Với chiến thắng 3 - 0 trước Campuchia, đội tuyển Việt Nam sẽ tiến vào vòng bán kết AFF Cup 2018 với cương vị dẫn đầu bảng A, đồng nghĩa với việc thầy trò ông Park Hang Seo được thi đấu trận lượt về trên sân nhà SVĐ Mỹ Đình. Trận đấu này sẽ diễn ra vào ngày 06/12 tới. Mới đây, thông tin từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cho biết vé trện đấu này sẽ được phân phối hoàn toàn trên kênh online đang thu hút được rất nhiều sự chú ý của người yêu thể thao.
Cách phân phối vé này được kì vọng sẽ “xoá sổ” cảnh chen lấn mua vé kinh hoàng như ở trận Việt Nam gặp Malaysia trong khi đó cũng được cho là sẽ góp phần giải quyết tình trạng vé chợ đen nóng hổi, đặc biệt là trong nhưungx trận đấu nhận được sự quan tâm lớn như thế này.
Tiện ích là thế nhưng tại sao VFF lại ngần ngại bán vé trực tuyến?
Có một thực tế cần phải chấp nhận rằng không phải người hâm mộ nào cũng thích mua vé trực tuyến. Nhìn nhận dưới góc nhìn của một người hâm mộ trẻ, am hiểu về công nghệ, việc mua vé trực tuyến cũng chẳng khác việc bạn mua một món đồ yêu thích trên một trang thương mại điện tử như vẫn thường làm là bao. Tuy nhiên, đối với nhiều người, đặc biệt là đối tượng người hâm mộ đã lớn tuổi, mua vé trực tuyến không phải là “thượng sách”.
“Đồng ý là mua vé trực tuyến giải quyết được vấn đề chen lấn nhưng nếu được chọn tôi vẫn thích cách truyền thống,” bác Minh, một người hâm mộ bóng đá 45 tuổi ở Hà Nội chia sẻ. “Tôi chưa quen với nhiều vấn đề công nghệ như giới trẻ bây giờ,” bác Minh nói thêm. Cùng quan điểm, bác Hùng (46 tuổi, Hà Nội), một người hâm mộ lâu năm của đội tuyển Việt Nam, nói thêm rằng bên cạnh việc không quen với các hình thức trực tuyến, bác Hùng còn thích không khí hồi hộp, chờ đợi và sự rạo rực trong các buổi bán vé tại quầy. “Thay đổi là tất yếu nhưng về mặt cảm xúc tôi vẫn thích vậy,” bác thành thật.
Một trong những điểm cộng của bán vé qua Internet nằm ở chỗ người hâm mộ ở các tình, thành ngoài Hà Nội cũng có thể mua được vé. Tuy nhiên, yêu cầu thanh toán qua thẻ ATM, thẻ thanh toán quốc tế… lại làm khó nhiều người khi dịch vụ ngân hàng ở nhiều khu vực còn chưa phổ biến.
Bán vé trực tuyến hoàn toàn cũng là một thách thức với bản thân Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) bởi những yêu cầu về hạ tầng kĩ thuật. Để đáp ứng được giao dịch thông suốt khi lượng người truy cập rất lớn, đường truyền cần được nâng cấp và đầu tư. Đây cũng có thể là lý do mà VFF nhiều khả năng sẽ có thể có tới 4 tên tiền phục vụ mua vé trong trận bán kết tới. Yêu cầu về hạ tầng còn “căng thẳng” hơn với VFF bởi thực tế với trận bán kết tới, đơn vị này không có nhiều thời gian để chuẩn bị hạ tầng bởi phải tới hôm qua mới chốt được việc ĐTVN có vào được bán kết hay không và sẽ đá trận bán kết trên sân nhà vào ngày nào.
Bên cạnh hạ tầng, năng lực thanh toán cũng là một vấn đề được VFF lưu tâm bởi liên quan đến các thông tin về tài chính của người hâm mộ, yêu cầu về sự thuận tiện và bảo mật là cực kì quan trọng. Bên cạnh đó, việc giao nhận vé sao cho thuận tiện cũng rất quan trọng. Trong đợt phát hành tới, VFF sẽ chuyển vé trực tiếp tới người mua qua đường bưu điện hoặc người hâm mộ sẽ trực tiếp đến các điểm phát vé để nhận vé của mình.
Sẽ cần có thêm thời gian để công tác liên quan đến phân phối vé trong các sự kiện thể thao diễn ra trơn tru hơn. Tuy nhiên, việc chuyển dịch bán vé trực tuyến như tại AFF Cup năm nay của VFF xứng đáng nhận được một lời khen của người hâm mộ.