Đến hẹn lại lên, cứ tối 30 Tết, khán giải truyền hình lại háo hức chờ đón chương trình “Táo quân” trên sóng truyền hình như một cách để nhìn lại toàn bộ các sự kiện xã hội diễn ra trong suốt một năm qua với những màn tung hứng đầy tiếng cười nhưng không kém phần chua cay của các Táo. “Táo quân 2019” không phải một ngoại lệ. Chương trình theo đó tiếp tục mang đến cho người xem những bất ngờ thú vị và đầy mới mẻ. Dù vậy, người xem truyền hình năm nay cũng nhận ra một thực tế rằng… “Táo quân 2019” tràn ngập quảng cáo.
Theo đó, các nội dung quảng cáo trong “Táo quân 2019” được lồng ghép khá khéo léo vào nội dung. Vì thế, chúng xuất hiện dày đặc nhưng không qúa vô duyên và phản cảm. Thực tế, các nội dung quảng cáo năm của doanh nghiệp đều dường như đã được đạo diễn “may đo” cẩn thận sao cho phù hợp nhất với bối cảnh và nội dung của các màn chầu của các Táo. Mặc dù không được tiết lộ, thế nhưng nhiều người có kinh nghiệm trong ngành truyền thông đều dự đoán các “slot” quảng cáo trong “Táo quân” đều có giá thành rất cao.
Đây cũng là một điều dễ hiểu bởi “Táo quân” có thể nói là một trong những chương trình có sức lan toả cao và tỷ lệ người xem (rating) cao nhất trong dịp Tết Nguyên đán. Quảng cáo là một nguồn doanh thu quan trọng với các nhà đài để bù đắp cho các chi phí sản xuất chương trình. Vai trò của quảng cáo truyền hình cũng được thể hiện rõ nét trong các sự kiện thể thao gần đây như AFF Cup 2018 hay Asian Cup 2019 khi báo giá quảng cáo cho các trận đấu có đội tuyển Việt Nam thi đấu tăng lên theo từng vòng đấu (đồng nghĩa với sức quan tâm của khán giả cũng cao hơn.)
Thực tế, “kỹ thuật” quảng cáo nói trên vẫn được những người trong ngành gọi bằng thuật ngữ “product placement”. Không chỉ tại Việt Nam, kỹ thuật quảng cáo này còn xuất hiện trong rất nhiều phim điện ảnh hay các TV show nổi tiếng trên thế giới. So với quảng cáo truyền thống, “product placement” được đánh giá mang lại hiệu quả cao hơn nếu được sử dụng hợp lý vì tính tự nhiên.