Giờ giấc, thời gian làm thủ tục bay là cực kỳ quan trọng, nhất là đối với những hành khách lần đầu tiên đi máy bay. Ngay cả với những hành khách thường xuyên bay, đây cũng là một trong các vấn đề đáng lưu ý nhất khi bay. Thông thường, để có thể thong thả trước mỗi chuyến bay, nhiều người sẽ chọn cách đến sân bay trước khoảng 2 tiếng để check-in. Tuy nhiên, liệu dành hẳn trước 2 tiếng để đến sân bay có phải là quá sớm?
Theo Business Insider, điều này phụ thuộc vào mức độ bạn yêu/ghét việc chờ đợi hay sẵn sàng chấp nhận rủi ro lỡ chuyến bay. Tuy nhiên, nếu bạn chưa từng bị lỡ chuyến bay, đó có thể là do bạn đã đến quá sớm.
Một nhà toán học từ Đại học Wisconsin, Jordan Ellenberg, đã quyết định khám phá vấn đề này và đưa ra đáp án trong cuốn sách “Làm thế nào để không bao giờ phạm sai lầm: Sức mạnh của tư duy toán học”.
Theo Ellenberg, dành một khoảng thời gian ngắn hoặc dài để đến sân bay check-in xuất phát từ “chủ nghĩa vị lợi” riêng của từng người.
Dành cho những ai chưa biết, chủ nghĩa vị lợi, (hay chủ nghĩa công lợi hoặc thuyết duy lợi, thuyết vị lợi) là một triết lý đạo đức, một trường phái triết học xã hội và cũng đóng vai trò quan trọng trong ngành khoa học kinh tế. Chủ nghĩa này cho rằng hành động tốt nhất là hành động đạt được một cách cao nhất những gì được cho là hữu ích, lợi ích. “Lợi ích” được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, thường là theo thuật ngữ “hạnh phúc của các sinh vật sống”, như là con người hay các động vật khác.
Như chúng ta cũng đã biết, việc xuất hiện càng sớm càng tốt tại sân bay trước một khoảng thời gian dài chắc chắn sẽ giúp chúng ta không bị lỡ chuyến bay. Tuy nhiên, việc đến sân bay quá sớm có thể khiến bạn đánh đổi bằng việc “dính” luôn tại sân bay mà không thể đi đến một nơi nào khác, điều này sẽ gây khó chịu cho những ai thích xê dịch hoặc những người mệt mỏi và đang cần nghỉ ngơi.
Để hiểu mức độ “lợi ích” trong chủ nghĩa vị lợi khi đến sân bay sớm hoặc muộn, bạn có thể tính theo phép tính sau:
Đầu tiên, chúng ta hãy giả sử mỗi 1 giờ tại sân bay sẽ tiêu tốn của chúng ta 10 “lợi ích” và trễ máy bay là 50. Điều này đồng nghĩa, việc bỏ lỡ chuyến bay sẽ gây khó chịu cho chúng ta gấp 5 lần so với 1 giờ ngồi chờ.
Nếu bạn đến sân bay sớm 30 phút, sẽ có 20% nguy cơ bị lỡ chuyến bay, đến sớm 1 giờ sẽ còn 5% nguy cơ bị lỡ và đến sớm 2 giờ sẽ giảm chỉ còn 1% nguy cơ.
Dựa theo giá trị kỳ vọng (được tính bằng tổng các tích giữa xác suất xảy ra của mỗi giá trị), thì khi bạn có mặt ở sân bay sớm 1 giờ, bạn có 5% nguy cơ bị lỡ chuyến bay và điều này sẽ tốn 50 lợi ích của bạn. Vì vậy, tổn thất dự kiến là 5% × 50 = 2,5 lợi ích. Kết hợp với 10 “lợi ích” tiêu tốn từ việc đến sớm 1 giờ, chúng ta có được tổng lợi ích tiêu tốn dự kiến là 12,5 lợi ích.
Tiếp tục, nếu bạn đến sân bay trước 2 giờ, bạn sẽ mất 20 lợi ích. Tổn thất dự kiến khi trễ chuyến bay chỉ là 1% × 50 = 0,5. Kết hợp với 20 lợi ích tiêu tốn khi đến sân bay trước 2 giờ, tổng thiệt hại dự kiến là tiêu tốn 20,5 lợi ích.
Nếu so ra, kết quả dự kiến từ việc đến sân bay sớm hơn 2 giờ còn tệ hơn cả đến sớm trước 1 giờ. Mặc dù, nguy cơ trễ chuyến bay của bạn giảm khá nhiều, nhưng thời gian bị mắc kẹt trong sân bay tiêu tốn nhiều hơn lợi ích của bạn. Do đó, tốt hơn hết là bạn nên chấp nhận nguy cơ rủi ro bị lỡ chuyến cao hơn đôi chút.
Tất nhiên, nếu bạn đến sân bay quá muộn, nguy cơ bị lỡ chuyến bay sẽ chiếm ưu thế. Theo đó, nếu bạn đến sân bay nửa giờ trước khi chuyến bay khởi hành, bạn chỉ mất 5 lợi ích, nhưng có tới 20% khả năng bị lỡ chuyến bay. Tổn thất dự kiến khi trễ chuyến bay lúc này là 20% × 50 = 10. Kết hợp với 5 lợi ích cho việc đến sân bay trước 30 phút, tổng thiệt hại dự kiến là tiêu tốn 15 lợi ích. Kết quả này vẫn tệ hơn con số 12,5 lợi ích nếu đến sân bay sớm 1 giờ.
Tuy nhiên, kết quả kể trên vẫn phải phụ thuộc vào sở thích của từng cá nhân. Có người sẽ chấp nhận rủi ro mà đến sân bay trước 30 phút, nhưng vẫn sẽ có người luôn lo xa mà đến sân bay trước 2, hay thậm chí là 3 giờ đồng hồ và sẵn sàng ngồi đợi.