Thế nhưng ngôi sao sáng của buổi giới thiệu không ai khác chính là Galaxy Z Fold3, chiếc máy đầu bảng thể hiện bản lĩnh tiên phong, dám thử nghiệm cái mới của Samsung. Đúng 10 năm sau khi đàn anh Galaxy Note khai phá dòng điện thoại màn hình lớn với hàm lượng công nghệ vượt trội, bút S Pen tiện lợi, Galaxy Z Fold3 ra đời với tham vọng mở ra một trang mới cho ngành công nghiệp di động. Lần đầu tiên chúng ta có một chiếc máy màn hình gập đủ bền với đại số đông người dùng, camera dưới màn hình gập đầu tiên trên thế giới, tích hợp thành công S Pen lên màn hình dẻo và hơn tất cả, hỗ trợ kháng nước hoạt động trong nhiều môi trường khác nhau
Để đạt được tất cả những điều đó, có những câu chuyện phía sau rất thú vị mà tôi tin rằng sẽ làm bạn ấn tượng.
Thiết kế bền bỉ, kháng nước
Hầu hết các mẫu điện thoại cao cấp đều có khả năng chống nước, mang lại sự an tâm cho người dùng khi sử vadụng trong nhiều điều kiện khác nhau. Thế nhưng với một sản phẩm gập được, đây là một bài toán khó gần như không thể giải đáp. Galaxy Z Fold3 được cấu tạo bởi 3 thành phần riêng biệt: 2 thân máy chứa 2 màn hình và phần bản lề. Phần thân máy không quá khó để xử lý khi nó thật sự không có quá nhiều khác biệt so với các điện thoại thông thường, nhưng phần bản lề là một bài toán khó mà bản thân Samsung cũng rất đau đầu.
Bản lề của Galaxy Z Fold3 không nằm cố định mà nó sẽ đóng mở liên tục theo nhu cầu của người dùng. Mỗi khi đóng mở, nước và chất lỏng có thể lọt vào và gây ra những tổn hại đến bo mạch của máy cũng như cơ chế khóa bản lề. Chính vì vậy Samsung đã phải xử lý theo 2 phương thức độc lập: tăng cường độ bền của bản lề, sử dụng những vật liệu chống ăn mòn và hợp chất bôi trơn tuổi thọ cao (hơn 200 ngàn lần đóng mở) để ngăn chặn bản lề máy mòn hay rỉ sét, đồng thời tìm cách gia cố bo mạch chủ không cho chất lỏng xâm phạm.
Samsung đã sử dụng những seal cao su và một cơ chế đặc biệt gọi là CIPG (Cured In Place Gasket) để bịt kín những khoảng hở giữa các kết nối bo mạch trong bản lề Z Fold3, từ đó cô lập chất lỏng và ngăn cản chúng chui vào làm hư hại các thành phần bên trong. CIPG có dạng lỏng trước khi phun ở nhà máy, nhưng khi tiếp xúc với không khí, CIPG sẽ biến thành dạng đặc. Theo Samsung, nó giống như một loại keo epoxy dẻo ngăn chặn chất lỏng thâm nhập nhưng vẫn cho phép các thành phần cáp và bản lề di chuyển. Hệ quả là Galaxy Z Fold3 đạt tiêu chuẩn kháng nước IPX8, cho phép hoạt động 30 phút ở độ sâu 1.5m.
Để chống lại bụi, Samsung đồng thời sử dụng những " chổi quét" sử dụng sợi nylon để đẩy bụi ra khi người dùng đóng mở máy. Họ đã phải chế tạo hàng trăm nguyên mẫu sử dụng nhựa PET và sợi carbon trước khi quyết định rằng sợi nylon là vật liệu hiệu quả nhất.
Về phần màn hình, do kết cấu phức tạp của màn hình AMOLED với nhiều lớp khác nhau, Samsung sử dụng các vật liệu keo nhạy cảm với áp lực để bảo vệ các tấm nền này. Khi nước lọt vào, do áp lực khác nhau giữa các thành phần, nó sẽ không lọt vào trong mà nằm giữa bản lề và 2 khung máy, từ đó dần thoát ra ngoài.
Không chỉ có vậy, Samsung còn đồng thời gia cố độ bên cho Z Fold3 bằng cách ứng dụng những vật liệu và công nghệ mới nhất, sử dụng kính cường lực Corning Gorilla Victus với khả năng bảo vệ màn hình khi rơi từ độ cao 2m đồng thời sử dụng vật liệu nhôm mới Armor Alumilum bền hơn 10% so với tước kia.
Màn hình dẻo siêu bền hỗ trợ S Pen
Chống nước là một vấn đề lớn, nhưng màn hình cũng là điểm Samsung phải cải thiện rất nhiều trên Z Fold3. Có hai bài toàn mới hoàn toàn được đặt ra ở đây: một màn hình bền hơn, cứng hơn và hỗ trợ bút S Pen.
Với bài toán đầu tiên, Samsung sở hữu chuỗi cung ứng riêng với hàng chục công ty con cho phép chế tạo những vật liệu riêng biệt đáp ứng nhu cầu của họ. Trên Z Fold3, Samsung đã thay đổi hoàn toàn kết cấu màn hình, chia thành nhiều lớp khác nhau. Khởi đầu là lớp digitizer của Wacom để nhận diện tín hiệu từ bút cảm ứng, rồi đến tấm nền OLED, sau đó là lớp kính siêu mỏng Ultra Thin Glass bảo vệ tấm nền, sau đó họ phủ lên một tấm polymer bảo vệ và cuối cùng là một lớp gia cố khác sử dụng vật liệu PET có thể kéo giãn (stretchable Polyethylene Terephthalate) bảo vệ trên cùng. Samsung cho biết tấm PEI này giúp màn hình khó bị trầy và hằn hơn, đồng thời hạn chế để lại dấu vân tay.
Tổng thể lại, Samsung đã thành công trong việc tạo ra một màn hình bền hơn ít nhất 80% so với thế hệ cũ.
Bài toán thứ 2 về S Pen lại là một thứ khó hơn rất nhiều. Cùng với Wacom thì Samsung cố gắng tạo ra một lớp digitizer duy nhất nối liền 2 tấm nền màn hình nhưng tấm digitizer này lại bị nhược điểm là dễ dàng đứt gãy khi màn hình mở ra đóng lại. Trải qua hàng trăm nguyên mẫu khác nhau về thiết kế, vật liệu vẫn không đáp ứng được nhu cầu, Samsung quyết định "đập đi làm lại" để rồi cuối cùng, tạo ra một phương thức mới tiên tiến và thông minh hơn rất nhiều.
Samsung quyết định trang bị 2 ấm digitizer riêng lẻ cho mỗi bên màn hình. Như vậy, khi người dùng lướt bút vẽ sẽ có một khoảng hở nhỏ. Để khắc phục điều này, Samsung đã sử dụng trí tuệ nhân tạo và các thuật toán thông minh tự động bù lại các nét vẽ, sử dụng dữ liệu từ cả 2 bên màn hình, qua đó tạo ra một trải nghiệm mượt mà và trơn tru nhưng vẫn đảm bảo độ bền.
Cuối cùng, S Pen cũng được thiết kế lại để mang lại trải nghiệm tốt hơn trên màn hình dẻo của Z Fold 3. Các kỹ sư Hàn Quốc sử dụng đầu bút mới tròn hơn, dịu hơn và mềm hơn so với trước kia, đồng thời sử dụng một lò xo nhỏ bên trong bút tránh tình trạng đè quá mạnh vào màn hình. Samsung cho biết độ nhạy S Pen trên Z Fold3 cao hơn 40% so với thế hệ cũ.
Kết luận.
Đã có nhiều nghi ngại khi Samsung ra mắt Fold thế hệ đầu tiên về độ bền, về tính tiện dụng, thế nhưng Samsung vẫn chậm rãi, chắc chắn bước đi với con đường mà họ chọn. Họ âm thầm cải tiến, nâng cấp từng tính năng phù hợp với mong muốn của người dùng. Tôi tin rằng ở thế hệ thứ 3 này, Galaxy Z Fold3 đã trưởng thành, và đạt đến độ chín của một siêu phẩm.