Công Nghệ

Thất bại 8 lần và đứng dậy 9 lần, bác sĩ nha khoa Hàn Quốc này thành công với startup trị giá 2,2 tỉ USD

Lê Thanh Xuân
Chia sẻ

Từ bỏ công việc của một nha sĩ, Seunggun Lee trở thành một doanh nhân với nhiều ý tưởng táo bạo.

Là một nha sĩ, công việc chính của Seunggun Lee từng là trám răng cho các bệnh nhân. Song khi nhận thấy một khoảng trống trong ngành ngân hàng Hàn Quốc, Seunggun Lee đã không thể làm ngơ, mặc dù ở thời điểm đó, ý tưởng của anh là trái với pháp luật.

“Tôi nghĩ dịch vụ này nên tồn tại ở Hàn Quốc - cho dù nó có hợp pháp hay là không,” Lee nói với CNBC. Lee dù vậy rõ ràng không phải một người sợ rủi ro. Anh đã từ bỏ công việc nha sĩ của mình và đầu tư 400.000 USD để theo đuổi “một tá những ý tưởng điên rồ” của mình. Đây là số tiền tiết kiệm của anh sau nhiều năm đi làm cộng với các khoản vay ngân hàng.

Một cỗ máy kiếm tiền

Seunggun Lee, người sáng lập và CEO dịch vụ chuyển tiền ngang hàng Toss.

Lee là người sáng lập và CEO của Toss, một ứng dụng chuyển tiền của Hàn Quốc đạt định giá 1 tỉ USD hồi năm ngoái.

Anh bắt đầu công ty này từ năm 2014 khi những ứng dụng chuyển tiền ngang hàng (P2P) khác như Venmo (của PayPal) bắt đầu được biết đến rộng rãi trên thế giới. Dù vậy, chính sách quản lý hệ thống ngân hàng nghiêm ngặt tại Hàn Quốc khiến những dịch vụ như vậy ở quốc gia này bị pháp luật cấm.

“Tôi thấy có nhiều sản phẩm đã được triển khai tại Mỹ và tôi nghĩ: Nếu cũng làm được điều này ở Hàn Quốc, tiềm năng là khổng lồ”, Lee nói và phàn nàn về quy trình chuyển tiền rắc rối và nhiều bước tại Hàn Quốc vào thời điểm đó.

Với ý tưởng kinh doanh mới của mình, Lee không chỉ phải thuyết phục giới chức, các nhà đầu tư mà còn cả bố mẹ anh.

Vấn đề của những chiếc răng

Lee dành một năm với giới chức để thuyết phục họ cho phép triển khai một nền tảng chuyển tiền được đơn giản hoá.

“Họ như thế ‘Ồ, thứ này mới đó’ và đóng cửa nó lại,” anh chia sẻ với QZ. Song, đến năm 2015, mọi thứ dịu đi và Toss được “bật đèn xanh” để ra mắt. Dù vậy, đối với cha mẹ Lee, việc thuyết phục khó hơn rất nhiều.

Khi Lee chia sẻ về việc anh sẽ từ bỏ sự nghiệp nha sĩ để trỏ thành một doanh nhân, họ vô cùng tức giận. Sự bất định của việc là một doanh nhân khiến nó trở thành một viên thuốc đắng mà các bậc phụ huynh khó nuốt trôi được.

Lee nói anh đã thực sự làm bố mẹ suy sụp. “Ở Châu Á, nhìn chung, gia đình và xã hội luôn kì vọng bạn làm một điều gì đó truyền thống như trở thành bác sĩ hay nha sĩ. Nhưng tôi không bao giờ là người như thế.”

Sự thay đổi của Lee thực tế cũng không suôn sẻ. Anh đã thất bại ở 8 startup - từ mạng xã hội cho tới ứng dụng di động - trước khi sáng lập Toss.

Thế nhưng Lee đã quyết tâm “để lại một dấu ấn cho thế giới”, cho dù có thể không được phụ huynh hỗ trợ. “Tôi dành ba tháng để thuyết phục họ cho tôi thôi việc nhưng không thành công. Cuối cùng, tôi đã dừng cố gắng,” anh chia sẻ thêm.

Đáp ứng nhu cầu thị trường

Quyết tâm của Lee cuối cùng cũng mang lại trái ngọt. Nhà đầu tư nhanh chóng nhận ra giá trị của Toss và bắt đầu rót vốn để hỗ trợ. Vào năm 2014, Altos Ventures trở thành nhà đầu tư lớn đầu tiên của Toss, theo sau đó là PayPal, Sequoia China và quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC.

“Chúng tôi thấy cơ hội lớn và một xu hướng đang diễn ra bên ngoài Hàn Quốc,” Moonsuk Oh, giám đốc Altos Ventures, chia sẻ với CNBC. “Và chúng tôi cũng thấy một người sáng lập có tầm nhìn và cam kết hành động.”

Vòng gọi vốn 80 triệu USD vào tháng 12 năm 2018 đã đưa định giá của Toss vượt qua mốc 1 tỉ USD. Toss trở thành một trong những startup kì lân hiếm hoi của Hàn Quốc. Đến tháng 8 năm nay, tổng vốn Toss đã kêu gọi được lên tới 261,5 triệu USD cùng định giá 2,2 tỉ USD.

Chỉ trong vòng chưa đến 5 năm, Toss đã có 14 triệu người dùng đăng kí, chiếm 27% trong tổng dân số Hàn Quốc, và đã xử lý các món thanh toán với tổng giá trị 48 tỉ USD.

“Trực giác và thử nghiệm của tôi cho thấy ai cũng cần chuyển tiền với nhiều lí do,” Lee nói. “Tôi nghĩ nhóm người dùng ban đầu chỉ bao gồm người trẻ nhưng thực ra còn nhiều nhóm khác.”

Theo nhà phân tích fintech của EY Varun Mittal, Lee đã nhận ra cơ hội ở đúng thời điểm. “Mọi người muốn một cách tốt hơn để thanh toán hơn là phải nhớ số tài khoản ngân hàng,” anh nhận định. “Dùng số điện thoại dễ dàng hơn nhiều, cho tát cả các bên,” anh chia sẻ thêm.

Chia sẻ

Bài viết

Lê Thanh Xuân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất