Chiều hôm qua (7/11), một số nguồn tin cho rằng thông tin của 5 triệu khách hàng thuộc Thế Giới Di Động (TGDĐ) đã bị hacker thâu tóm, trong đó bao gồm nhiều thông tin quan trong như email, số thẻ, số tiền, phí và nhiều thông tin khác.
Trả lời báo chí, ông Đặng Thanh Phong, Trưởng phòng truyền thông của Thế Giới Di Động cho biết đã nhận được thông tin phản ánh, đã kiểm tra và khẳng định thông tin chia sẻ trên diễn đàn không chính xác. Đồng thời hệ thống Trưởng phòng truyền thông của Thế Giới Di Động cũng khẳng định hệ thống CNTT của đơn vị vẫn an toàn, hoạt động bình thường và không hề bị ảnh hưởng.
Được biết, TGDĐ chỉ nhận được thông tin giao dịch đã thực hiện hoàn tất hay không hoàn tất, chứ không có thông tin về tài khoản thẻ của khách hàng. Như vậy, việc hacker tuyên bố đã hack vào hệ thống để lấy thông tin mà TGDĐ không lưu trữ là một điều không có thực.
Liên quan đến thông tin email của khách hàng, việc này hacker có thể thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, TGDĐ cũng khẳng định thông tin này không được lấy từ hệ thống của họ. Ngoài ra, TGDĐ cho biết đang điều tra nguồn phát tán thông tin để có hướng xử lý phù hợp.
Chưa đến mức mất tiền
Nhiều chuyên gia bảo mật cho biết, theo như thông tin bên hacker công bố chỉ có số thẻ của khách hàng, không rõ có lưu thêm thông tin về các mã code giao dịch hay thông tin về thời gian, thông tin trên thẻ nữa hay không.
Và nếu như chỉ có thông tin về số thẻ không thì hacker cũng chưa thể lấy được tiền của người dùng. Tất nhiên, trong trường hợp hacker có thể đoán được các thông tin còn lại hoặc tìm một số nguồn nào đấy lấy được thông tin đầy đủ của thẻ thì khi đó người dùng mới có nguy cơ mất tiền.
Cùng chung nhận định, nhiều chuyên gia cho rằng ở thời điểm này chưa thể kết luận dữ liệu mà hacker công bố là thật hay giả. Bởi có không ít nguyên nhân khiến khách hàng bị lộ thông tin, và không ngoại trừ khả năng toàn bộ dữ liệu kia được hacker kiếm từ một nguồn nào khác rồi vu vạ cho TGDĐ.
Bạn cần phải làm gì?
Nếu bạn đã từng có lịch sử giao dịch với hệ thống bán lẻ này và lo lắng về thông tin của mình bị hacker thâu tóm thì tốt nhất hãy nhanh chóng khóa thẻ ngân hàng ngay lập tức nếu tìm thấy số thẻ, email của mình trên các tập tin bị phát tán.
Ngoài ra, để không trở thành nạn nhân bất đắc dĩ trong các vụ hack, người dùng cần phải giữ kín các thông tin như số thẻ, hiệu lực thẻ, mã số bảo vệ thẻ, thông tin đăng nhập Internet Banking, ngân hàng trực tuyến và mã PIN hay OTP cho người khác. Ngoài ra, chủ thẻ nên thường xuyên thay đổi mã PIN, lấy tay che bàn phím khi giao dịch tại máy ATM, POS.
Đồng thời, khi mua hàng trực tuyến, chủ thẻ cần nên xem kỹ địa chỉ website để tránh không đăng nhập vào hệ thống điện tử từ các liên kết giả mạo hoặc từ các liên kết được gửi từ email, thông tin quảng cáo không tin tưởng, không rõ nguồn gốc.