Có thể bạn cũng từng để ý rằng màn hình smartphone luôn tắt khi bạn đưa máy lên tai để nghe điện thoại và bật sáng trở lại khi bạn đưa máy ra xa khỏi cơ thể. Cơ chế này là để khi bạn nghe điện thoại, các bộ phận của cơ thể như tai không vô tình chạm vào màn hình, tương tác với thiết bị, từ đó ảnh hưởng đến cuộc gọi. Tính năng “kì diệu” và cực kì tiện ích này là kết quả của một cảm biến mang tên gọi cảm biến tiệm cận.
Gần như tất cả smartphone hiện đại đều được trang bị cảm biến tiệm cận và thường được bố trí ở mặt trước smartphone, thuộc khu vực cụm camera trước và loa thoại. Cảm biến tiệm cận trên điện thoại hoạt động bằng cách phát ra một loại trường điện từ, một chùm bức xạ hoặc một chùm ánh sáng. Sau đó cảm biến này sẽ giám sát sự thay đổi của những trường điện từ hoặc ánh sáng này để phản hồi sao cho hợp lý.
Thực tế, cảm biến tiệm cận trên smartphone thường chỉ có thể nhận biết được đối tượng với khoảng cách từ khoảng 2 cm đến 5 cm. Tuy nhiên, khả năng cảm biến tiệm cận không chỉ dừng lại ở đây. Trong một số ngành như quân sự hay công nghiệp có các loại cảm biến tiệm cận nhận biết được khoảng cách xa hơn rất nhiều.
Lần tới khi bạn nghe điện thoại, có thể bạn sẽ thầm cảm ơn cảm biến bé nhỏ hơn đã tạo ra sự tiện ích không hề bé nhỏ này.