Tờ Metro đưa tin, mới đây Facebook vừa đặt ra giới hạn nghiêm ngặt hơn cho Messenger.
Cụ thể, vào hôm nay Facebook đã thông báo sẽ hạn chế số lượng người hoặc nhóm người mà bạn có thể chuyển tiếp tin nhắn đến trong Messenger.
Theo đó, bạn chỉ có thể chuyển tiếp tin nhắn tới tối đa 5 người hoặc nhóm ở cùng một thời điểm, tương tự biện pháp mà mạng xã hội này áp dụng trên WhatsApp gần đây.
Theo Facebook, thay đổi này nhằm hạn chế việc phát tán, lan truyền tin giả và các nội dung độc hại trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn có diễn biến phức tạp tại nhiều nơi.
Jay Sullivan, Giám đốc Quản lý Sản phẩm, Quyền riêng tư và An toàn của Messenger, đã chia sẻ trong một bài đăng trên trang blog của công ty rằng:
"Việc đặt ra giới hạn chuyển tiếp tin nhắn là một phương pháp hiệu quả nhằm hạn chế phát tán các tin giả và nội dung độc hại có nguy cơ gây nguy hại cho mọi người.
Chúng tôi tin tưởng rằng việc kiểm soát sự lây lan của tin giả là điều rất quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trên toàn cầu vẫn tiếp diễn."
Động thái này của Facebook là bước đi mới nhất mà gã khổng lồ mạng xã hội tiến hành nhằm đối phó với nạn tin giả trên nền tảng.
Hồi tháng 6 vừa qua, Facebook đã bắt đầu cảnh báo người dùng nếu họ từng chia sẻ một bài báo giả mạo được đăng tải hơn 3 tháng về trước.
Trước đó, Facebook cũng từng giới thiệu một công cụ hiển thị thông báo trên News Feed (Bảng tin) của người dùng nếu trước đó họ đã tương tác với tin giả về COVID-19.
Dẫu vậy, cần thêm thời gian để biết được rằng, liệu phương thức giới hạn việc chuyển tiếp tin nhắn này có thực sự phát huy hiệu quả hay không.
Trong một báo cáo được BBC đăng tải mới đây, một nhóm vận động đã lên tiếng cáo buộc những ông lớn mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter không hề xử lý các bài đăng chứa thông tin sai lệch về vắc-xin COVID-19.
Thông qua một nhóm tình nguyện viên, nhóm này đã chỉ ra hơn 900 trường hợp vị phạm trên Facebook, Instagram, Twitter và YouTube. Nhóm này cho biết, 95% các ông lớn mạng xã hội kể trên đã không loại bỏ hoặc xử lý theo cách nào đó những thông tin sai lệch này.