Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

9 minh tinh từng 'ngã đau' trước cổng thánh đường Oscar

Trong danh sách này, Al Pacino “đau” tới hai lần vì Viện Hàn lâm không nhận ra anh tuyệt vời thế nào trong hai phần “Bố già”.

Ít thứ trên đời này có độ chắc chắn tương tự việc những người bình chọn của Giải thưởng Viện Hàn lâm Hoa Kỳ mắc sai lầm.” - Cây bút Rob Oster của trang Digital Trends bình luận. Anh đưa ra 10 ví dụ minh họa việc các thành viên Viện Hàn lâm đã sơ suất thế nào khi từ chối trao tượng cho những màn trình diễn xứng đáng.

Ralph Fiennes trong Schindler’s List (1993)

Việc Oscar trao giải Nam Diễn viên phụ Xuất sắc cho Tommy Lee Jones trong The Fugitive thay vì Ralph Fiennes trong Schindler’s List tỏ ra đúng đắn hơn nếu xét về thâm niên trong nghề, chứ không phải bản thân màn trình diễn. Tommy Lee Jones là một diễn viên tuyệt vời, nhưng vai cảnh sát truy bắt tội phạm của ông khó mà so được với chân dung ớn lạnh của tên phát xít Amon Göth mà Ralph Fiennes tái hiện trên màn bạc.

Danh sách đề cử cũng có vấn đề: Sean Penn trong Carlito’s WayVal Kilmer trong Tombstone đều không được đề cử cho vai diễn để đời của họ. Sau này, Penn cũng “đòi lại công lý” khi giành tượng vàng cho diễn xuất trong Mystic River (2003) Milk (2008).

Russell Crowe trong A Beautiful Mind (2001)

Mặc dù ngay năm trước, Russell Crowe mới giành một giải Oscar, nhưng anh vẫn xứng đáng có thêm một giải nữa cho vai diễn nhà toán học thiên tài John Nash trong bộ phim tiểu sử về cuộc đời thăng trầm của ông - A Beautiful Mind. Tuy phim không xứng đáng có được danh hiệu Bộ phim Xuất sắc (lẽ ra phải về tay The Lord of the Rings: Fellowship of the Ring), diễn xuất của Crowe không ứng viên nào năm ấy có thể vượt qua. Thế nhưng Viện Hàn lâm lại trao tượng cho Denzel Washington trong Training Day, ghi nhận vai diễn vượt khỏi sở trường đóng vai chính diện của ông.

Thêm một điều đáng tiếc, Gene Hackman (diễn viên từng hai lần đạt Oscar) lại không được đề cử khi vai trò của ông trong The Royal Tenenbaums khó ai có thể thay thế. Cái tên đáng ra nên loại khỏi danh sách là Sean Penn với vai người cha thiểu năng trí tuệ trong I Am Sam - một màn trình diễn quá thường trong một bộ phim cũng thường chẳng kém.

Madeline Kahn trong Blazing Saddles (1974)

Viện Hàn lâm khá e dè trong việc vinh danh các màn trình diễn theo lối hài kịch, nên việc Madeline Kahn được đề cử ở hạng mục Nữ diễn viên phụ Xuất sắc cũng có thể coi là một chiến thắng. Song có lẽ đó là do màn biểu diễn ca nhạc “nhái” theo phong cách minh tinh Marlene Dietrich, trong khi cách Kahn thổi hồn vào nhân vật và truyền tải chính xác tinh thần bộ phim Miền Tây theo lối parody của đạo diễn Mel Brooks mới là thứ đáng giá hơn. Từ cách cô hát “Tôi mệt quá! Tôi mệt quá!” theo hai lớp nghĩa cho đến cách cô thể hiện mình không thể phát âm chữ “r” (Đúng wồi! Đúng wồi!), mỗi khoảnh khắc của cô ca sĩ quán rượu trong phim đều khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình.

Cuối cùng, Ingrid Bergman lại chiến thắng và có tượng vàng thứ ba trong sự nghiệp bằng vai diễn tẻ nhạt trong Murder on the Orient Express.

Al Pacino trong The Godfather (1972)

Vụ này đúng là khôi hài. Ai xem tác phẩm gangster kinh điển của đạo diễn Coppola cũng biết Al Pacino “chiếm sóng” nhiều nhất phim, song anh lại được đề cử vào hạng mục Nam Diễn viên phụ Xuất sắc. “Bố già” Marlon Brando xuất hiện chưa tới một phần ba thời lượng còn được đề cử Nam chính Xuất sắc và giật luôn tượng vàng. Pacino phải ngồi “chung mâm” với hai bạn diễn “ít đất” hơn hẳn là James Caan Robert Duvall. Cuối cùng thì cả ba trượt sạch, và chiến thắng thuộc về Joel Grey của Cabaret.

Pacino có xứng đáng được đề cử và chiến thắng Brando trong hạng mục Nam chính Xuất sắc không? Có chứ! Tuy Brando được vai “ngầu” hơn, Pacino đã vô cùng xuất sắc trong việc thể hiện sự chuyển hóa từ một quân nhân sang một tên trùm tội phạm.

Al Pacino trong The Godfather Part II (1974)

Hai năm sau, Al Pacino được đề cử Nam chính Xuất sắc cho vai diễn trong phần 2 của The Godfather. Cùng với anh là Jack Nicholson trong Chinatown Dustin Hoffman trong Lenny. Cả ba đều hay và cả ba đều trượt. Tượng vàng về tay Art Carney cho vai diễn mùi mẫn của ông trong bộ phim dành-cho-những-người-yêu-mèo Harry and Tonto.

Việc Al Pacino không được Nam chính Xuất sắc cho cả hai phần Godfather là một điều vô cùng phi lý.

Clint Eastwood trong Unforgiven (1992)

Vâng, chúng ta vẫn phải nói về Al Pacino nhưng với một câu chuyện khác. Al Pacino có rất nhiều vai diễn tuyệt vời, nhưng Viện Hàn lâm lại chọn trao giải cho vai cựu binh mù trong Scent of a Woman - một nhân vật thể hiện cảm xúc bằng quá nhiều lời nói và quá nhiều biểu cảm. Đây là cách Oscar “bù đắp” cho những sai lầm trong quá khứ của họ đối với anh?

Giải thưởng năm ấy nên thuộc về Clint Eastwood. Denzel Washington trong Malcolm X cũng đáng cân nhắc, nhưng Eastwood thực sự xuất sắc trong vai trò kép đạo diễn - diễn viên chính. Cũng như những vai cao bồi khác mà Eastwood đã tạo dựng trong sự nghiệp của mình, ông vô cùng kiệm lời. Song khuôn mặt nhăn nheo và cách hành xử khắc kỷ của ông lột tả đầy thuyết phục hình ảnh một người cha có quá khứ giết chóc bừa bãi buộc phải quay về cuộc sống ngoài vòng pháp luật vì cần tiền nuôi các con.

Dù sao Eastwood cũng về nhà với tượng vàng đầu tiên trong sự nghiệp đạo diễn của ông.

Eddie Murphy trong Dreamgirls (2006)

Eddie Murphy xứng đáng nhận được một tượng vàng của hạng mục Nam diễn viên phụ Xuất sắc cho vai James Early trong bộ phim nhạc kịch/chính kịch Dreamgirls. Tài năng âm nhạc và khả năng diễn xuất hòa quyện với nhau đã giúp Murphy thể hiện sống động (và đầy bi kịch) con người của một ca sĩ ngôi sao mắc chứng nghiện heroin.

Người ta bàn luận rằng bộ phim Norbit được Murphy sản xuất, biên kịch kiêm đóng chính - dở đến tệ hại và ra mắt vào đúng mùa giải - đã lấy đi cơ hội đoạt Oscar của ông. Nếu đúng là Viện Hàn lâm “trừng phạt” Murphy vì lý do như vậy thì không công bằng chút nào, vì dù sao DreamgirlsNorbit cũng là hai bộ phim khác nhau.

Burt Reynolds trong Boogie Nights (1997)

Vụ này thật sự khó nghĩ, bởi người chiến thắng giải Nam phụ Xuất sắc năm đó - Robin Williams trong Good Will Hunting - cũng rất xứng đáng, và đây cũng là giải Oscar duy nhất trong sự nghiệp của ông. Song có lẽ Burt Reynolds là người trội hơn với vai diễn nhà sản xuất phim người lớn Jack Horner trong Boogie Nights.

Reynolds không thích màn trình diễn của mình cũng như phong cách đạo diễn Paul Thomas Anderson, song Anderson lại là người “phát lộ” một mặt khác trong con người diễn viên mà khán giả chưa bao giờ được chứng kiến. Reynolds đã khiến một kẻ buôn bán xác thịt như Jack trở nên “rất người”, và đây có lẽ là vai diễn đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của ông.

Sylvester Stallone trong Creed (2015)

Sylvester Stallone đã đóng vai võ sĩ quyền anh Rocky Balboa đến lần thứ bảy, nhưng phải đến lần thứ bảy này, tinh hoa của vai diễn mới thực sự phát tiết.

Rocky Balboa trong Creed đã ở dốc bên kia của cả cuộc đời lẫn sự nghiệp. Ông mất đi tất cả những người mình yêu thương và cuối cùng cũng gục ngã hoàn toàn trước những nắm đấm mà số phận giáng xuống. Từ điểm đáy ngoi lên tìm cách tái sinh thông qua việc đào tạo con trai của kẻ nửa-bạn-nửa-thù Apollo Creed, nhân vật Rocky Balboa không có “hào quang nhân vật chính” nhưng nhiều sắc thái hơn hẳn các phần trước đây. Dẫu vậy, giải Nam diễn viên phụ Xuất sắc vẫn không thuộc về Stallone mà dành cho Mark Rylance trong Bridge of Spies. “Thật không thuyết phục!” - Nói theo cách la ó của đám đông khi nghe trọng tài đưa ra một phán quyết không công bằng.

Peter O’toole trong The Lion in Winter (1968)

Quá “nhọ” cho Peter O'Toole khi ông được đề cử tám lần tại Oscar nhưng chưa một lần chiến thắng. Các fan cuồng phim có thể sẽ thắc mắc “Tại sao ông lại có thể trượt với vai chính trong bộ phim Lawrence of Arabia đã đi vào lịch sử?” À thì lúc đó, ông đối đầu với một vai kinh điển chẳng kém của Gregory Peck - luật sư Atticus Finch trong To Kill a Mockingbird, một trong những nhân vật điện ảnh được yêu thích nhất từ xưa tới nay.

Thế còn vai Vua Henry II trong phim Becket (1964), khi O'Toole cùng được đề cử ở hạng mục Nam chính với Richard Burton (cũng 7 lần đề cử và 0 lần thắng) thì sao? Tiếc rằng, họ lại chạm mặt Rex Harrison với vai diễn tạo nên bước ngoặt sự nghiệp của ông trong My Fair Lady, Harrison thì quá xứng đáng rồi.

O’Toole đáng ra nên giành chiến thắng với vai Vua Henry II trong The Lion in Winter. Chủ nhân tượng vàng năm đó là Cliff Robertson với vai người đàn ông thiểu năng trí tuệ trong Charly (Oscar có vẻ thích tôn vinh dạng vai này). Charly đã chìm vào quên lãng từ lâu, trong khi The Lion in Winter vẫn sừng sững là một tượng đài về diễn xuất. Bạn diễn của O’Toole - Katherine Hepburn - cũng có tượng vàng cho Nữ chính Xuất sắc để mang về nhà. 8 đề cử và 0 lần thắng, thật đáng tiếc cho O’Toole.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Digitaltrends

Được quan tâm

Tin mới nhất