Ngay lúc này, bạn hãy đưa mắt sang chiếc sạc laptop đang ở bên cạnh, nhiều khả năng bạn sẽ nhìn thấy một “cục” hình trụ màu đen. Thực tế, bộ phận bé nhỏ này cực kì hữu ích trong việc giúp chiếc máy tính của bạn có thể hoạt động bình thường. Nó được gọi là ferrite bead.
Theo đó, đây là một bộ phận điện tử thụ động có thể “khử” độ nhiễu tần số cao trong bảng mạnh điện tử. Nếu bạn mở bộ phận này ra, thực tế nó cũng không có gì quá cao siêu ngoại trừ một khối trụ ferrit từ (nam châm trong tự nhiên).
Hiểu một cách đơn giản, khi dòng điện chạy qua bất kì dây cáp nào, nó sẽ sản sinh ra các nhiễu sóng điện từ. Các thiết bị điện tử của bạn cũng có thể tạo ra các nhiễn sóng điện từ khi hoạt động. Ví dụ, khi bạn kết nối một chiếc máy ảnh với màn hình máy tính, máy ảnh sẽ tạo ra nhiễu sóng khiến màn hình máy tính nhấp nháy nếu không có ferrite bead.
Ferrite bead theo đó đảm bảo tín hiệu chỉ được trao đổi theo một hướng hợp lý như đã định và không có nhiễu sóng điện từ nào được trao đổi giữa các thiết bị được kết nối. Ferrite bead đóng vai trò là một bộ phận chặn nhiễu sóng điện từ và việc chặn nhiễu sóng này sẽ càng hiệu quả nếu nó được đặt ở gần phần cuối của dây cáp.
Giờ thì có thể bạn đã hiểu tại sao “cục” hình trụ màu đen này lại được coi là một trong những bộ phận quan trọng nhất của laptop nhưng không nằm trên laptop rồi phải không?