ASIAD 2018 sắp sửa khai màn nhưng với số tiền bản quyền phát sóng lên tới nhiều triệu USD, vẫn chưa có thêm tia hy vọng nào cho người hâm mộ Việt Nam về việc có cơ hội được xem sự kiện này trên màn ảnh nhỏ khi phía nhà đài cho rằng số tiền trên vượt quá khả năng tài chính. Vì đâu giá bản quyền phát sóng ASIAD 2018 lại cao đến vậy?
Quy luật cung - cầu
Như đã từng nhắc đến trong một bài viết trước đó, nếu coi bản quyền phát sóng truyền hình các sự kiện thể thao là một món hàng thì tình yêu thể thao hay nhu cầu theo dõi của người hâm mộ chính là nhu cầu. Khi nhu cầu tăng cao và nguồn cung có hạn, không cần phải là người học chuyên sâu về kinh tế, chắc chắn bạn cũng hiểu giá thành sẽ được đẩy lên cao.
Điều này được thể hiện với chính giá bản quyền sự kiện ASIAD 2018. Sau hiệu ứng mà đội tuyển U23 Việt Nam tạo ra được tại giải vô địch U23 Châu Á, đơn vị nắm giữ bản quyền ngay lập tức nhận ra đây là cơ hội để có thể nâng giá bản quyền phát sóng với thị trường Việt Nam.
Đầu tư về mặt công nghệ của nước chủ nhà
Mức phí bản quyền ASIAD tại các quốc gia/ vùng lãnh thổ khác không được chia sẻ rộng rãi. Tuy nhiên, Hong Kong vào cuối tháng 7 cũng phải “chật vật” trong việc mua bản quyền phát sóng bởi mức phí lên tới 6 triệu USD và không một nhà đài nào cảm thấy mặn mà. Về sau, dưới một số tác động được cho là đến từ giới chức Hong Kong, mức phí bản quyền phát sóng đã được “chốt” ở mức 2 triệu USD.
Một trong những lý do năm nay bản quyền phát sóng ASIAD 2018 không rẻ cũng đến từ thực tế đầu tư về nội dung sự kiện của nước chủ nhà. Theo đó, phía Indonesia dự kiến sẽ phát sóng trực tiếp 38 trong tổng số 40 mô thi đấu tại ASIAD 2018 bằng 427 camera độ nét cao cùng tổng số tiền đầu tư cho hoạt động truyền hình, phát sóng lên tới 800 triệu Rp (tương đương trên 52 triệu USD).
Quan điểm trái chiều từ người hâm mộ
Việc nuối tiếc khi không có cơ hội xem đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018 là khó có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, thực tế không ít người lại thể hiện quan điểm đồng tình với nhà đài. Nhiều khán giải nhận định người hâm mộ Việt Nam phần đông quan tâm nhất và sẽ giành thời gian theo dõi trực tiếp nội dung bóng đá nam, các nội dung còn lại khán giải vẫn có thói quen xem tin tức cập nhật tổng hợp trên báo chí thay vì xem TV, vì thế việc bỏ vài triệu USD để mua bản quyền ASIAD 2018 là không thực sự cần thiết. Trong khi đó, không ít người cho rằng vài triệu USD không phải một số tiền lớn với quy mô một đài truyền hình quốc gia.
Dù vậy, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng ASIAD 2018 là một giải thể thao kén người xem,. Việc đầu tư mua bản quyền phát sóng nhưng không có nhiều triển vọng về hiệu quả kinh doanh từ hoạt động quảng cáo là lý do khiến nhà đài lấn cấn.