Hồi tháng 7, CEO SoftBank Group Masayoshi Son tới thăm Indonesia và cam kết đầu tư 2 tỉ USD vào quốc gia này thông qua Grab. Grab cũng mong muốn được xây dựng “trụ sở thứ hai” của mình ở Jakarta. Thế nhưng, những ngày ngọt ngào ấy dường như đã xa.
Chỉ ba tháng sau đó, với định giá gần nhất 14 tỉ USD, theo CB Insights, Grab đang phải suy nghĩ nghiêm tục về việc phải có lợi nhuận, tương tự nhiều startup khác đang cạnh tranh trong môi trường công nghệ đầy hấp dẫn của Châu Á.
Nhà đầu tư lớn nhất của Grab, SoftBank, với đầu tư 3 tỉ USD vào startup này, mới đây đã phải xoá bỏ nhiều tài sản trước cú trượt giá của nhiều khoản đầu tư khác như WeWork hay Uber. Thực tế này cũng sẽ khiến SoftBank phải bắt đầu thực sự chú ý đến lợi nhuận các khoản đầu tư mình từng thực hiện để lấy lại niềm tin từ các đối tác góp vốn đầu tư.
“Bạn cần phải có những công ty kinh doanh ý nghĩa,” Rajeev Misra, người quản lý quỹ Vision Fund của SoftBank, chia sẻ vào tháng trước. “Việc khẳng định ‘tôi có thể phá vỡ ngành công nghiệp này với một mô hình kinh doanh tệ’ chẳng đi tới đâu cả.” Hồi đầu tuần này, giá cổ phiểu của Uber, một khoản đầu tư khác của SoftBank, cũng giảm 6% sau khi công bố khoản lỗ lớn trong quý hoạt động gần nhất.
Tệ hơn, CEO và người đồng sáng lập Go-Jek, đối thủ lớn nhất của Grab tại Đông Nam Á, mới đây cũng rời startup này để tham gia nội các của Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
“Chúng tôi tin chính phủ Indonesia sẽ công bằng và tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tấy cả, bởi vì điều này cũng chính là lợi ích của họ,” người đồng sáng lập Grab Tan Hooi Ling chia sẻ với Nikkei Asian Review. Ngay cả thế, việc người đồng sáng lập và CEO của Go-Jek Nadiem Makarim trở thành Bộ trưởng bộ Giáo dục và Văn hoá Indonesia cũng khiến hình ảnh Go-Jek đẹp hơn so với Grab tại nền kinh tế Internet lớn nhất Đông Nam Á này.
Giữa những đổi thay nhanh chóng, Grab đang tinh chỉnh chiến lược của mình trong các mảng vận hành lợi nhuận cao như giao đồ ăn hay sức khoẻ.
Vào ngày 30/10, Grab ra mắt dịch vụ mới GrabFood Signature ở Indonesia, trong đó Grab và 60 nhà hàng hợp tác để phát triển các thực đơn độc quyền chỉ có trên ứng dụng Grab. Thực đơn độc quyền này có thể mang lại biên lợi nhuận lớn hơn cho Grab. Đổi lại, Grab cung cấp cho các nhà hàng dữ liệu về xu hướng tiêu dùng của khách hàng phục vụ cho mục đích kinh doanh.
Grab đã triển khai dịch vụ giao đồ ăn từ năm 2016 và hiện đã vận hành ở Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines. Theo thống kê từ Kantar, Grab là ứng dụng giao đồ ăn phổ biến nhất tại tất cả các quốc gia này trong quý II năm nay.
“Giao đồ ăn sẽ giúp chúng tôi có lợi nhuận nhanh hơn,” Lim Kell Jay, giám đốc khu vực mảng đồ ăn của Grab, nói trong một buổi phỏng vấn với Nikkei Asian Review. Cụ thể, ở mảng gọi xe, chiết khấu Grab giữ lại là 20%, con số này ở mảng giao đồ ăn là 30%.
Grab cũng đang nghiên cứu tiềm năng ở các mảng dịch vụ khác, ví dụ như cung cấp dịch vụ cho các nhà hàng, Lim tiết lộ. Bên cạnh đó, ông lớn gọi xe Đông Nam Á còn đánh giá khả năng thâm nhập các thị trường mới như Myanmar hay Campuchia - những thị trường hiện chưa có dịch vụ giao đồ ăn hoạt động. Hiện tại, giao đồ ăn đang chiếm 20% trong tổng số giá trị giao dịch (GMV) của Grab song Lim tin rằng “đồ ăn sẽ vượt qua mảng gọi xe trong tương lai”. Thị trường thực phẩm trực tuyến tại Đông Nam Á có thể chạm mốc 3,4 tỉ USD vào năm nay, tăng 30% so với năm 2018, theo Euromonitor International. Thị phần mảng trực tuyến với chỉ chiếm 3%, đồng nghĩa rằng dư địa để phát triển cho các dịch vụ như Grab vẫn còn rất nhiều. Dù vậy, cạnh tranh sẽ là không nhỏ.
Grab đang đặt mục tiêu trở thành siêu ứng dụng số 1 Đông Nam Á nơi người dùng có thể tìm thấy mọi thứ, song việc ra mắt các dịch vụ mới ngày càng khó khi đối thủ lớn đã hiện diện ở hầu hết các lĩnh vực. Tháng trước, Grab thử nghiệm dịch vụ khám bệnh từ xa ở Indonesia, trễ hơn nhiều so với kế hoạch “ra mắt thử nghiệm ở một số thị trường vào quý I năm 2019” công bồ hồi năm ngoái. Ở lĩnh vực này, Grab sẽ phải cạnh tranh với nhiều ông lớn khác như Halodoc.
“Chúng tôi đã có lợi nhuận ở một số mảng kinh doanh lõi. Với những mảng chưa có lợi nhuận, chúng tôi có đường hướng rõ ràng để có lợi nhuận,” một người phát ngôn Grab khẳng định. Cho tới thời điểm đó, cuộc chiến vẫn còn rất khốc liệt.