Trải qua hơn 15 năm với bảy tập phim, nhân vật Wolverine do Hugh Jackman thể hiện đã in sâu trong lòng khán giả. Trang movies.com thậm chí còn bầu anh là diễn viên phim siêu anh hùng vĩ đại thứ hai mọi thời đại, chỉ xếp sau Christopher Reeve trong vai Superman. Theo chia sẻ của Jackman, tập phim solo tiếp theo về Wolverine sẽ ra mắt vào tháng 3 năm 2017, và cũng là lần cuối cùng anh vào vai Logan. Dù ngày quay đã cận kề, nội dung phim vẫn là điều bí ẩn.
Trong hai lần gần nhất Wolverine xuất hiện trên màn ảnh rộng là The Wolverine (2013) và X-Men: Days of Future Past (2014), phim đều theo khá sát những câu chuyện nổi tiếng trong truyện tranh. Chính vì vậy, nhiều fan hâm mộ hy vọng dự án sắp tới cũng tương tự. Sau đây là năm cốt truyện có thể chuyển thể thành một bộ phim tuyệt vời về Logan.
5) Wolverine: Weapon X (Jason Aaron và Ron Garney)
Loạt truyện này chỉ kéo dài 16 tập từ năm 2009 đến 2010, song để lại ấn tượng khó phai nhờ bút pháp mạnh mẽ của Aaron và phần hình ảnh đẫm máu của Garney. Ngay trong tập đầu tiên, người đọc đã chứng kiến cảnh Wolverine đang cố ngủ trên một tàu điện ngầm thì bị một gã ăn xin đánh thức. Ai cũng biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo: tên kia bị chém đứt một cánh tay. Và đó chỉ là khởi đầu cho một câu chuyện thú vị.
Thời gian gần đây, Aaron chủ yếu cộng tác với Marvel trong những dự án liên quan đến vũ trụ Star Wars, nhưng vào lúc đó, ông được toàn quyền quyết định giọng nói và cả tâm lý của Logan. Wolverine: Weapon X là loạt truyện giúp người đọc thấy được nỗi sợ căn bản của Logan về một cái chết mà ngay cả năng lực của anh cũng không thể cứu vãn. Thế nhưng sự trầm lặng của anh trong việc thừa nhận điểm yếu, cũng như lòng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đã được duy trì trong suốt series.
Tập đầu tiên của series với tựa đề “The Adamantium Men” có thể làm nền tảng cho một kiểu phim rất khác về Wolverine, khi anh dùng cặp móng không thể phá hủy can dự vào một hoạt động tình báo, cũng như quyết tâm của một thực thể trong việc biến Weapon X trở thành dây chuyền tạo ra vũ khí cho quân đội. Rất khác biệt, nhưng sẽ rất tuyệt vời.
4) Wolverine: Enemy of the State (Mark Millar và John Romita, Jr.)
Cuối thập niên 1990, Marvel phát hành dòng truyện Marvel Knights để nói về những nhân vật thuộc loại “đầu gấu”. Một cách tự nhiên, Wolverine hoàn toàn thích hợp với phong cách này. Một trong những cốt truyện hay nhất chính là Enemy of the State của hai “siêu sao” trong giới tác giả: Mark Millar và John Romita, Jr. Không có nhiều nét tinh tế trong cách viết của Millar, thay vào đó là tiết tấu gấp gáp như một “sự kiện”, khiến người đọc phải thán phục sau đoạn kết.
Câu chuyện của Enemy of the State có nhiều sự tương đồng với một bom tấn Hollywood, và khá thành công trong cách kể chuyện. Dù trong bộ này, tác giả đã sử dụng những nhân vật của Marvel mà Fox không sở hữu bản quyền, nhưng điểm cốt lõi của truyện sẽ bổ sung cho chủ đề báo thù quen thuộc trong các câu chuyện về Wolverine trên phim. Đó là ý tưởng về việc Logan bị tẩy não và bị một tổ chức đen tối sử dụng để giết người hàng loạt.
3) X-Men: Fatal Attractions (Fabian Nicieza, Larry Hama, và Scott Lobdell)
Trong thế giới truyện tranh, thập niên 1990 thật sự bị thống trị bởi X-Men. Vào thời điểm này có nhiều sự kiện gây sốc như cái chết của Superman, Batman bị Bane đánh gãy lưng hay Spider-Man bị nhân bản. Hòa theo xu thế đó, X-Men có sự kiện Fatal Attractions diễn ra trong các đầu truyện X-Men, Uncanny X-Men , X-Force, X-Factor và eXcalibur.
Điểm nhấn của sự kiện này là việc Magneto dùng năng lực gỡ bỏ adamantium ra khỏi người Logan, một ý tưởng từng được gợi ra như một trò đùa giữa các tác giả lớn của Marvel. Nếu câu chuyện này được dựng thành phim, hành động này sẽ là một cú sốc lớn cần thiết cho bộ phim cuối cùng có Hugh Jackman thủ vai, qua đó cũng buộc Logan phải hành động cẩn thận hơn. Việc để Wolverine đối mặt với Magneto một lần cuối cùng cũng hoàn toàn thích hợp, và Fatal Attractions sẽ khiến khán giả choáng váng nếu được chuyển thể.
2) Wolverine: Coyote Crossing (Greg Rucka và Leo Fernandez)
Ít có tác giả nào ngày nay giỏi phát triển nhân vật như Greg Rucka, người hiện tại đang tập trung vào vũ trụ Star Wars. Rucka từng tạo ra những kiệt tác với các nhân vật như Superman, Wonder Woman, Daredevil, Black Widow, Spider-Man và Batman. Ông viết về Wolverine vào đầu thập niên 2000, và trong câu chuyện thứ hai, Rucka đã đem đến một cốt truyện gần gũi và tập trung vào nhân vật hơn nhiều so với kỳ vọng của độc giả. Trong đó, Logan phải săn đuổi lãnh đạo của một băng buôn người đến biên giới Mexico.
Rucka xóa bỏ cái nhìn của mọi người về Logan, người luôn bị kẻ thù xem như một con thú. Vẫn có những khoảnh khắc trong quá khứ của nhân vật gợi nhớ điều này, nhưng Rucka đã cho Wolverine một lựa chọn thú vị: anh phải đầu hàng bản năng thú vật hung bạo của mình, hoặc quyết định trở thành một người có lòng trắc ẩn với kẻ thù. Ý tưởng chính của Coyote Crossing là việc phá hủy rồi xây dựng lại nhân vật, qua đó biến anh ta trở nên vĩ đại. Điều đó có thể trở thành nền tảng cho bất kì bộ phim nào, bất kì nhân vật nào, đừng nói là nhân vật truyện tranh nổi tiếng nhất.
1) Old Man Logan (Mark Millar và Steve McNiven)
Khi dự án này được công bố, Mark Millar đã thốt lên: “The Dark Knight Returns của Wolverine”. Dù Old Man Logan chưa thể đạt đến tầm vóc như tác phẩm kinh điển về Batman khi về già, khó có thể phủ nhận sự sáng tạo của nó trong việc mô tả tương lai của Wolverine. Ở thời điểm trong truyện, các siêu anh hùng đã qua đời gần hết và Wolverine đang sống bình lặng bên vợ và các con. Logan đã không bật móng suốt nhiều thập niên qua, thậm chí da của anh ở chỗ móng đâm ra đã lành hẳn. Thế nhưng khi gia đình gặp chuyện, Logan lại đánh thức bản năng hoang dã của mình.
Đây là câu chuyện báo thù ở cấp độ cao nhất. Dù chúng ta sẽ không thể thấy một số nhân vật trong truyện xuất hiện trên phim (do bản quyền) như Hawkeye, Red Skull hoặc Hulk, ưu điểm của câu chuyện này là dự báo đoạn kết của Logan. Vì tập phim solo thứ ba về Wolverine cũng là lần cuối cùng Hugh Jackman thủ vai chính, sẽ là điều hợp lý những nhà làm phim sử dụng tác phẩm nổi tiếng của Millar và McNiven.