“Fear of missing out” (tạm dịch: “sợ bỏ lỡ một thứ gì đó") là một hội chứng thường được dùng để diễn ra cách mạng xã hội khiến mọi người đều cảm thấy họ là một phần của một thứ gì đó – một buổi biểu diễn ca nhạc, một bãi biển ngập nắng hay một nhà hàng – mà thực tế họ không hề có sự liên quan.
Có thể bạn nhìn thấy hình ảnh một người bạn đang dự một buổi tiệc trên Instagram và bạn cũng tự hỏi bản thân vì sao mình không ở đó. Và rồi, cũng trên News Feed, bạn nhìn thấy một video vui nhộn, kì lạ gắn logo TikTok với chuyển động rung cùng một bài nhạc bạn chưa từng nghe và một nhân vật bạn cũng chưa từng gặp. Cũng có thể bạn nhìn thấy nhiều quảng cáo TikTok trên các mạng xã hội khác hay ngoài đời thực và tự hỏi vì sao bạn không có mặt ở “bữa tiệc” đó.
Đến nay, TikTok đang dần trở thành một trong những mạng xã hội lớn nhất thế giới và khiến cả những “gạo cội” như Facebook cũng phải lo lắng. TikTok được cho là đã có trên dưới 2 tỉ lượt người dùng trên toàn cầu. Con số này còn ấn tượng hơn khi biết rằng phiên bản Trung Quốc của TikTok có tên Douyin và hai ứng dụng này, mặc dù chung chủ là ByteDance, nhưng hoạt động hoàn toàn độc lập với nhau.
TikTok là một ứng dụng quay và chia sẻ các đoạn video ngắn. Các video trên TikTok thường được quay ở chế độ dọc màn hình thay vì ở khung hình vuông hoặc ngang máy, tương tự Stories trên Snapchat hoặc Instagram. Dù vậy, người dùng tương tác với dòng thông tin chỉ đơn giản bằng cách vuốt lên, xuống màn hình, thay vì phải chạm.
Các nhà sáng tạo nội dung trên TikTok có các công cụ đủ đơn gỉan để ai cũng có thể sử dụng được nhưng cũng đủ đa dạng để tạo ra phong cách riêng của mình: từ những bộ lọc video, các hiệu ứng thú vị cho tới khả năng tìm kiếm âm thanh cho video.
Trên TikTok, hashtag trở thành một trong những tính năng quan trọng nhất. Thực tế, TikTok không phải mạng xã hội đầu tiên quan tâm đến hashtag. Trước TikTok, Twitter là một trong những mạng xã hội đầu tiên đặt hashtag trong vai trò là một tính năng then chốt trong trải nghiệm người dùng. Dù vậy, trên TikTok, bên cạnh chức năng tổng thông thông tin, mang đến cho người dùng một dòng thông tin vô tận, hashtag còn có một chức năng độc đáo là “challenge” (thách thức) cho người dùng.
Với mỗi “challenge”, người dùng sẽ thực hiện một nội dung thú vị, lặp đi lặp lại và tạo thành một xu hướng trên TikTok. Mới đây nhất, hashtag #itstartsonTikTok là một trong số những trào lưu mới nhất trên mạng xã hội video này. Đúng như tên gọi, #itstartsonTikTok là thử thách tổng hợp tất cả những “trend” đình đám từng xuất hiện đầu tiên trên TikTok và để xem người tham gia thử thách có thể biết và làm theo bao nhiêu trong số đó. Hashtag này một lần nữa thể hiện được chức năng độc đáo và khả năng tạo “trend” của các nhà sáng tạo nội dung trên TikTok.
Không khó để thấy, trong vài ngày trở lại đây, Facebook cũng đang bắt đầu “thử nghiệm” hashtag dưới hình thức thử thách tương tự như TikTok. Mang tên gọi #first_impression_challenge, Facebook tạo ra hashtag này để khuyến khích người dùng chia sẻ và tương tác về ấn tượng đầu tiên mà họ nhớ đến về một ai đó. Dù vậy, với hình thức “kí tự” thay vì video, các hashtag challenge của Facebook hiện tại vẫn khá khô khan.
Bên cạnh tài năng của các nhà sáng tạo nội dung video trên TikTok, ứng dụng này còn thành công phần lớn nhờ cách tiếp cận thú vị với việc gợi ý nội dung người dùng có thể xem được. Những video TikTok gợi ý cho người dùng là điểm giao thoa giữa một dòng thông tin quen thuộc, được tự kiểm soát, lựa chọn và một trải nghiệm dựa trên thuật toán “quan sát” và gợi ý. Thứ đầu tiên đập vào mắt người dùng trong TikTok không phải bài đăng từ bạn bè mà là một tab có tên “For You”. Đây là nơi hiển thị các video được thuật toán gợi ý dựa trên những video bạn tương tác hoặc xem. Điều đáng nói là đây là một dòng tin vô tận, khéo léo chọn lọc và là một trong những lí do chính khiến một người nghiện TikTok.