Schwerin-Wenzel, người đang làm việc tại công ty phần mềm SAP với vai trò “người lên ý tưởng thiết kế cho bóng đá và giải trí”, chính là nhân vật đã cùng một nhóm nhân sự SAP và Liên đoàn bóng đá Đức đến Palo Alto vào năm 2013 để suy nghĩ về việc áp dụng công nghệ trong bóng đá. Một năm sau đó, Đức đã tới World Cup 2014 với một công nghệ gọi là “Match Insight”, một nền tảng tập trung cho phép các cầu thủ nghiên cứu thông tin của đối thủ chỉ với vài nút bấm tương tác.
Sự thân thiện của hệ thống này đã đảo ngược lối chỉ đạo từ trên xuống truyền thống trong bóng đá. Các cầu thủ có thể chuyển những phát hiện của mình tới ông Joachim Low. “Rất nhiều thông tin đến từ chính đội tuyển tại Brazil,” thủ lĩnh Philipp Lahm nhớ lại. “Tôi không muốn phải hối hận vì đã không làm tất cả mọi thứ có thể cho thành công sau đó.”
Sau chiến thắng tại Rio, 39 đơn vị thể thao (cả câu lạc bộ và ở cấp liên đoàn) tại 12 quốc gia khác nhau đã mua nền tảng tương tự từ SAP. Công ty phần mềm này và liên đoàn bóng đá Đức kể từ đó tiếp tục “đẩy mạnh quá trình số hoá bóng đá Đức, nuôi dưỡng văn hoá phản hồi bên trong đội tuyển quốc gia,” ông Schwerin-Wenzel chia sẻ với ESPN. “Mục tiêu của công nghệ là biến công việc chuẩn bị cho trận đấu hay phân tích trận đấu là một quá trình của tập thể.”
Để thực hiện điều hành, đội ngũ của huấn luyện viên Joachim Low và các cầu thủ đã được trang bị hai phát kiến công nghệ mới, dựa trên nền tảng đám mây. “Video Cookpit” là một cổng thông tin cho phép Clemens và các cộng sự tải lên các chỉ số và video từ các đơn vị cung cấp dữ liệu cũng như tích hợp trơn tru vào công cụ gắn thẻ của đội bóng. Các thông tin định lượng hoặc định tính cùng các giải thích kèm theo sẽ được hiển thị trên bảng thông tin dành cho các cầu thủ của từng cá nhân (“Player Dashboard”) hoặc từng nhóm cầu thủ theo thời gian thực. Các cầu thủ sau đó có thể phản hồi với những bình luận, đề xuất của riêng mình.
“Các vấn đề liên quan đến chiến thuật ngày càng trở lên quan trọng trong những năm gần đây,” Clemens chia sẻ. “Huấn luyện viên, trợ lý huấn luyện viên và các nhà phân tích trận đấu đang nỗ lực để quan sát và phân tích nhiều nguồn dữ liệu cho các trận đấu. Sử dụng các tính năng mới cho phép chúng tôi chuẩn bị đội ngũ hiệu quả hơn khi ban huấn luyện và các cầu thủ nhận được các gói thông tin được “may đo” cho các trận đấu tiếp theo.”
Mặc dù thông tin có thể luôn có sẵn và cực kì tiện ích, không có lý do gì để áp dụng công nghệ này nếu chính các cầu thủ không sẵn sàng đón nhận.
“Tôi đã nhận ra nhu cầu dữ liệu bên trong phòng thay đồ của các cầu thủ tăng lên song hành cùng công nghệ từ năm 2013,” Schwerin-Wenzel nói. “Thời điểm đó, chỉ có một vài cuốn sách cùng hai hay ba video bạn có thể nhận được, nếu may mắn. Đến nay, chúng tôi thấy các cầu thủ dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu về bản thân hay đối thủ. Không có ai ép ai ở đây, các cầu thủ Đức muốn điều đó. Chúng tôi thấy nhiều cầu thủ với laptop hay iPad trên tay, liên tục yêu cầu các nhân viên cung cấp thêm nhiều thông tin hơn nữa.”
Ông cũng tin rằng trong tương lai vai trò của trí tuệ nhân tạo và công nghệ máy học trong bóng đá sẽ còn tiếp tục tăng lên.