cả những chuyện này có nghĩa lý gì? Hàng triệu người trên thế giới này, tất cả đều khao khát, tìm đến những người khác để thỏa mãn họ, nhưng rồi lại tự cô lập mình. Tại sao? Có phải trái đất được đặt ở đây chỉ để nuôi dưỡng sự cô đơn của con người?“.

Ad Astra (tên Latin có nghĩa là “Tới Những Vì Sao) là hành trình xa xôi đi tìm cha của Roy McBride (Brad Pitt) tới tận rìa của khoa học và chân lý trên sao Hải Vương. Bộ phim lấy bối cảnh thế giới tương lai đâu đó những năm cuối thế kỷ 21, khi con người đã đặt dấu chân vững chắc lên mặt trăng và những hành tinh lân cận để khám phá xa hơn trong không gian.

Roy là một phi hành gia xuất sắc, tuyệt đối bình thản trước mọi tình huống. Anh còn là một kẻ tự hủy hoại, một cá nhân cô độc với nhịp tim không bao giờ vượt quá 80, lặng lẽ chôn chặt tình cảm và cả nỗi đau xuống đáy lòng để, như người ta hay nói, dốc tâm sức cho nghiệp lớn. Sự ích kỷ của Roy đã đẩy mọi người ra xa, như cái giá của ước mơ vươn tới những vì sao xa xôi.

Vận mệnh như an bài, Roy được lựa chọn cho một sứ mệnh tuyệt mật thăm dò dự án Lima mà cha anh Clifford (Tommy Lee Jones) đã mất tích 16 năm trước, giải đáp cho tình trạng bão điện từ chết người tại hệ mặt trời và cũng là đáp án cho cuộc đời đầy dằn vặt của anh.

Trailer “Ad Astra”

Các phim của đạo diễn James Gray từ trước tới nay như Little Odessa, We Own the Night hay The Lost City of Z thường là sự tổng hòa giữa hành động và tính hướng nội. Các nhân vật của Gray thường được đặt trong hỗn loạn để từ đó bộc lộ nội tâm, rồi lặn lội vào một hành trình khác để kiếm tìm bản ngã của mình. Điều này một lần nữa được lặp lại với Ad Astra trong cuộc viễn chinh vào vũ trụ xa xôi, tới tận rìa của hệ mặt trời của con người.

Trong khi nhiều bộ phim lấy đề tài du hành không gian thường chọn lấy một hành trình rõ ràng cho nhân vật, thì Ad Astra để lại nhiều trạm nghỉ, những cuộc dừng đỗ và bỏ cuộc rải rác trong sứ mệnh ngân hà. Chặng đường đi tìm cha của Roy cứ trở tới quay lui trên những tàu không gian, từ trái đất lên mặt trăng, từ mặt trăng lên sao Hỏa rồi từ đó lên sao Hải Vương.

Sẽ là không ngoa nếu như cho rằng năm nay Brad Pitt chắc suất đề cử Oscar cho vai diễn này trong Ad Astra.

Chúng ta thấy đằng sau chân dung một người đàn ông lạnh lùng và xa cách, là bao nhiêu hỉ nộ như lớp sóng ngầm dưới mặt băng. Cơn giận dữ vì bị bỏ rơi, vì lời hứa không bao giờ thành sự thực và sự vắng mặt của hình bóng người cha - dù đã mất tích 16 năm trời nhưng vẫn phủ bóng lên cuộc đời người con trai - đã làm nên Roy ngày hôm nay. Diễn xuất đầy nội lực của Brad Pitt thông qua lời dẫn của chính anh cùng sự nâng đỡ của dàn diễn viên phụ là một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công của Ad Astra.

Mô típ đặt cái cá nhân nhỏ nhoi giữa vũ trụ bao la không mới. Trong Contact (1997), nhân vật của Jodie Foster đã gặp lại người cha quá cố của mình đứng trên bãi biển. Interstellar (2014) là hành trình đoàn tụ vượt thời gian và không gian của hai cha con. Tiến sĩ mà Amy Adams đóng trong Arrival (2016) đã được gặp con gái chưa chào đời của mình nhờ kết nối với những sinh vật ngoài hành tinh. Rồi gần đây là First Man, nơi Armstrong của Ryan Gosling luôn đau đáu về đứa con gái trong hành trình đặt chân lên mặt trăng.

Nhiều yếu tố trong Ad Astra cũng khiến khán giả nhớ tới các kiệt tác trước đó như Apocalypse Now hay 2001: A Space Odyssey. Bởi đó các khán giả sành sỏi sẽ cảm thấy có đôi chút thân quen khi thưởng thức tác phẩm của đạo diễn James Gray.

Bộ phim có những khung hình tuyệt đẹp nhờ “bàn tay vàng” trong làng quay phim Hoyte van Hoytema, người từng đạt vô số giải thưởng với Dunkirk và Interstellar.

Tuy nhiên, thứ khiến Ad Astra trở nên gần gũi và hiện diện hơn nằm trong một thông điệp giản dị. Nghịch lý Fermi lý luận rằng, nếu vũ trụ là rộng lớn đến thế và sự sống ngoài hành tinh là hoàn toàn có thể, vậy tại sao chúng ta chưa bao giờ tìm thấy bằng chứng chắc chắn về chúng? Trong gần một thế kỷ qua, loài người đã hướng radio và các thiết bị thu phát ra ngoài kia, chờ đợi một lời hồi đáp.

Ad Astra của James Gray kéo chúng ta trở lại mặt đất, chỉ cho chúng ta vẻ đẹp của bầu trời xanh đầy nắng, của một cái ôm ngọt ngào từ người bạn đời, nhắc nhở con người về giá trị của sự kết nối. Đó mới là thứ làm nên nhân loại, và là thứ đáng để trân trọng. Chúng ta đều là những cá nhân chắp vá, đầy lỗi lầm. Sinh ra và chết đi như cát bụi. Vậy thì điều gì mới quan trọng? Sự sống trên một hành tinh cách đây hàng trăm nghìn năm ánh sáng, hay vẻ đẹp của thiên nhiên quanh nhà, của người vợ thương yêu? Con người sinh ra trong đơn độc và chết đi cũng đơn độc, chỉ có nương tựa vào nhau mới cho ta cảm giác được xoa dịu.

Chia sẻ

Bài viết

Ngọc King.

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất