Trong nhiều năm qua, hàng loạt nghiên cứu đã chỉ ra rằng smartphone là nhân tố có thể gây ra trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.
Mới đây, một nghiên cứu được công bố từ các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Sainte-Justine của Montreal lại tiếp tục cho thấy, việc sử dụng mạng xã hội và TV cũng làm gia tăng các triệu chứng trầm cảm ở thế hệ thanh thiếu niên.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, thời gian sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số càng nhiều, các triệu chứng trầm cảm sẽ càng tăng,” Patricia Conrod, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu cho biết trong một thông cáo báo chí hôm thứ Hai.
Đây là kết quả theo dõi của nhóm nghiên cứu dựa trên khoảng 4.000 thanh thiếu niên Canada, từ độ tuổi 12 đến 16 tuổi, trong khoảng thời gian 4 năm. Trong mỗi năm, những người được chọn sẽ tự báo cáo về thời gian bản thân đã dành cho các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, bao gồm thời gian sử dụng mạng xã hội, xem TV, chơi game và sử dụng máy tính.
Nghiên cứu cho thấy, những người càng xem TV và sử dụng mạng xã hội càng nhiều, chúng sẽ càng có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, cường độ chơi game lại không có mối liên hệ với nguy cơ trầm cảm trong tương lai.
Conrod cho biết, cần nhiều nghiên cứu hơn để xác thực liệu tiếp xúc với mạng xã hội có phải là nguyên nhân tằng tỷ lệ trầm cảm ở người trẻ hay không. Dẫu vậy, nghiên cứu này có thể giúp đề ra các phương pháp điều trị cho những đứa trẻ có nguy cơ bị bệnh.
“Việc xác định sớm những đứa trẻ bị trầm cảm có thể giúp các bác sĩ và bậc phụ huynh có nhiều thời gian hơn để điều trị kịp thời. Chẳng hạn như, việc điều chỉnh thời gian sử dụng mạng xã hội và TV có thể giúp những đứa trẻ có thể kiểm soát tâm trạng chán nản, hoặc dễ ngăn ngừa các triệu chứng trầm cảm”, Conrod cho biết.