Với những người nói tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai, phát âm chuẩn từng từ là một thách thức lớn. Ngay cả khi bạn có khả năng đọc và viết tốt, loại bỏ ảnh hưởng của ngôn ngữ mẹ đẻ trong giọng nói khi nói tiếng Anh vẫn không phải một điều dễ làm. Để nói thành thạo như người bản xứ, bạn có thể phải mất nhiều năm luyện tập.
Đó là lí do vì sao Văn Đinh Hồng Vũ phát triển một ứng dụng có tên ELSA. Bắt đầu từ Việt Nam, Văn Vũ có khoảng thời gian theo học MBA và thạc sĩ giáo dục tại Đại học Stanford. Giống nhiều sinh viên quốc tế khác, năm đầu tiên tại Mỹ của Vũ đầy thử thách khi cô rất lo lắng về khả năng nói tiếng Anh của mình, bất chấp thực tế Văn Vũ là một học sinh tiếng Anh xuất sắc ở quê nhà.
“Khi tôi phát hiện ra vấn đề này, không có giải pháp tốt cho nó. Nói đến kĩ năng nói, người ta có thể tìm đến các chuyên gia luyện nói với giá khoảng 150 USD mỗi giờ hoặc xem YouTube hay Netflix, nhưng đây là cách học một chiều,” Vũ chia sẻ với Kr-ASIA.
Tiếng Anh là một ngôn ngữ chuyên nghiệp toàn cầu. Người sử dụng nó phải đủ rõ ràng để đảm bảo hiệu quả giao tiếp trong cả công việc và đời sống hàng ngày, Văn Vũ nhận định. “Một báo cáo cho thấy những người nói tiếng Anh đủ tốt cùng chất giọng rõ ràng có thể kiếm được nhiều hơn người khác 40%.”
Văn Vũ nhìn nhận đây là một cơ hội. Cô cùng bạn đồng hành, Xavier Anguera, người có bằng tiến sĩ ngành xử lý giọng nói, quyết định sẽ tạo ra một công nghệ nhận diện giọng nói vào năm 2015.
“Chúng tôi dùng công nghệ học sâu và AI để nhận diện lỗi phát âm của người dùng với độ chính xác 95+%. ELSA nghe người học phát âm để tìm ra chính xác lỗi sai và cung cấp phản hồi theo thời gian thực cùng các gợi ý để họ có thể khắc phục,” cô nói thêm.
Startup ELSA hiện đang đặt trụ sở ở San Francisco và có văn phòng ở Bồ Đào Nha, Ấn Độ và Việt Nam. ELSA hiện đã gọi được 12 triệu USD đầu tư từ các nhà đầu từ thung lũng Silicon và Châu Á, bao gồm Gradient Ventures, quỹ của Google tập trung vào công nghệ AI. Theo Văn Vũ, ứng dụng hiện có 6,5 triệu người dùng từ 101 quốc gia với 3 triệu người dùng ở Việt Nam.
Hệ thống ELSA được “luyện tập” bằng dữ liệu giọng nói của rất nhiều người nói Tiếng Anh. Bằng cách này, nó có thể nhận ra cách phát âm của những người phi bản xứ. Đây là điểm khác biệt với rất nhiều công nghệ nhận diện giọng nói khác, Vũ Văn chia sẻ thêm.
Sau khi tải về ứng dụng và đăng kí, người dùng sẽ được thực hiện một bài kiểm tra trình độ. ELSA chấm điểm người dùng từ 0 đến 100 với hầu hết người bản xứ sẽ đạt từ 95 điểm trở lên.
ELSA sử dụng mô hình freemium, đồng nghĩa với việc người dùng có thể dùng nó miễn phí song cũng có thể mua thêm các tính năng cao cấp của ELSA Pro có thể mở khoá các bài học cao cấp hơn. Phí đăng kí dịch vụ ELSA dao động trong khoảng từ 3 USD đến 6 USD/ tháng.
Văn Vũ tiết lộ ELSA đón nhận tăng trưởng người dùng trả phí khá ấn tượng trong năm 2018 khi số lượng tăng lên 3,5 lần so với một năm trước đó.
Song xu hướng tăng trưởng tích cực này vẫn có nhiều thách thức. Vũ Văn nói dù nhiều người sẵn sàng trả tiền đắt đỏ cho các lớp học tiếng Anh, họ vẫn thích các ứng dụng miễn phí.
“Chúng tôi muốn cung cấp sản phẩm miễn phí nhưng nếu như vậy thì chúng tôi sẽ không có nguồn lực để phát triển một sản phẩm đăng cấp quốc tế trong dài hạn và cải thiện đời sống con người,” cô nói.
“Phí sử dụng ELSA đã thấp nhất có thể. Nó chỉ tương đương số tiền một cốc cà phê mỗi tháng mà thôi,” người đứng đầu ELSA nói thêm.
Sau khi gọi vốn vòng Series A vào tháng 2/2019, ELSA đã mở rộng ra nhiều quốc gia đồng thời tuyển dụng các nhân sự đại diện ở nhiều thị trường lớn tại Châu Á như Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản. Ứng dụng này mới đây đã ra mắt ở Indonesia nơi Vũ Văn tỏ ra cực kì lạc quan.
“Indonesia có 270 triệu người dân - là quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á,” cô nói. “Indonesia cũng là một trung tâm công nghệ lớn trong khu vực và chúng tôi tin nhu cầu học tiếng Anh tốt hơn ở đây là rõ ràng.”