Mắc lỗi sai khi tập gym sẽ khiến cơ thể của bạn “nở” ra ở những vị trí không mong muốn, tệ hại hơi là bạn có thể bị chấn thương.
1. Áp dụng sai lực chân cho động tác squat
Khi tập squat, bạn cần dồn áp lực vào 3 điểm sau trên bàn chân: điểm trước ngón chân cái, điểm trước ngón chân út, gót chân. Nếu không thể xác định đã tạo áp lực đúng chưa thì bạn hãy cởi giày ra. Đi chân trần sẽ giúp bạn cảm nhận rõ ràng cách bàn chân tiếp xúc với mặt phẳng của sàn nhà.
2. Đi giày không phù hợp
Đôi giày phù hợp nhất để đi trong lúc tập nâng tạ tất nhiên là giày cử tạ (giống loại mà các vận động viên chuyên nghiệp sử dụng). Bạn không nên đi giày chạy bộ khi tập tạ. Chúng rất phù hợp để đi bộ và chạy, nhưng với đặc điểm đế giày làm bằng gel hoặc rỗng, chúng không thể giữ cân bằng cho đôi chân của bạn.
3. Cầm thanh tạ sai cách
Khi tập tạ, rất nhiều người có thói quen đặt ngón tay cái cùng phía với các ngón tay còn lại trên thanh tạ. Cách tập này mang lại một số lợi ích, nhưng cũng rất nguy hiểm. Tay cầm không chắc có thể khiến thanh tạ rơi vào mặt hoặc ngực khiến bạn bị thương. Lời khuyên cho bạn là nắm thanh tạ thật chắc và điều chỉnh khoảng cách phù hợp để đạt được kết quả tập luyện hiệu quả nhất.
4. Sai tư thế khi tập plank
Sai lầm nhiều người mắc phải nhất khi tập plank là nâng cao mông và hạ bụng xuống thấp. Tư thế này khiến đầu bạn ngẩng lên trên thay vì nhìn xuống dưới. Khi tập, bạn hãy cúi đầu xuống và giữ cơ thể trên một đường thẳng. Bạn không nên cong lưng vì tư thế này sẽ làm căng cột sống. Bạn chỉ nên hóp mông vào một chút và siết chặt cơ mông.
5. Tập tạ tay sai cách
Khi tập tạ tay, nếu bạn nghĩ rằng cơ thể và cánh tay cần phải giữ thẳng tuyệt đối thì bạn đã lầm to. Khuỷu tay của bạn cần được uốn cong từ 20-30 độ và bạn không nên nâng tạ cao hơn vai. Đầu gối của bạn phải linh hoạt và phần thân hơi nghiêng một chút. Bạn nên tránh nâng tạ qua vai và gần đầu, thói quen này không mang lại lợi ích gì cả. Một mẹo khác bạn có thể cân nhắc là khi đưa tạ đến điểm cao nhất rồi thì hãy dừng lại một chút, như vậy bạn sẽ có cơ hội chuyển trọng tâm từ cơ hình thang ở lưng trên sang vai.
6. Sai tư thế chống đẩy
Động tác chống đẩy truyền thống rất hữu ích đối với việc làm rắn chắc phần cơ trên cơ thể, cụ thể là cơ tam đầu, cơ ngực và vai. Nhưng nếu tập sai tư thế thì bạn sẽ chẳng nhận được lợi ích nào cả. Sai lầm phổ biến nhất khi tập chống đẩy là bạn đặt cánh tay quá xa so với phần còn lại của cơ thể. Thói quen này sẽ gây căng thẳng cho cơ và khớp của bạn. Khuỷu tay của bạn nên được đặt ở góc 45 độ so với thân của bạn.
Xem thêm: Hoài Lâm: Bi kịch của một tài năng.