Phim Ảnh

4 điều khiến phim 'Cô Ba Sài Gòn' trở thành phim Việt được mong chờ nhất tháng 11

Phương Thảo
Chia sẻ

Đầu tư, chăm chút từ hình ảnh, âm thanh, "Cô Ba Sài Gòn" tạo nên màu sắc, hơi thở riêng biệt. Do đó, các poster, teaser, thậm chí là những chi tiết rất nhỏ mỗi khi tung ra đều khiến khán giả thích thú, xôn xao.

Màn ảnh rộng Việt Nam nửa cuối năm 2017 được xem là “cuộc đua” của các dự án phim được đặt nhiều kì vọng, trong đó có phim Cô Ba Sài GònDo Lộc Trần và Kay Nguyễn đạo diễn, hợp tác cùng giám đốc sản xuất Ngô Thanh Vân, phim quy tụ những người đẹp như Diễm My 9X, Hải Triều, Oanh Kiều, NSND Hồng Vân, Diễm My 6X, Trác Thùy Miêu, Kim Thư, Ngô Thanh Vân, Ninh Dương Lan Ngọc,… Cô Ba Sài Gòn tranh hạng mục A Window to Asian Cinema ở Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc) từ ngày 12 đến ngày 21 tháng Mười, trước khi công chiếu tại Việt Nam vào tháng Mười Một.

Dù chưa công chiếu, nhưng dự án phim nhận sự ủng hộ mạnh mẽ từ người hâm mộ. Các poster, teaser, hình ảnh trong phim đều có khả năng “tạo bão”, gây hiệu ứng rộng rãi và được khán giả chia sẻ trên nhiều trang mạng xã hội.

Chất liệu dân tộc, màu sắc đậm chất Sài Gòn cũ tạo cảm hứng cho khán giả

Mang đậm màu sắc dân tộc là điểm chung của những bộ phim do “đả nữ” Ngô Thanh Vân sản xuất. Cô luôn cố gắng khai thác triệt để chất liệu Việt để tạo nên sức hút các tác phẩm: từ câu chuyện cổ tích Tấm Cám trở thành cảm hứng cho phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể, ngày lễ cổ truyền Việt Nam trong Về quê ăn tết hay hơi thở Sài Gòn và tà áo dài truyền thống ở dự án phim sắp tới Cô Ba Sài Gòn. 

Đưa tà áo dài truyền thống lên màn ảnh rộng, phim Cô Ba Sài Gòn truyền thông điệp đến đông đảo khán giả, mong muốn gìn giữ, bảo tồn văn hóa lâu đời của dân tộc. Chẳng những gây ấn tượng về đề tài, phim còn thu hút khán giả ngay từ poster đầu tiên được “nhá hàng”. Trong đó, dàn diễn viên gồm NSND Hồng Vân, Diễm My 6X, Ngô Thanh Vân, Ninh Dương Lan Ngọc, Diễm My 9X, Oanh Kiều vận trang phục áo dài, cách tạo dáng, trang điểm đều đậm phong cách mỹ nữ Sài Gòn cũ.

Không những thế, từ màu ảnh đến font chữ, bố cục đều đậm màu hoài cổ. Các từ vựng “rất Sài Gòn” hay tiếng địa phương được sử dụng ở poster như “tình cảm diễm lệ”, “nhứt trần ai”, “minh tinh nổi tiếng nhứt Sài Gòn”, “say mê hồi hộp”, “phim màu”,… khiến khán giả thích thú và gợi liên tưởng về quá khứ. Do đó, ngay sau khi poster tung ra, hàng loạt ảnh “chế” của cư dân mạng ra đời, khẳng định sức nóng từ phim Cô Ba Sài Gòn. 

Ảnh “chế” về “Cô Ba Sài Gòn”.

Dàn “mỹ nam” được lên poster.

Màu sắc hoài cổ tiếp tục được thể hiện trong các teaser, đặc biệt, người xem ấn tượng hình ảnh Thanh Mai (Ngô Thanh Vân thủ vai) xuất hiện đầy hoài cổ, dịu dàng, tỉ mẩn may, đo tà áo dài truyền thống trên nền nhạc Biển tình da diết. Sức hút từ teaser khẳng định định hướng đúng đắn trong việc sản xuất của “đả nữ”, khi hình ảnh truyền thống Việt Nam tuy không mới, nhưng vẫn khiến khán giả vừa xao xuyến, bồi hồi; vừa thích thú, tò mò.

Teaser đầu tiên của “Cô Ba Sài Gòn”.

Sự “nổi loạn” đặt cạnh nét văn hóa truyền thống Việt Nam

Ở bất cứ thời đại nào, bên cạnh những nét truyền thống cần được bảo tồn và gìn giữ, xuất hiện nhiều xu hướng mới du nhập từ bên ngoài. Học hỏi, “bắt kịp” không phải là điều xấu, nhưng đôi lúc khiến giới trẻ đánh mất đi văn hóa lâu đời. Nhà sản xuất phim Cô Ba Sài Gòn - Ngô Thanh Vân từng chia sẻ về việc đưa chất liệu Việt Nam lên các thước phim: “Kho tàng truyện cổ tích nước ta là vô giá, chất liệu văn hóa của Việt Nam còn nhiều, vậy tại sao ta lại phải sử dụng từ nước ngoài các kịch bản remake?”.

Nếu Ngô Thanh Vân thể hiện định hướng rõ ràng: tận dụng chất liệu văn hóa Việt Nam trong sản xuất phim, thì nhân vật của cô ở phim Cô Ba Sài Gòn - Thanh Mai - cũng dặn dò con gái: “Như Ý, dù sau này có thế nào, con phải nhớ lấy: áo dài là vĩnh cửu, là cái gốc của nhà may này, nhe con”. Đặt cạnh thái độ trân trọng nét đẹp truyền thống từ bà Thanh Mai, là sự “nổi loạn” của Như Ý - người được định sẵn trở thành truyền nhân nhà may Thanh Nữ, nhưng không muốn nối nghiệp gia đình.

Biểu hiện sự “nổi loạn” của Như Ý là hình ảnh cô nàng “đua đòi” những bộ đồ Tây thời thượng, thua trong một cuộc thi chỉ vì tà áo dài, hay khẳng định không muốn nối nghiệp gia đình, mà thích tạo ra trang phục Tây. Mâu thuẫn giữa mẹ Thanh Mai và Như Ý thể hiện qua các cảnh quay dồn dập, tiết tấu nhanh ở teaser, và được đẩy lên đỉnh điểm bằng cái tát mà chủ nhà may Thanh Nữ dành cho con gái.

Teaser thứ hai của “Cô Ba Sài Gòn”.

Chi tiết Thanh Mai tát con gái trong teaser phim Cô Ba Sài Gòn để lại ấn tượng cho người hâm mộ, hứa hẹn diễn biến đầy hấp dẫn. Ngoài ra, người xem, đặc biệt là khán giả trẻ, ít nhiều nhìn thấy hình ảnh “nổi loạn” của chính mình ở nhân vật Như Ý cá tính. Từ đó, họ có thái độ trân quý hơn đối với truyền thống dân tộc, nhất là tà áo dài Việt Nam.

Cũ kỹ, hoài cổ nhưng vẫn đầy bí ẩn

Xoay quanh tà áo dài Việt Nam, lấy đề tài chưa được khai thác nhiều, phim Cô Ba Sài Gòn khiến người hâm mộ đặt câu hỏi về diễn biến bộ phim. Bên cạnh đó, màu sắc hoài cổ, không khí xưa cũ ngay từ teaser đầu tiên làm bộ phim trở nên bí ẩn, khó đoán.

Đặc biệt, dù có nội dung khác nhau, nhưng cả hai teaser của phim Cô Ba Sài Gòn đều khép lại bằng hình ảnh viên ngọc xanh được đính trên trang phục truyền thống Việt. Ở teaser đầu tiên, viên ngọc xuất hiện cùng chiếc áo dài hoàn chỉnh sau quá trình bà Thanh Mai cẩn thận, chăm chút may, đo. Trong teaser thứ hai, với lời nói vang lên đầy ám ảnh của chủ nhà may Thanh Nữ: “Như Ý, dù sau này có thế nào, con phải nhớ lấy: áo dài là vĩnh cửu, là cái gốc của nhà may này, nhe con”, viên ngọc xanh bất ngờ phát sáng trước ngực Như Ý.

Chi tiết xuất hiện đúng một giây nhưng để lại nhiều tranh cãi cho khán giả. Sau khi nhìn hình ảnh này, không ít người xem liên tưởng đến tên gọi “Hòn ngọc Viễn Đông” - mỹ danh mà thực dân Pháp dùng để chỉ Sài Gòn vào đầu thế kỷ 20, thời điểm Sài Gòn được coi là thành phố phát triển nhất trong khu vực.

Viên ngọc phát sáng kỳ lạ.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng ánh sáng đặc biệt từ viên ngọc sẽ tạo nên biến cố trong phim, khiến Như Ý nhận thức về tầm quan trọng của áo dài. Ngoài ra, đây có thể chỉ là một chi tiết được “thần kỳ hóa”, góp phần làm đẹp hơn hình ảnh trang phục truyền thống Việt Nam.

Ngô Thanh Vân bên tà áo dài đính ngọc.

Kế hoạch quảng bá mới mẻ

Trước khi công chiếu, Cô Ba Sài Gòn công bố bộ poster độc đáo, đầy mới mẻ, lấy ý tưởng từ bức họa nghệ thuật We Can Do It! (Rosie the Riveter) được thực hiện bởi họa sĩ J. Howard Miller vào năm 1942. Bức vẽ trở thành một trong những biểu tượng nổi bật nhất của Chiến tranh thế giới lần thứ 2, đồng thời mang đến ý nghĩa tôn vinh “nữ quyền”. Trong poster phim Cô Ba Sài Gòn, các cô gái ở nhiều thế hệ trong trang phục áo dài Việt nâng tay khỏe khoắn, cùng dòng chữ “Phụ nữ/ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. 

Thông qua hình ảnh này, bên cạnh việc tôn vinh vẻ đẹp truyền thống, Cô Ba Sài Gòn của “đả nữ” Ngô Thanh Vân thể hiện khát vọng bình đẳng phụ nữ, trực tiếp khích lệ tinh thần giới trẻ, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam sống mạnh mẽ, độc lập, biết tự yêu quý bản thân và không ngừng theo đuổi ước mơ, thành công. Đây được xem là chiến dịch quảng bá mới mẻ, tạo sự tò mò, thích thú dành cho người xem.

Không dừng lại ở poster đậm màu sắc retro từng “gây bão” mạng xã hội, hay hình ảnh đề cao nữ quyền, mới đây, phim Cô Ba Sài Gòn tiếp tục thu hút khán giả bằng tạo hình vẽ kiểu Pop-Art đầy màu sắc, sống động cùng những tagline vui nhộn. Với hàng loạt biểu cảm thú vị, các mỹ nhân xinh đẹp khiến người hâm mộ thích thú khi xuất hiện cùng dòng chữ phổ biến giới trẻ như: “Xưa rồi Diễm”, “Chèn đét ơi”, “Mần dzậy coi được hôn?”, “Là con gái phải xinh”,…

Sự đối ngược giữa vẻ đẹp mang đậm màu sắc người con gái Sài Gòn xưa với những cách tạo dáng, ngôn ngữ hiện đại, phổ biến giới trẻ ngày nay khiến khán giả thích thú. Đây được coi là cách quảng bá thông minh khi người hâm mộ hào hứng sử dụng các hình ảnh này cho phần bình luận thêm hài hước, độc đáo.

Rạng danh người Việt trên đất Hàn

Không chỉ gây tiếng vang ở Việt Nam, phim Cô Ba Sài Gòn mang cái nhìn đẹp đẽ về nền điện ảnh và nét đẹp truyền thống, đất nước Việt đến người xem quốc tế. Trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Busan 2017 tổ chức tại xứ sở Kim chi từ ngày 12/10 đến 21/10, gồm 300 phim thuộc 175 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia, dàn diễn viên Cô Ba Sài Gòn (Ngô Thanh Vân, Ninh Dương Lan Ngọc, Diễm My 9X, Oanh Kiều) gây ấn tượng khi xuất hiện cùng áo dài tại sự kiện thảm đỏ tối ngày 12/10, và tham dự buổi tôn vinh, trao giải thưởng ngày 13/10. Đặc biệt, Ninh Dương Lan Ngọc bất ngờ được xướng tên với giải Face of Asia Award (giải thưởng Gương mặt châu Á).

Dàn diễn viên “Cô Ba Sài Gòn” mang nét đẹp áo dài Việt Nam đến nơi đất khách.

Ninh Dương Lan Ngọc nhận giải thưởng danh giá trước khi “Cô Ba Sài Gòn” được công chiếu.

Không những vậy, tối ngày 14/10, phim Cô Ba Sài Gòn được công chiếu chính thức lần đầu tiên tại Liên hoan phim Quốc tế Busan 2017, trước 1000 người xem, hầu hết là khán giả nước ngoài, trong đó có khán giả Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực. Phim mang nét đẹp Việt Nam lên màn ảnh rộng, đem đến hình ảnh một Sài Gòn độc đáo, mà vẫn gần gũi, thân thương, những cảnh phim được đầu tư kỹ lưỡng nhận sự yêu thích từ người xem quốc tế. Đặc biệt, khán giả trầm trồ trước những cô gái Việt trong tà áo dài duyên dáng.

Người xem “Cô Ba Sài Gòn” lấp kín rạp chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Busan 2017.

Nói về màn công chiếu thành công của Cô Ba Sài Gòn, “đạo diễn triệu đô” Phan Gia Nhật Linh dùng nhiều lời có cánh: “Chúc mừng ekip phim Cô Ba Sài Gòn, phim đầy năng lượng và quá đẹp. “Sài Gòn của tôi đâu rồi” - xem và nhớ một Sài Gòn rất đẹp ngày hôm qua đã mất. Đây có lẽ là vai diễn lôi cuốn nhất của Lan Ngọc, là vai đẹp và ấn tượng nhất của Diễm My, và Quyền Ngô dựng tốt lắm nha”.

Ngoại hình và diễn xuất của các mỹ nữ trong “Cô Ba Sài Gòn” được đánh giá cao.

Đầu tư, chăm chút từ hình ảnh, âm thanh, phim Cô Ba Sài Gòn tạo nên màu sắc, hơi thở riêng biệt. Do đó, các poster, teaser, thậm chí là những chi tiết rất nhỏ mỗi khi tung ra đều khiến khán giả thích thú, xôn xao.

Chia sẻ

Bài viết

Phương Thảo

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất