Weird Whales là bộ sưu tập biểu tượng cá voi dạng pixel lấy ý tưởng từ một bức ảnh có sẵn trên mạng. Chủ sở hữu của chúng là Benyamin Ahmed, một thiếu niên 12 tuổi sống ở khu vực ngoại ô thủ đô London.
"Em thấy hứng thú với NFT vì ban đầu nghĩ rằng nó là cách thú vị để thể hiện bản thân trên mạng", Benyamin nói. Thiếu niên này quyết định tự xây dựng bộ sưu tập của bản thân sau khi cảm thấy hâm mộ phong cách nghệ thuật kỹ thuật số của những bộ sưu tập NFT nổi tiếng như CryptoPunks và Bored Ape Yacht Club.
Mỗi bức ảnh thuộc bộ sưu tập Weird Whales đều có đặc điểm riêng biệt, một số trong đó hiếm và mang giá trị cao hơn hẳn. Bức ảnh thứ 1.205 trong bộ sưu tập được đánh giá là ảnh hiếm thứ 8 trong tổng cộng 3.350 NFT của Weird Whales, có giá bán lại khoảng 6.000 USD.
Imran Ahmed, bố của Benyamin, là nhà phát triển web cho một công ty dịch vụ tài chính. Hai anh em Benyamin được bố hướng dẫn về HTML và CSS từ khi mới 5 tuổi. Cả hai đang hoàn thiện kỹ năng trên các nền tảng lập trình online.
Weird Whales khởi đầu khi một trong các nhà phát triển dự án NFT Boring Bananas gửi cho Benyamin đoạn script Python với khuôn mẫu để tự tạo hình ảnh nhiều lớp. Imran hướng dẫn con trai cách đưa những yếu tố của riêng mình vào hình ảnh. "Tôi nói với thằng bé rằng: 'Con phải thay thế các tên biến ở đây. Con có thể thay thế những thứ như quả chuối và hình nền trong ảnh'", ông nhớ lại.
Quan hệ với nhóm Boring Bananas giúp Weird Whales nhanh chóng thu hút sự chú ý và Benyamin thu về 80 ETH, tương đương 160.000 USD, chỉ trong 9 tiếng. "Em cũng nhận được phí bản quyền từ OpenSea. Mỗi khi có người mua một ảnh cá voi, em lại thu về 2,5% giá bán", thiếu niên này cho hay.
Hệ thống tài chính truyền thống, vốn đi kèm hàng loạt đạo luật bảo vệ người tiêu dùng, sẽ không cho phép một thiếu niên nhận về 160.000 USD mà không có sự đồng ý của bố mẹ hoặc người giám hộ. Benyamin cho biết cậu không có ý định tiêu số tiền này trong tương lai gần. "Em sẽ giữ lại để đầu tư", Benyamin nói.
NFT (Non-fungible token) - chuỗi mã đại diện cho các vật phẩm trên - sử dụng công nghệ blockchain, tương tự nền tảng Bitcoin. Khả năng sử dụng của NFT không nằm ở những vật phẩm, như bức tranh JPG hay dòng Tweet kể trên, mà nằm ở quyền sở hữu độc quyền chúng, được chứng nhận bởi chuỗi mã NFT. Nhờ đó, món hàng trở thành duy nhất.