Vài tháng trở lại đây, khi các tỉnh miền Bắc bắt đầu bước vào mùa hè, chi phí điện tiêu thụ hàng tháng của các hộ gia đình tăng lên không ít. “Tháng vừa rồi, tiền điện gia đình mình tăng 300.000 đồng,” chị Minh, một người dân sống tại quận Đống Đa, Hà Nội, chia sẻ. Đồng ý rằng việc sử dụng các thiết bị tiêu tốn điện năng như điều hoà là một phần lí do cho xu hướng này, chị Minh vẫn tìm mua một thiết bị tiết kiệm điện theo lời giới thiệu của một người bạn với hi vọng có thể tiết kiệm chi phí hàng tháng.
Chị Minh tìm mua một thiết bị tiết kiệm điện có giá khoảng 520.000 trên thị trường cùng những lời quảng cáo có cánh như “vẫn sử dụng các thiết bị điện như trước nhưng trả ít hơn một nửa” hay “tiết kiệm 42%”. Cũng theo chia sẻ của người bán hàng, thiết bị mà chị mua có nguồn gốc từ Đức. Dù vậy, theo thực tế theo dõi, chị Minh khẳng định thiết bị mà mình bỏ tiền mua không hề có tác dụng.
Thực tế, không khó để tìm mua các thiết bị tiết kiệm điện ở Việt Nam tại thời điểm hiện tại. Trên các trang thương mại điện tử hoặc website của nhà bán, các thiết bị này có giá dao động từ khoảng 200.000 đồng cho tới 2,5 triệu đồng. Cách sử dụng của các thiết bị này khá đơn giản khi tất cả những gì người dùng cần làm là kết nối nó với ổ điện của gia đình. Bên cạnh tiết kiệm điện, một số thiết bị được chào bán còn khẳng định có thể có thể giúp kéo dài tuổi thọ các thiết bị điện trong gia đình.
Dù thế, về mặt kĩ thuật, tất cả các thiết bị điện khi cắm vào nguồn điện và hoạt động thì đều tiêu thụ một lượng điện năng nhất định. EVN từng đưa ra khuyến cáo rằng các thiết bị đấu vào mạch điện phía sau công tơ chỉ có thể cải thiện một phần hệ số công suất (Cos φ) của thiết bị điện, làm giảm tổn thất điện năng của dây dẫn và giảm một phần hao phí. Tuy nhiên khó có thể có một thiết bị nào có thể giúp tiết kiệm từ từ 30% đến 40% chi phí điện năng như các quảng cáo sản phẩm trên Internet.