Sau siêu Trăng Giun diễn ra vào cuối tháng 3/2021, người yêu thiên văn Việt Nam sẽ tiếp tục có cơ hội chiêm ngưỡng các hiện tượng thiên văn thú vị trong tháng 4 này.
Mưa sao băng Lyrids
Người dân Việt Nam sẽ có cơ hội ngắm mưa sao băng Lyrids (Thiên Cầm). Mưa sao băng Lyrids sẽ diễn ra trong hơn 1 tuần, chủ yếu từ ngày 16 đến 25/4. Tuy vậy, thời điểm trận mưa sao bằng này đạt cực đại là vào đêm ngày 21 tháng 4 đến rạng sáng ngày 22 tháng 4.
Được biết, những người yêu thiên văn có thể quan sát mưa sao băng Lyrids tại cả hai bán cầu. Ở Việt Nam, thời điểm chiêm ngưỡng tốt nhất là khoảng từ 22h ngày 22 đến 6h sáng ngày 23/4.
Theo NASA, mưa sao băng Lyrids được lấy theo tên của chòm sao Lyra (Thiên Cầm), nơi các ngôi sao băng phát ra.
Lyrids là trận mưa sao băng đầu tiên được loài người ghi nhận, xuất hiện trong cổ văn Trung Quốc từ 2.500 năm trước. Mưa sao băng này xuất hiện mỗi khi Trái Đất đi qua vùng mảnh vỡ của sao chổi Thatcher.
Mưa sao băng này đạt khoảng 20 vệt/giờ vào lúc cực đỉnh. Trận sao băng này đôi khi tạo ra những vệt bụi sáng tồn tại trong vài giây. Người xem nên đến nơi không có ánh sáng mạnh, chói, cho mắt thích nghi với bóng tối để dễ dàng phát hiện các vệt sáng trên bầu trời.
Tuy nhiên, trong năm nay, mưa sao Lyrids xảy ra lúc Mặt Trăng gần tròn. Ánh sáng của Mặt Trăng có thể làm lu mờ ánh sao, trừ những vệt sao sáng nhất. Người quan sát kiên nhẫn vẫn có thể bắt gặp vài vệt sáng rõ ràng.
Xem thêm: Lý Tử Thất tự may đồ cổ trang nhưng chỉ mặc đúng 30' và sự thật đằng sau khiến ai cũng rơi nước mắt
Trăng Non, Trăng Thượng Huyền và siêu Trăng Hồng
Trong tháng 4 năm nay, người yêu thiên văn còn được chiêm ngưỡng thêm những hiện tượng thiên văn kỳ thú như Trăng Non, Trăng Thượng Huyền và siêu Trăng Hồng.
- Trăng Non (12/4):
Trăng Non hay còn gọi là Trăng Mới, (tiếng Anh: New Moon) là hiện tượng khi Mặt Trăng nằm giữa Trái Đất và Mặt Trời. Khi đó, từ Trái Đất chúng ta không thể nhìn thấy phần được chiều sáng của Mặt Trăng.
Trên bản đồ sao, đây là lúc Mặt Trăng trùng với Mặt Trời, hay nói cách khác, Mặt Trời đang nằm tại cung nào thì Mặt Trăng cũng ở cung đó.
Đây là thời điểm tốt nhất tháng để quan sát các vật thể mờ như các thiên hà hay các cụm sao bởi vì không có sự lấn át của ánh Trăng.
- Trăng Thượng Huyền (20/4):
Trăng Thượng Huyền, còn gọi là Trăng Bán Nguyệt đầu tháng (theo lịch âm), lúc này Mặt Trăng sẽ có hình dạng bán nguyệt và xuất hiện ở thiên đỉnh vào đầu buổi tối, sau đó lặn dần về phía tây.
Những ngày quanh ngày này sẽ rất thuận lợi cho việc quan sát Mặt Trăng qua kính thiên văn hay ống nhòm. Các vết lõm trên bề mặt Mặt Trăng lúc này cũng xuất hiện rõ "mồn một".
- Siêu Trăng Hồng (27/4):
Tiếp đến, người dân Việt Nam sẽ có cơ hội quan sát siêu Trăng Hồng, được dự đoán là siêu Trăng to và sáng nhất trong năm nay.
Siêu Trăng là hiện tượng Trăng tròn xuất hiện ở vị trí gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo. Khi đó, Mặt Trăng sáng và lớn hơn bình thường.
Tại Việt Nam, siêu Trăng Hồng sáng nhất vào khoảng 22h tối 27/4, có thể thấy rõ bằng mắt thường.
Tuy nhiên, siêu Trăng này sẽ không có màu hồng như tên gọi. Tên gọi này được những bộ lạc bản địa đầu tiên ở Mỹ gọi là Trăng Hồng, bởi vì nó đánh dấu thời điểm xuất hiện của loài cỏ hồng rêu, hoặc loài địa giáp trúc hoang, là một trong những loài hoa mọc sớm nhất vào mùa xuân.
Do tháng 4 cũng là mùa nhiều loài động vật khu vực Bắc Mỹ đẻ trứng nên kỳ Trăng này còn được gọi là Trăng Trứng (Egg Moon). Một số bộ tộc vùng biển cũng gọi đây là Trăng Cá (Fish Moon) vì trùng khớp với sự có mặt của những đàn cá trích lớn.
Trong năm 2021, thế giới cũng sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng Trăng Xanh diễn ra vào khoảng cuối tháng 8 tới.
Xem thêm: Phát hiện bất ngờ: Có một hành tinh ẩn mình ngay trong Trái Đất