Tất cả trong số chúng ta có lẽ đều đã từng nghe qua câu chuyện của ông vua Midas - ông vua có khả năng biến mọi thứ mình chạm vào thành vàng. Trong thời đại 4.0, hình ảnh ông vua Midas trong chuyện thần thoại Hi Lạp lại phảng phất xuất hiện trong những câu chuyện những cú click biến mọi thứ thành vàng, mang đến sự giàu sang dễ dàng chỉ sau một đêm cùng những khái niệm như tiền ảo hay ICO nổi cộm tại Việt Nam trong năm vừa qua.
Vào trung tuần tháng 12 năm 2017, Coindesk ghi nhận giá trị của một đồng Bitcoin giao dịch trên thị trường chạm đỉnh trong lịch sử của nó ở mức 19.783,06 USD. Điều đáng nói là con số này cho thấy giá trị của đồng tiền mã hoá nói trên đã tăng 1.824% so với giá trị của nó vào hồi tháng 1 năm 2017. Hiệu ứng mà Bitcoin tạo ra được cũng khiến nhiều đồng tiền mã hoá khác tăng giá trị. Tất cả khiến tiền mã hoá hay ICO trở thành một trong những chủ đề được nhắc đến nhiều nhất trong những tháng ngày đầu năm 2018.
Vậy chính xác thì ICO là gì?
Hãy tưởng tượng như thế này: Bạn là một dự án khởi nghiệp với ý tưởng tuyệt vời cho một hệ thống tiền mã hóa mới. Có thể bạn đang muốn đơn giản hóa quá trình thanh toán tiền công trông trẻ cho những người trông trẻ bằng cách mã hóa công đoạn này và thực hiện thông qua các hình thức kỹ thuật số. Đây là một ý tưởng tuyệt vời! Hãy gọi nó là BabyCoin. Vấn đề duy nhất là bạn cần các nhà đầu tư để biến đồng tiền này thành hiện thực. Bạn hoàn toàn có thể tới ngân hàng để vay vốn hoặc tìm kiếm đầu tư thiên thần, nhưng lại có một cách để bạn có thể nhận được đầu tư mà không mất cổ phần công ty: ICO.
Đây là cách ICO hoạt động: Bạn sẽ tạo ra một tài liệu thuật lại chi tiết cách thức hệ thống hoạt động (thường được gọi là giấy trắng (white paper)), thiết kế một website bắt mắt và giải thích tại sao ý tưởng kinh doanh của mình lại tuyệt vời. Sau đó, bạn kêu gọi mọi người gửi tiền (thông thường dưới dạng Bitcoin hoặc Etherium), đổi lại bạn gửi tới các nhà đầu tư này một số đồng BabyCoin. Người tham gia ICO hy vọng một ngày nào đó BabyCoin sẽ có mức độ lưu thông lớn, được sử dụng nhiều có giá trị tăng lên gấp nhiều lần.
Thế nhưng mọi thứ không vận hành một cách đơn giản như vậy.
Trung tuần tháng 7 năm 2018, một báo cáo được thực hiện bởi công ty tư vấn ICO Statis Group cho biết trên 80% số dự án ICO được thực hiện trong năm 2017 là lừa đảo. Nghiên cứu này tập trung vào các dự án ICO ở mọi chu kì vòng đời, từ đề xuất bán ra các đồng tiền mã hoá lần đầu cho đến giai đoạn sau như bắt đầu giao dịch trên các sàn tiền mãn hoá. Tại Việt Nam, không ít dự án ICO cũng “vỡ nở” trong năm 2018 và đằng sau chúng là bộ mặt thật của những dự án lừa đảo.
iFan là một trong những vụ lừa đảo liên quan đến tiền ảo - ICO được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2018. Với việc bị tố lừa số tiền lên tới 15.000 tỷ đồng, ngay cả truyền thông nước ngoài cũng phải chú ý đến dự án này như một vết đen trong ngành công nghiệp tiền ảo trong năm qua. Núp bóng một đồng tiền được tạo ra liên quan đến một ứng dụng quản lý thu nhập cho các nghệ sỹ. iFan tạo ra hiệu ứng trong dư luận bằng những nhân tố “cò mồi” trong vai những người háo hứng khi được sở hữu những token đầu tiên với giá chưa đến 1 USD/ iFan. Sau một thời gian mở bán, giá trị đồng tiền mã hoá này tiếp tục được đẩy lên để tạo hiệu ứng. Chỉ một tháng, giá trị iFan tăng gấp bảy lần.
Sau khi đầu tư, nhà đầu tư có hai hình thức lựa chọn, ủy thác cho vay hoặc chờ tăng giá. Thực tế, hình thức ủy thác cho vay chính là cách để ngăn cản nhà đầu tư thoái vốn. Theo đó, nếu muốn bán 250 USD giá trị iFan để chốt đầu tư, nhà đầu tư sẽ buộc phải cho vay (lending) 1.000 USD cho iFan với lãi suất dao động trong trong khoảng từ 48% tới 59%.
iFan bên cạnh đó còn khuyến khích người tham gia lôi kéo thêm nhiều người khác tham gia để có thể rút tiền và thu về phần hoa hồng. Đây có lẽ cũng là thời điểm bản chất “đa cấp” thiếu lành mạnh của nó lộ rõ nhất.
Bên cạnh đó, iFan còn tạo ra một sàn giao dịch nội bộ, liên tục bơm, xả các đồng token thực tế do chính mình phát hành để tạo ra giá trị, trả lãi cho các gói cho vay. Đây là một hình thức thao túng giá và thực tế khi không còn đủ coin để thao túng, iFan thông báo bảo trì, đóng sàn giao dịch hay bị hacker tấn công để gây hiệu ứng bán tháo. Thế nhưng lúc này, giá sàn lại được đặt ở mức cao khiến đồng tiền mất thanh khoản và dự án đi vào ngõ cụt.
Dự án này thậm chí còn công bố kế hoạch lên sàn giao dịch quốc tế. Thế nhưng, không có trong tay một sản phẩm chất lượng chống lưng, đây cũng chỉ là tia hy vọng le lói cuối cùng mà không bao giờ xảy ra của những người lỡ chân bước vào mê cung của sự thao túng.
Trước đó, vào trung tuần tháng 1, những nhà đầu tư Việt Nam tham gia vào dự án BitConnect cũng đã phải lao đao khi gía trị sụt giảm xuống còn 21 USD từ 331 USD. Đằng sau BitConnect không phải một mô hình kinh doanh bền vững và thực tế thì tính rủi ro của dự án này cũng đã được bàn đến từ rất lâu trước đó.
Trường hợp của Bitconnect hay iFan cho chúng ta thấy một điểm chung rằng không có bất kì một căn nhà nào có thể xây lên cao mà không có một nền móng vững chắc. Và nếu cứ đầu tư vào những dự án “bất động sản” chọc trời nhưng không có một cái móng ra gì, việc dự án sụp đổ sẽ chỉ là chuyện sớm hay muộn.
Hiệu ứng đám đông, lòng tham và sự thiếu hiểu biết có thể được xem là những nguyên nhân hàng đầu khiến những sự vụ như iFan có thể xảy ra. “Sự thiếu hiểu biết thể hiện ngay ở việc nhiều người dễ dàng tin vào một hình thức kinh doanh mang lại lợi nhuận mang lên tới 50% một tháng, tức là chỉ cần hai tháng bạn đã được hoàn vốn,” ông Nguyễn Quang Vũ, một chuyên gia trong lĩnh vực tiền mã hoá - blockchain chia sẻ. Vị chuyên gia này theo đó khuyến khích các nhà đầu tư nâng cao hiểu biết của mình trước khi ra quyết định đầu tư. So sánh việc đầu tư vào tiền ảo hay các dự án ICO với việc mua một căn nhà, có thể thấy rõ sự cảm tính trong cách đầu tư những đồng tiền quý giá của nhiều người.
Theo đó, đặt mình vào vị trí một một người mua nhà, chắc chắn bạn cũng sẽ đặt ra rất nhiều câu hỏi như chủ nhà là ai, hàng xóm ra sao, hướng nhà thế nào, tình trạng sổ đỏ có ổn không… rồi mới quyết định chốt “deal”. Thế nhưng, khi đầu tư vào một công nghệ mới mà có thể chính nhà đầu tư còn chưa hiểu rõ chúng là gì, nhiều người lại có thể đưa ra quyết định đầu tư chỉ trong… một nốt nhạc.
Thực tế, tiền mã hoá hay công nghệ đứng đằng sau nó, blockchain, có thể có rất nhiều ứng dụng trong tương lai. Chẳng có gì phải nghi ngờ về điều này. Thế nhưng trước khi thấy được tương lai đó, chúng ta phải vượt qua rất nhiều khó khăn bởi có quá nhiều sự mơ hồ đến từ những kẻ lừa đảo.
Dựa trên kinh nghiệm của mình, ông Vũ chia sẻ thực tế có nhiều cách để nhận biết các dấu hiệu ICOs lừa đảo bằng một loạt các câu hỏi như tư cách pháp nhân nào đứng đằng sau ICOs, những cá nhân nào dẫn dắt dự án, có cách nào để xác thực danh tính của họ không, dự án có sách trắng không rõ ràng, tốc độ triển khai dự án…
Tuy nhiên, có một cách đơn giản hơn để nhận biết các dự án có yếu tố lừa đảo.
Ông Vũ chia sẻ tất cả các mô hình có liên quan đến collective investment scheme (tạm dịch: ủy thác đầu tư), tức là một nhóm các nhà đầu tư góp tiền đầu tư để được hưởng lợi từ công việc kinh doanh và có hoạt động chia lại tiền thì đều phải có giấy phép liên quan đến hoạt động chứng khoán tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nếu các dự án này sử dụng công nghệ blockchain và cho ra đời một loại token để tiến hành việc góp vốn như trên thì loại token này được gọi là “security token” và loại token này chịu sự quản lý của Luật chứng khoán.
Đối với các dự án utility token, bản chất của việc đầu tư này không liên quan đến hoạt động chứng khoán bởi không có hoạt động chia lại tiền và không có quan hệ cổ đông giữa nhà đầu tư và dự án. Lúc này, nhà đầu tư thực hiện góp tiền vào một dự án để những nhà sáng lập có nguồn vốn phát triển công nghệ. Khi dự án hình thành, token chính là một dòng vận hành chảy bên trong dự án. Dự án càng phát triển, nhu cầu về token càng tăng lên. Nhà đầu tư được lợi khi đồng tiền được niêm yết trên sàn tiền tệ số.
Như vậy, có thể rút ra một kết luận là nếu một dự án ICOs, tiền mã hóa có thực hiện chi trả thưởng, chia tiền trong khi chưa có giấy phép hoạt động liên quan đến luật chứng khoán, khả năng cao đây là một dự án “đặc biệt rủi ro”.
Sự phát triển của công nghệ 4.0 mang đến rất nhiều khía cạnh mới mà chúng ta có thể hưởng lợi từ nó. Thế nhưng, không phải tất cả mọi cú click đều có thể biến mọi thứ thành vàng như bàn tay của vua Midas trong thần thoại Hy Lạp. Sẽ chẳng có con đường nào dẫn đến sự giàu có chỉ sau một đêm. Hưởng lợi từ thời đại công nghệ nói chung hay các dự án đầu tư ICO - tiền mã hoá nói riêng đều đòi hỏi một sự hiểu biết sâu đậm, một sự tìm hiểu công phu và một chính kiến rõ ràng, bằng không, những khối tài sản khổng lồ mà chúng ta đã đổ mồ hôi mới kiếm được sẽ mất trắng bởi đối với ICO hay tiền mã hoá ở thời điểm hiện tại chưa có luật định, hay quy định nào để bảo vệ các nhà đầu tư và cũng chẳng có biện pháp bảo hiểm nào cho sự mất mát có thể xảy ra.