Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới - WHO cho biết đang ngày đêm làm việc với các cơ quan quản lý truyền thông và mạng xã hội để chống lại các tin giả liên quan đến dịch virus corona.
“Chúng tôi làm việc với Google để đảm bảo mọi người khi tìm kiếm về virus corona sẽ thấy thông tin của WHO ở đầu trang kết quả”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO nói trong bài phát biểu tại cuộc họp ban điều hành Cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Geneva.
“Các nền tảng mạng xã hội bao gồm Twitter, Facebook, Tencent và TikTok cũng thực hiện các bước để hạn chế sự lan truyền các thông tin sai lệch”, ông Tedros cho biết.
WHO cảnh báo vào cuối ngày 2/2 rằng sự bùng phát của virus corona “đi kèm với một 'bệnh dịch' khổng lồ khác” - tin giả, đặc biệt trong bối cảnh số người nhiễm bệnh và chết vì virus gây viêm phổi mới ngày một tăng.
Theo các chuyên gia, tin giả về dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona đã tạo nên một sự hoảng loạn, cả trực tuyến và cả trong đời thực. Nhờ cơ chế lan truyền của mạng xã hội trong bối cảnh việc chia sẻ đường link và thông tin cá nhân đơn giản, những kẻ xấu có thể dễ dàng chia sẻ thông tin giả hơn trước rất nhiều. Về phía độc giả, rất nhiều chỉ đọc tiêu đề tin tức được chia sẻ mà không cần xem nội dung cụ thể, nguồn gốc ra sao, mà chỉ cần những tin giật gân, gây sốc.
“Tin giật gân luôn thu hút công chúng và được quan tâm trên mạng xã hội”, Renee DiResta - Giám đốc nghiên cứu của Stanford Internet Observatory nhận định. “Vì vậy, các nền tảng chắc chắn sẽ phải tăng cường kiểm chứng và dùng thuật toán để hạn chế thuyết âm mưu. Nội dung giả mạo không hiếm gặp. Chúng xuất hiện khi bất kỳ dịch bệnh mới nào bùng phát”.
Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, họ hiện đang có các nhóm truyền thông xã hội và truyền thông “làm việc 24 giờ/ngày để xác định những tin đồn phổ biến nhất có khả năng gây hại cho sức khỏe cộng đồng, như các biện pháp phòng tránh”.