Công nghệ định vị hiện đại trên iOS và Android giúp cho các ứng dụng điện thoại có thể chỉ ra đích xác vị trí của bạn trên bản đồ, nhờ đó tài xế Uber hay Grab có thể tìm ra bạn đang ở đâu để đón, Facebook có thể biết bạn ở đâu để gợi ý tag địa điểm, Google biết bạn ở đâu để đăng quảng cáo khu vực hợp lý.
Nhưng công nghệ mà đơn vị trực số điện thoại khẩn cấp của Mỹ, số 911 lại không có trong tay công nghệ ấy. Thật đáng ngạc nhiên, khi mà mục đích sử dụng của họ lại cấp bách hơn nhiều.
Ước tính của chuyên gia đưa ra là mỗi năm, ít nhất là 10.000 người có thể được cứu sống nếu như tổng đài 911 có thể tới được địa điểm của người bị nạn sớm hơn chỉ một phút. Công nghệ hiện đại hơn sẽ đặc biệt hiệu quả trong trường hợp này, khi mà người bị nạn đang không thể nói chính xác địa điểm hiện tại của mình.
Sau nhiều năm với nhiều áp lực tới từ người dân cũng như các phương tiện truyền thông, những công ty mạng không dây và các ông lớn tại Thung lũng Silicon cuối cùng cũng bắt tay với nhau nhằm tìm ra giải pháp. Có điều tiến độ công việc vẫn chậm chạp lắm.
Ước tính khoảng 80% trong số 240 triệu cuộc gọi tới tổng đài 911 hàng năm được thực hiện bằng điện thoại di động. Với đường điện thoại bàn, hệ thống sẽ chỉ ra địa chỉ chính xác của người gọi. Với điện thoại di động, hệ thống chỉ có thể đưa ra bán kính ước tính của người gọi mà thôi, bán kính ấy đôi khi rộng để cả vài trăm mét.
“Thực sự ức chế khi thấy lũ nhóc nhà tôi có thể gọi pizza và họ có thể biết chính xác địa chỉ nhà tôi ở đâu, tôi gọi Uber và họ biết chính xác tôi đang đứng chỗ nào”, Christy Williams, một người trực tổng đài 911 tại Dallas bộc bạch, “nhưng công nghệ này không thể áp dụng vào những cách thức cứu người cấp bách hơn”.
Nỗi ức chế này đã và đang khiến những cuộc gọi lên tổng đài 911 căng thẳng h ơn trước. Đó là nhận định của Collen Eyman, một người trực 911 khu vực Denver.
“Giây phút mà chúng tôi nhấc điện thoại lên, chúng tôi phải thực hiện phỏng vấn người ta: ‘Bạn đang ở đâu’ là câu hỏi phải có”, cô Eyman nói. “Người bị nạn khi đã gọi 911 thì chỉ muốn được giúp thôi. Họ không hiểu tại sao chúng tôi lại cứ phải hỏi nhiều vậy. Điều đó tạo ra không khí bực bội cho người gọi”.
Luật pháp nước Mỹ yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ không dây phải đưa dữ liệu chứa vị trí người sử dụng thiết bị di động lên tổng đài 911. Hồi những năm 1990, một số nhà cung cấp dịch vụ dựa vào phép đạc tam giác - xác định vị trí của điểm C bằng cách đo góc của nó với 2 điểm A và B biết trước, trong trường hợp này thì A và B là hai cột phát sóng. Sau này, các nhà sản xuất điện thoại mới bắt đầu đưa chip định vị GPS vào trong sản phẩm, qua đó việc xác định vị trí người dùng trở nên dễ dàng hơn.
GPS dựa vào vệ tinh để xác định vị trí, quá trình này có thể mất tới 30 giây. Tuy nhiên, vì dựa vào kết nối vệ tinh, nên khi thiết bị đang được đặt trong nhà, tín hiệu sẽ mất thêm thời gian khi đi qua lớp mái nhà dày phía trên. Vấn đề này ngày càng nan giải khi ngày càng nhiều hộ dân Mỹ bỏ máy bàn, chỉ dùng điện thoại di động.
Đến hồi những năm 2000, khi mà điện thoại thông minh - smartphone xuất hiện, Google và Apple đã cải tiến công nghệ bản đồ lên nhiều bằng cách chứng thực vị trí GPS với dữ liệu bên trong chiếc điện thoại, đơn cử như vị trí của máy so với một điểm phát Wi-Fi hay với một cột tín hiệu mạng di động, khí áp mà máy đo được để tính ra vĩ độ người sử dụng, …
Các công ty smartphone vẫn liên tục kiểm soát lượng thông tin này và đưa về Google hay Apple. Kết quả của việc này? Những ông lớn công nghệ sớm có khả năng xác định chính xác vị trí người dùng, vượt xa những nhà cung cấp dịch vụ di động. Đáng buồn thay, các nhà cung cấp dịch vụ và những công ty công nghệ này không sớm cùng bắt tay kết hợp, đưa những thông tin này cho tổng đài 911.
Đại diện của phía Google và Apple nói rằng họ có quan tâm đến vấn đề này.
Năm 2014, sau khi bàn bạc về vấn đề mà tổng đài 911 gặp phải, một nhóm kỹ sư mảng vị trí thiết bị Android của Google đã hạ quyết tâm rằng đã đến lúc phải làm điều gì đó. Akshay Kannan quyết định sử dụng “20% thời gian” của mình - khoảng thời gian mà Google phân cho mỗi nhân viên để tiến hành thử nghiệm - để tìm ra cách cung cấp vị trí chính xác cho tổng đài 911. Dự án này có tên Thunderbird.
Khởi đầu của dự án này là một buổi hội nghị 911 tại Denver. “Điều đầu tiên tôi nghe mọi người nói là: ‘Trước khi chúng tôi hỏi câu quen thuộc ‘Tổng đài 911 đây, trường hợp khẩn cấp của bạn là gì’ thì giờ đây, theo quy chuẩn thì phải hỏi là ‘vị trí của bạn là gì’”, Kannan nói. “Rõ ràng rằng đây là một vấn đề nan giải”.
Ban chỉ đạo tại BT Group PLC, nơi điều hành hệ thống phản ứng khẩn cấp tại Vương quốc Anh, đã có những động thái khắc phục vấn nạn này: họ đã bắt tay với Google để giải quyến vấn đề. Khoảng giữa năm 2016, họ tung ra công nghệ cải thiện khả năng xác định vị trí của người gọi lên tổng đài khẩn cấp, có thể xác định được địa điểm người gọi trong bán kính vài mét. Hiện tại, ít nhất 10 quốc gia đang sử dụng công nghệ này, bao gồm Vương quốc Anh, Áo và Estonia.
Các nhà cung cấp dịch vụ không dây tại Mỹ thì không nhanh nhạy như thế, một phần là do luật lệ nước Mỹ không khuyến khích điều này.
Gần đây, AT&T và T-Mobile US đã bắt đầu sử dụng công nghệ của Apple, điều đó đồng nghĩa với việc vị trí của những người sử dụng 2 mạng di động này mỗi khi thực hiện cuộc gọi sẽ được đo đạc chính xác hơn. Bốn nhà cung cấp dịch vụ lớn tại Mỹ là AT&T, T-Mobile, Verizon và Sprint đều đang thử nghiệm công nghệ của Google, T-Mobile dự kiến sẽ sớm kích hoạt khả năng định vị chính xác này.
Tuy nhiên, cả Google và Apple đều không đưa ra một biện pháp có thể gọi là “đến nơi đến chốn”, theo lời nhận định của các kỹ sư nhà mạng. Phương pháp họ đưa ra khác nhau và mỗi cách lại chỉ hoạt động trên thiết bị của họ mà thôi. Dữ liệu mới chỉ dừng ở mức ước đoán chứ chưa thể chỉ ra đích xác địa chỉ đang ở của người gọi. Địa chỉ chính xác mới là thứ cộng đồng trực tổng đài 911 mong mỏi.
Hiện tại, các nhà cung cấp dịch vụ không dây đang tập trung vào việc xây dựng một cơ sử dữ liệu gồm địa chỉ MAC của điểm phát Wi-Fi - mỗi một thiết bị phần cứng mạng chỉ có duy nhất một địa chỉ MAC được nhà sản xuất gắn cho, qua đó từ địa chỉ MAC có thể suy ra địa chỉ thực của chủ sở hữu. Hệ thống này có tên là Cơ sử dữ liệu Địa chỉ Khẩn cấp Quốc gia - NEAD tương đương với cơ sở dữ liệu Wi-Fi mà Google và Apple đang sử dụng.
Khác với cách của Google và Apple là tự động cập nhật cơ sở dữ liệu khi điện thoại kết nối với điểm phát Wi-Fi, hệ thống mới sẽ yêu cầu các công ty lớn, những tòa nhà lớn nhập địa chỉ phát tín hiệu của mình vào cơ sở dữ liệu chung một cách thủ công. Dần dần, các công dân sử dụng dịch vụ mạng cũng sẽ phải làm điều tương tự.
Dự kiến NEAD sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2018. Hiện tại cơ sở dữ liệu này vẫn đang trống nhưng mục tiêu của các nhà cung cấp dịch vụ không dây là 30 triệu điểm phát tín hiệu vào năm 2021. Những dữ liệu này CHỈ được sử dụng bởi tổng đài 911.
Nhưng từ giờ đến lúc đó, các cán bộ trực 911 vẫn phải “sống chung với lũ”, cơn lũ đã dài cả chục năm.