Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Công nghệ số

Chuyện bản quyền phát sóng ASIAD 2018: ‘Xôi lạc TV’ đáng thương hay đáng trách?

Người hâm mộ Việt Nam đáng thương hay đáng trách khi ủng hộ, thậm chí tung hô, các nội dung chưa có bản quyền?

“Về chuyện bản quyền thì cũng có nhiều bên í ới, thế nhưng nếu bị kiện thì cũng là chúng tôi bị phạt chứ các bạn chỉ việc xem thôi, đâu cần lo lắng gì,” đó là chia sẻ của các bình luận viên không chuyên của kênh “Xôi lạc TV” trong trận đấu giữa Olympic Việt Nam và Olympic Nhật Bản. Trong những ngày đầu của sự kiện ASIAD 2018, việc không mua được bản quyền phát sóng chính thức khiến “Xôi lạc TV” nổi lên như một trong những kênh thông tin “hàng đầu” mà người hâm mộ có thể tìm đến để cập nhật các nội dung thi đấu, dĩ nhiên, một cách “không có bản quyền”. Hoạt động của kênh này đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Thế nhưng, sau tất cả, “Xôi lạc TV” đáng thương hay đáng trách?

Chật vật mua bản quyền phát sóng

Với việc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) công bố chính thức có bản quyền phát sóng sự kiện ASIAD 2018 ngày hôm qua (21/8), tức vài ngày sau khi sự kiện thể thao lớn nhất Châu Á chính thức khai mạc, Việt Nam trở thành quốc gia cuối cùng tại Châu Á có thể xem được ASIAD 2018 một cách chính thống. Mức giá bản quyền cuối cùng do đối tác đưa ra được cho là ở mức 1,3 triệu USD.

Việc VOV mua bản quyền ASIAD 2018 khiến nhiều người cảm thấy khá bất ngờ bởi trước đó Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) là đơn vị duy nhất tham gia đàm phán bản quyền sự kiện này. Dù vậy, mức phí bản quyền độc quyền có thể lên tới 4 triệu USD đã khiến VTV quyết định dừng đàm phán vì “vượt quá khả năng tài chính” và “cao một cách vô lý.”

Việt Nam thời điểm đó có nguy cơ “trắng sóng” ASIAD lần đầu tiên trong lịch sử.

Cực chẳng đã, người hâm mộ mới phải tìm đến “Xôi Lạc TV”

“Chúng tôi không cổ suý việc xem truyền hình không có bản quyền,” độc giả Tuấn Anh (25 tuổi, Hà Nội) chia sẻ. “Thế nhưng, nếu không chọn cách xem “chùa” trên Internet thì đâu là giải pháp cho người hâm mộ,” anh chia sẻ thêm. Hầu hết độc giải chúng tôi có dịp tiếp xúc trong những ngày qua đều cho rằng họ sẵn sàng bỏ tiền để được xem ASIAD 2018 một cách đang hoàng, có bản quyền. Thế nhưng, sau tất cả thì thiếu chút nữa chẳng có nhà đài nào mặn mà với ASIAD 2018.

Cùng cần phải hiểu rõ rằng việc mua hay không mua bản quyền phát sóng một sự kiện thể thao có chi phí lớn như ASIAD 2018 chính là một phương án kinh doanh của nhà đài. Trước khi đặt bút kí thoả thuận bản quyền, các yếu tố liên quan đến kinh doanh quảng cáo, khả năng lời hay lỗ… đều được đem ra đong đếm. Việc nhà đài không quá… quyết tâm mua bản quyền phát sóng ASIAD cũng là một điều dễ hiểu.

Hiệu ứng ASIAD 2018 tốt hơn tại Việt Nam so với các kì Á vận hội trước là bởi “sức nóng” mà đội tuyển Olympic Việt Nam (với nòng cốt là các cầu thủ U23 Việt Nam từng gây tiếng vang lớn tại U23 Châu Á diễn ra trước đó) là quá lớn. Trong khi đó, ngoại trừ bóng đá nam, với các môn thể thao còn lại, người hâm mộ vẫn quen với việc cập nhật thông tin tổng hợp hơn là đón đợi xem trực tiếp.

Như vậy, cuối cùng thì, “Xôi Lạc TV” hay người hâm mộ Việt ủng hộ, thậm chí tung hô các nội dung vi phạm bản quyền là đáng thương hay đáng trách, khi mà họ không còn bất kì một lựa chọn nào khác?

Dẫu sao đi chăng nữa, Việt Nam cũng đã có bản quyền ASIAD 2018. Thế nhưng, sau ASIAD 2018 còn rất nhiều sự kiện thể thao khác nữa, mà trước mắt là AFF Cup và Asian Cup. Nếu vẫn chưa có một cơ chế hỗ trợ rõ ràng hay một ông lớn mạnh tay đầu tư, câu chuyện bản quyền thể thao nói riêng và bản quyền truyền hình nói chung tại Việt Nam chắc chắn vẫn sẽ chưa đi đến hồi kết.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Lê Nam Khánh

Được quan tâm

Tin mới nhất