Ngành công nghiệp điện thoại Trung Quốc sụt giảm chưa từng có khi lượng đơn hàng vận chuyển trên toàn thế giới giảm đến 11.7% trong Q1 của năm 2020 (theo báo cáo của Trung tâm Dữ liệu Quốc tế IDC). Ở Trung Quốc, ngoại trừ Huawei thì doanh số điện thoại trong thị trường đã giảm 22% so với năm ngoái.
Dù phải đối mặt với doanh thu sụt giảm, các hãng điện thoại của Trung Quốc, điển hình là Xiaomi và Vivo, vẫn vươn lên để cạnh tranh với các “ông lớn” tại các thị trường như Ấn Độ, Châu Phi, Đông Nam Á và Nam Mỹ.
Mức độ phổ biến của các thiết bị sở hữu công nghệ 5G cũng dần tăng cao và các hãng điện thoại Trung Quốc từ lâu đã đi đầu trong việc khuyến khích người dùng chuyển sang sử dụng chúng.
Sự chậm trễ của các đối thủ trong “cuộc đua 5G” đã khiến cho các công ty Trung Quốc có cơ hội chiếm lấy nhiều thị phần hơn.
Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để soán ngôi các thương hiệu smartphone lừng danh như Samsung và Apple trên trường quốc tế. Vậy, các ứng cử viên sáng giá nhất của làng smartphone Trung Quốc bao gồm Huawei, Xiaomi và Vivo sẽ phải làm như thế nào để chiến thắng các đối thủ này trong năm 2020?
Huawei
Tuy gây được tiếng vang khi đa dạng hóa các thiết bị trong phân khúc công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là mạng lưới 5G, song mức độ thành công của Huawei về mặt điện thoại di động chỉ gói gọn trong những thành tựu trong nước. Chưa kể, điều này lại càng bị lung lay khi gặp phải lệnh cấm sử dụng các dịch vụ của Google.
Dù vậy, gã khổng Trung Quốc đang đe dọa vị trí dẫn đầu của Samsung về số lượng hàng hóa quốc tế. Mặc cho tổng lượng hàng hóa bị giảm 17.1%, Huawei vẫn đứng thứ hai trong danh sách khi chiếm 17.8% thị phần trong Q1. Đây là hãng duy nhất có thể gia tăng thị phần tại Trung Quốc, tăng 6%, trong khi các hãng khác phải chịu nhiều sự suy giảm.
Huawei còn tránh được sự suy giảm bằng cách giảm giá dòng điện thoại Mate 30 và P30, thậm chí dòng V30 và 9X của thương hiệu phụ Honor cũng được giảm. Tuy may mắn không bị suy giảm trong doanh số, việc kinh doanh trong nước của Huawei lại bị ảnh hưởng nặng hơn Xiaomi hay Vivo.
Do dịch Covid-19, doanh số mua hàng trực tuyến tăng lên nhanh chóng và chiếm 50% tổng doanh số bán của điện thoại. Lợi dụng điều này, Huawei đã hợp tác với đơn vị giao hàng Meituan Dianping, nhằm cung cấp dịch vụ giao hàng trong ngày nếu khách hàng mua điện thoại thông qua ứng dụng của Meituan. Điều này càng khiến cho Huawei trở thành một lựa chọn thích hợp nếu khách hàng có nhu cầu mua điện thoại trong mùa Covid-19.
Hơn thế nữa, các thiết bị 5G của Huawei cũng chiếm hơn 50% tổng số lượng thiết bị cầm tay được bán tại Trung Quốc (theo Counterpoint Research).
Thêm vào đó, Huawei đang dần trở nên quá phụ thuộc vào thị trường trong nước này khi hơn 50% doanh số điện thoại bán ra nằm ở Trung Quốc và còn đầu tư xây dựng hẳn một cửa hàng 3 tầng ngay cạnh cửa hàng Apple trong thành phố.
Với tình hình dịch Covid-19 đang lắng xuống và sự khôi phục của nền kinh tế Trung Quốc, Huawei có cơ hội sẽ trỗi dậy ở cả trong lẫn ngoài nước và đây là điều đáng lo ngại đối với các đối thủ cạnh tranh.
Xiaomi
Sở hữu tận 10.7% thị phần quốc tế nhưng Xiaomi vẫn đang trong tình thế bấp bênh khi các thị trường quan trọng vẫn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt là ở Ấn Độ. Dù vậy, Xiaomi vẫn được thị trường này nâng đỡ khi tăng trưởng 6.1% trong Q1.
Chỉ mới tham gia vào thị trường châu Âu và Mỹ từ năm 2019 nhưng với sự rút lui của Huawei, Xiaomi đã sẵn sàng để chiếm lấy cơ hội này. Mới vừa qua, công ty đã có báo cáo tăng trưởng lên đến 3 con số với sự gia tăng lượng hàng hóa đến 145% tại thị trường châu Âu ở Q1.
Mới đây, Xiaomi còn dừng sản xuất thiết bị 4G để tập trung toàn lực vào dòng thiết bị 5G sắp tới. Thậm chí thương hiệu phổ thông Redmi sắp tới cũng sẽ được cập nhật công nghệ kết nối 5G.
Vượt xa ở thị trường quốc tế, nhưng Xiaomi có những dấu hiệu không mấy khả quan trong nước. Kết thúc Q1 năm 2020, lượng hàng hóa đã giảm 35%. Để chứng minh mình không thua kém các đối thủ, Xiaomi cho ra mắt các dòng điện thoại tầm trung tích hợp dịch vụ 5G như Mi 10 5G và Redmi K30 5G. Việc này đã mang về cho Xiaomi 14% thị phần phân khúc thiết bị 5G nhưng so sánh với tổng thể thì Xiaomi vẫn chỉ được 9% thị phần chung.
Mặt khác, thị trường châu Âu vẫn đang trong tình trạng rối ren với dịch Covid-19 và từ tháng 3, thị trường Ấn Độ đã giới hạn các mặt hàng hóa mua bán trực tuyến xuống thành các nhu yếu phẩm và điều này đã ảnh hưởng ít nhiều đến doanh số bán trên mạng của Xiaomi.
Có thể nói đây là khoảng thời gian khó khăn cho Xiaomi. Tuy nhiên, hệ điều hành mới, MIUI 12, ra mắt có thể là chiêu bài để Xiaomi thu hút khách hàng mới khi lựa chọn điện thoại.
Vivo
Hãng điện thoại đến từ công ty điện tử Đông Quan BBK có thể sẽ là đối thủ đáng gờm khi dẫn đầu ngành công nghiệp với mức tăng trưởng 7%, nâng thị phần quốc tế của Vivo lên mức 9%. Vivo còn là 1 trong 5 hãng điện thoại đứng đầu doanh số bán ra trong Q1 vừa qua.
Trước đó, vào tháng 2/2020, Vivo đã thông báo sẽ “tấn công” thị trường Ấn Độ thông qua việc xây dựng thêm 250 cửa hàng, bao gồm 20 cửa hàng chuyên về các dòng sản phẩm cao cấp.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã dập tắt mọi thứ. Dù vậy, Vivo vẫn đạt được một thành tích ấn tượng khi đánh bại Samsung tại thị trường này để soán vị trí điện thoại phổ biến thứ hai sau Xiaomi bằng hai dòng phổ thông là Y và S.
Vào tháng 5, Vivo đã cho ra mắt hệ thống bán lẻ trực tuyến khi khách hàng có thể mua sản phẩm bằng cách liên lạc với dịch vụ tư vấn khách hàng, và sẽ được kết nối với trung tâm bán lẻ gần nhất. Dịch vụ này nhằm hướng tới các khách hàng muốn mua sắm nhưng ngại phải ra ngoài vì tình trạng dịch bệnh.
Tại thị trường trong nước, Vivo vừa qua cũng cho ra mắt dòng điện thoại mới nhất mang tên X50. Dù chỉ vừa ra mắt nhưng X50 đã đem về cho Vivo danh hiệu “chiếc điện thoại 5G mỏng nhất thế giới" và tỏ ra là một đối thủ đáng gờm với các sản phẩm tầm trung của Xiaomi.
Những hãng điện thoại khác thuộc sở hữu của BBK cũng bắt đầu tìm cách để khẳng định vị trí trong thị trường đầy cạnh tranh
OnePlus, hãng điện thoại tầm cao của BBK, cũng dần tập trung vào thị trường trong nước sau khi đạt được thành công tại châu Âu. Hãng còn đưa ra thông báo sẽ tiến hành phát triển một dòng điện thoại tầm trung với mức giá phải chăng và sẽ ra mắt tại châu Âu và Ấn Độ.
OPPO, một hãng khác thuộc BBK, cũng đã chuyển hướng tập trung sang các thiết bị đeo như đồng hồ thông minh nhằm đa dạng hóa nguồn thu. Cũng như Xiaomi, OPPO cũng đang nhắm tới những thị trường bị Huawei bỏ ngỏ thông qua các cửa hàng bán lẻ khác.
Kết luận
Nhìn chung, Các nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong suốt phần còn lại của năm.
Như Huawei sẽ phải cố gắng phát triển trong một thị trường đã bão hòa, còn Xiaomi và Vivo thì lại quá trông cậy vào Ấn Độ khi khu vực này đang phải hứng chịu dịch bệnh Covid-19.
Tuy công nghệ 5G đã xuất hiện và đánh dấu một kỷ nguyên mới, nhưng có vẻ các công ty điện thoại hàng đầu Trung Quốc sẽ phải tính toán lại kế hoạch của mình để có thể thích nghi hơn với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hiện nay.